Bộ trưởng Tài chính: Không thể để thế hệ con em chúng ta béo phì, thừa cân

'Tôi nghĩ rằng đáng lẽ phải đánh thuế sớm hơn. Không thể để thế hệ con em chúng ta đến lúc béo phì, bệnh tật rồi mới bắt đầu đánh thuế', Bộ trưởng Bộ Tài chính nói.

Kịp thời ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng thừa cân, béo phì

Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) được Quốc hội thảo luận tại hội trường trong phiên làm việc sáng nay, 9/5/2025.

Theo dự thảo, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung nước giải khát có đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với thuế suất 10%.

Quy định này nhằm kịp thời ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng thừa cân, béo phì đáng báo động ở trẻ em và thanh thiếu niên, nâng cao nhận thức và hạn chế tiêu thụ nước giải khát có đường, mang lại lợi ích về sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ.

Theo lộ trình áp thuế đối với mặt hàng nước giải khát theo tiêu chuẩn Việt Nam, từ năm 2027, mức thuế suất với mặt hàng này là 8% và từ năm 2028 là 10%.

Ngoài nước giải khát có đường, rượu, bia và thuốc lá cũng là những mặt hàng dự kiến phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Trong đó, với rượu trên 20 độ và bia, mức thuế suất được đề xuất tăng theo từng năm, mỗi năm tăng 5%. Cụ thể, từ năm 2027 đến 2031, mức thuế suất cho mặt hàng này sẽ tăng từ 70% đến 90%.

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre) bày tỏ đồng tình với việc bổ sung đối tượng chịu thuế TTĐB nhằm định hướng hành vi tiêu dùng của người dân, nhất là tình trạng béo phì đang rất đáng báo động đối với thế hệ trẻ.

Tuy nhiên, ĐBQH Nguyễn Thị Yến Nhi cho rằng đối tượng chịu thuế đối với sản phẩm đồ uống chứa hàm lượng đường trên 5g/100ml cũng cần phải có lộ trình.

Đối với những sản phẩm nước trái cây tự nhiên như nước dừa – một loại nước uống hoàn toàn tự nhiên, chứa nhiều khoáng chất tốt cho sức khỏe, theo đại biểu đến từ xứ dừa Bến Tre, đây là sản phẩm có thể được lựa chọn để thay thế tốt hơn cho nước ngọt có đường và các loại nước uống đóng chai chứa nhiều đường. Do đó, cần loại trừ nước uống trái cây tự nhiên, trong đó có nước dừa ra khỏi đối tượng chịu thuế TTĐB.

ĐBQH Nguyễn Thị Yến Nhi. Ảnh: Quốc hội.

ĐBQH Nguyễn Thị Yến Nhi. Ảnh: Quốc hội.

Theo ĐBQH Dương Khắc Mai (Đắk Nông), việc áp thuế có lộ trình theo hướng tăng thuế ngày càng cao đối với mặt hàng rượu, bia, thuốc lá, nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml là hoàn toàn phù hợp.

Tuy nhiên, ngoài mặt tích cực là làm giảm nhu cầu tiêu thụ các loại sản phẩm không có lợi cho sức khỏe, việc áp thuế TTĐB lên các mặt hàng này cũng có mặt hạn chế là nhiều đối tượng bị tác động, từ nông dân trồng mía cho đến công nhân trực tiếp sản xuất, và các ngành công nghiệp phụ trợ.

Do đó, ông Mai đề nghị Chính phủ quan tâm nghiên cứu và ban hành các chính sách hỗ trợ phù hợp cho người lao động bị ảnh hưởng.

Bày tỏ sự ủng hộ hoàn toàn đối với việc tăng thuế TTĐB đối với mặt hàng rượu, bia, ông Dương Khắc Mai nói: “Việc sử dụng rượu bia gây hệ lụy nghiêm trọng về mặt xã hội như tai nạn giao thông, bạo lực gia đình, mất an ninh trật tự xã hội và kéo theo nhiều bệnh tật có liên quan. Để hạn chế những vấn đề trên, tôi đồng tình với việc áp thuế TTĐB theo các lộ trình thuế suất cụ thể của dự thảo luật”.

