Bộ trưởng TN&MT: Tích cực hồi sinh các 'dòng sông chết' nhưng chưa được bao nhiêu
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương cũng tích cực hồi sinh các 'dòng sông chết' nhưng chưa được bao nhiêu.
Sáng 4/6, Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn và trả lời nhóm lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường. Một trong những vấn đề được đại biểu quan tâm đó là việc hồi sinh các "dòng sông chết".
Nêu câu hỏi chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương) đề nghị Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết giải pháp và kế hoạch của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc hồi sinh các "dòng sông chết" do ô nhiễm trầm trọng.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường dẫn Luật Tài nguyên nước có nội dung về phục hồi các "dòng sông chết" và giải thích "dòng sông chết" là những dòng sông vừa ô nhiễm nặng, vừa không có dòng chảy.
"Sông Bắc Hưng Hải, sông Đáy, sông Cầu ô nhiễm rất nặng. Vừa qua Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương cũng tích cực nhưng cũng chưa cải tạo được bao nhiêu", ông Đặng Quốc Khánh thừa nhận.
Theo Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường, nguyên nhân của thực trạng này do nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp vẫn xả thải ra các dòng sông này nhưng các địa phương chưa đủ nguồn lực để đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải.
Bên cạnh đó, ông Đặng Quốc Khánh nêu thực tế, các đô thị lớn như Hà Nội mỗi ngày xả thải vào hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải trên 260.000 m3; 65% nước xả vào sông Nhuệ - sông Đáy là nước thải sinh hoạt, chưa được xử lý.
"Tôi được biết, Hà Nội đã làm quy hoạch một số nhà máy xử lý nước thải ở Gia Lâm và Long Biên, đề nghị Hà Nội làm sớm. Các địa phương cần chung tay thu gom, xử lý nước thải và tạo dòng chảy cho các dòng sông để khơi thông, điều hòa dòng chảy", ông Đặng Quốc Khánh kiến nghị.
Về công tác quản lý, Bộ trưởng cho hay khi Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/7, Bộ Tài nguyên Môi trường sẽ đề xuất với Thủ tướng thành lập Ủy ban Quản lý lưu vực sông để gắn trách nhiệm chung của các tỉnh, các Bộ ngành.
"Giai đoạn 2026 - 2030 cần quan tâm xử lý các dòng sông ô nhiễm và việc này cần nguồn lực tương đối lớn", ông Đặng Quốc Khánh nói.
Tranh luận ngay sau đó, đại biểu Nguyễn Hữu Toàn (Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu) cho biết, theo trả lời của Bộ trưởng, các dòng sông bị ô nhiễm đi qua nhiều tỉnh và có mức độ xả thải lớn. Đại biểu Toàn đề nghị làm rõ trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc tổ chức thực hiện Luật Bảo vệ môi trường khi để xảy ra trình trạng xả thải, ô nhiễm môi trường ngày càng tăng.
"Bộ trưởng nói việc này cần thời gian và nguồn lực, nhưng cần bao nhiêu năm nữa? Nguồn lực xử lý tổng thể ô nhiễm thế nào, vì vấn đề này ảnh hưởng đến hàng chục triệu dân", đại biểu Nguyễn Hữu Toàn đặt vấn đề.
Giải đáp vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, vừa qua Bộ Tài Nguyên và Môi trường đã phối hợp với Bộ Công an thanh tra, kiểm tra và xử phạt nhiều vi phạm, nhưng các dòng sông vẫn ô nhiễm nặng nề do nước thải sinh hoạt và nước thải từ cụm công ghiệp, làng nghề.
Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cùng các địa phương tăng cường quan trắc, giám sát, kiểm tra đột xuất để xử lý nghiêm vi phạm.
"Đại biểu phản ánh tình trạng "dòng sông vẫn thế và có vẻ ô nhiễm nặng hơn". Báo cáo với đại biểu rằng, chúng ta phát triển kinh tế - xã hội nên nhu cầu về nước sẽ ngày càng tăng. Trong 50 năm, nhu cầu dùng nước của chúng ta tăng lên 3 lần", Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường nói.
Theo ông Đặng Quốc Khánh, những dòng sông như sông Nhuệ, sông Đáy, sông Cầu, sông Bắc Hưng Hải... cũng đang bị tác động bởi tiến trình đô thị hóa, nước thải sinh hoạt nhiều hơn mà chủ yếu là nước hóa chất từ dầu gội đầu, nước rửa chén…
Vì vậy, Bộ trưởng cho rằng cần tạo dòng chảy để hòa tan, làm trạm bơm Bắc Hưng Hải xử lý cục bộ.
"Việc này cần giải pháp vừa tổng thể vừa căn cơ, bên cạnh đó, cần nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong bảo vệ các dòng sông", Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường nói.