Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G20 nhóm họp tại Ấn Độ

Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương của Nhóm các Nền kinh tế Phát triển và Mới nổi hàng đầu thế giới (G20) hôm nay bước vào ngày họp chính đầu tiên tại thành phố Gandhinagar, thủ phủ bang Gujarat, miền Tây Ấn Độ.

Một loạt vấn đề cấp bách của kinh tế thế giới hiện nay như xung đột tại Ukraine, gánh nặng nợ, kinh tế toàn cầu suy giảm, việc các ngân hàng trung ương trên thế giới tăng lãi suất… sẽ được các quan chức tài chính và ngân hàng của nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất toàn cầu đưa ra thảo luận tại Ấn Độ trong hôm nay và ngày mai.

Đây là lần thứ ba Ấn Độ tổ chức cuộc họp của các bộ trưởng Tài chính và thống đốc Ngân hàng trung ương trong năm làm Chủ tịch G20. Các chủ đề thảo luận bao gồm cuộc xung đột kéo dài hơn 17 tháng và vẫn đang tiếp diễn tại Ukraine, tăng trưởng chậm lại của kinh tế toàn cầu, đi kèm với áp lực lạm phát trở lại. Các quan chức G20 cũng phải đánh giá các quy định về tiền điện tử và cách thức tăng cường tiếp cận tài chính khí hậu.

Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G20 diễn ra tại Washington DC, Mỹ hồi tháng Tư bên lề Hội nghị Mùa Xuân của WB và IMF (ANI)

Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G20 diễn ra tại Washington DC, Mỹ hồi tháng Tư bên lề Hội nghị Mùa Xuân của WB và IMF (ANI)

Cuộc họp của các quan chức tài chính và ngân hàng G20 tiếp tục phải đối mặt với sự chia rẽ từ khi chưa bắt đầu vì cuộc xung đột tại Ukraine. Ấn Độ, với vai trò nước chủ nhà phải dành nhiều công sức dàn xếp bất đồng giữa các nước thành viên G20 xung quanh ngôn ngữ sử dụng để mô tả cuộc chiến. New Delhi đang cố gắng để tất cả các bên đồng thuận về một bản tóm tắt của chủ tịch sau khi kết thúc hội nghị. Áp lực lần này sẽ lớn hơn sau khi Ấn Độ đã không thể giúp hàn gắn các khác biệt, đảm bảo để G20 ra được một tuyên bố chung cũng tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương hồi tháng Tư.

Trung Quốc và Nga đã phản đối ngôn ngữ mô tả cuộc xung đột, trong khi phương Tây lên án Moscow và cam kết hỗ trợ thêm cho Ukraine. Người ta cho rằng, Ấn Độ sẽ còn gặp nhiều khó khăn nữa trong việc thu xếp ngôn ngữ phù hợp với tất cả các thành viên G20 trước khi hội nghị Thượng đỉnh của khối diễn ra vào tháng 9.

Một chủ đề quan trọng khác cũng sẽ được đề cập tại hội nghị là vấn đề điều hành lãi suất của các ngân hàng trung ương. Các nhà hoạch định chính sách tiền tệ toàn cầu đang ngày càng khác biệt về lập trường chính sách, đặc biệt là khi nói đến lạm phát. Trong khi giá cả tăng cao đang khiến các ngân hàng trung ương của Mỹ và châu Âu thắt chặt tiền tệ, viễn cảnh giảm phát đang buộc Trung Quốc phải xem xét nới lỏng hơn nữa.

Các ngân hàng trung ương cũng sẽ thảo luận về các mối đe dọa do tình trạng hỗn loạn của ngành ngân hàng gây ra cho các nhà đầu tư trên toàn thế giới vào đầu năm nay. Sự sụp đổ của hai công ty tài chính tại Mỹ và tập đoàn ngân hàng khổng lồ châu Âu Credit Suisse Group đã làm dấy lên lo ngại khủng hoảng lây lan, làm phức tạp thêm quỹ đạo tăng trưởng của thế giới.

Việc cải cách các thể chế tài chính đa phương là Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng sẽ nằm trong chương trình làm việc. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen trước đó đã thúc giục các cơ quan cho vay phát triển làm việc nhiều hơn để huy động nguồn vốn tư nhân khi mà các thách thức toàn cầu gia tăng. Cuộc họp hai ngày sắp tới của các quan chức tài chính và ngân hàng cũng sẽ tìm giải pháp cho gánh nặng nợ của các nước cũng như xây dựng các quy định đối với tiền kỹ thuật số.

Phan Tùng/VOV-New Delhi

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/bo-truong-tai-chinh-va-thong-doc-ngan-hang-trung-uong-g20-nhom-hop-tai-an-do-post1033068.vov