Ông Mai cũng đề xuất bổ sung các đối tượng không chịu thuế TTĐB, trong đó có sản phẩm là máy bay trực thăng, tàu lượn sử dụng cho mục đích cứu hộ, cứu thương.

Bên cạnh đó, xe mô tô hai bánh, ba bánh có dung tích xi lanh từ 125 phân khối trở lên phục vụ cho mục đích an ninh quốc phòng cũng cần được đưa vào diện không chịu thuế TTĐB.

Đại biểu bày tỏ sự đồng tình với cơ quan soạn thảo khi không áp dụng thuế TTĐB đối với mặt hàng điều hòa nhiệt độ có công suất từ 18.000 BTU trở xuống. Tuy nhiên, ông cho rằng mức công suất này chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho cá nhân, hộ gia đình, chứ không đáp ứng cho những nơi như trường học, bệnh viện.

ĐBQH Dương Khắc Mai. Ảnh: Quốc hội.

ĐBQH Dương Khắc Mai. Ảnh: Quốc hội.

Đề xuất đánh thuế TTĐB với túi nilon

Theo đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), thuế TTĐB cũng cần được áp vào sản phẩm tiêu dùng từ nhựa, nhất là túi nilon.

“Ngoài chợ tràn lan sản phẩm nhựa (túi nilon) nhưng dự thảo chưa đưa mặt hàng này vào diện chịu thuế”, ông Hòa nói.

Đại biểu Hòa cũng cho rằng hiện nay không chỉ nước giải khát có đường gây nên béo phì, còn rất nhiều sản phẩm khác, điển hình như trà sữa, bánh kẹo đang bán tràn lan và được cả người lớn và trẻ em tiêu thụ mạnh.

Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) cho rằng sản phẩm nhựa dùng một lần, trong đó có túi nilon gây ô nhiễm môi trường nặng nề.

“Mặc dù các cơ quan báo chí đã truyền thông rất nhiều về tác hại của túi nilon đối với môi trường cũng như sức khỏe của người tiêu dùng. Tuy nhiên việc tiêu thụ túi nilon vẫn còn phổ biến. Do đó, cần áp thuế TTĐB đối với mặt hàng này nhằm dần thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân, góp phần giảm phát rác thải gây ô nhiễm môi trường”, đại biểu Nguyễn Minh Tâm nói.

Bộ trưởng Bộ Tài chính: Nước dừa không phải đối tượng chịu thuế

Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng khẳng định hiện nay đã có những căn cứ rõ ràng để cân nhắc việc đánh thuế đối với NGK có đường trên 5g/100ml.

Bộ trưởng Thắng dẫn chứng, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo Việt Nam tiêu thụ nước uống có đường cao, dẫn đến nguy cơ béo phì và thừa cân. WHO khuyến nghị áp dụng mức thuế TTĐB tối thiểu 20% tại tất cả các quốc gia chứ không riêng Việt Nam. Hiện có 107 quốc gia đã đánh thuế TTĐB đối với mặt hàng này. Tại ASEAN đã có 7 quốc gia đánh thuế.

“Tôi nghĩ rằng đáng lẽ phải đánh thuế sớm hơn. Không thể để thế hệ con em chúng ta đến lúc béo phì, bệnh tật rồi mới bắt đầu đánh thuế”, Bộ trưởng Bộ Tài chính nói.

Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng. Ảnh: Quốc hội.

Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng. Ảnh: Quốc hội.

Cũng theo Bộ trưởng, theo tiêu chuẩn quốc gia về nước giải khát, nước dừa không thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB.

Về đề xuất nâng công suất điều hòa nhiệt độ chịu thuế TTĐB, thay vì từ 18.000 – 90.000 BTU như quan điểm của ban soạn thảo, Bộ trưởng cho biết sẽ xem xét cân nhắc đề nghị này.

Đối với mặt hàng túi nilon, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết mặt hàng này đang được áp phí bảo vệ môi trường ở mức cao nhất. Bộ Tài chính sẽ xem xét có cần thiết dùng chế tài cao hơn, tức là thuế, hay không.

Tuân Nguyễn

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/bo-truong-tai-chinh-khong-the-de-the-he-con-em-chung-ta-beo-phi-thua-can-2399367.html