Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Sẽ dùng phương pháp thống kê, toán học để định giá đất
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, nếu xác định được vấn đề định giá đất sẽ thực hiện được rất nhiều công việc cụ thể để ổn định thị trường.
Chiều 14/11, phát biểu tiếp thu, giải trình dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) trước Quốc hội, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết trong 1/3 số ý kiến của đại biểu Quốc hội tại hội trường ngày hôm nay liên quan về vấn đề tài chính và giá định giá đất.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà nêu rõ, tài chính đất đai cùng với quy hoạch là công cụ mà nhà nước thực hiện quyền quản lý nhà nước và quyền đại diện cho chủ sở hữu toàn dân về đất đai. Trong đó, việc phân bổ lại nguồn lực đất đai, phát huy giá trị đất đai và đưa nguồn lực này để vào phát triển cho kinh tế - xã hội và giải quyết hài hòa các mối quan hệ.
Ông Hà cho biết, trên cơ sở thu thập đầy đủ cơ sở dữ liệu về giá đất, dùng phương pháp toán học, phương pháp thống kê tính toán, cùng với phương pháp để xác định vùng đất chuẩn, thửa đất chuẩn, số lượng thửa đất… thì có thể xác định được giá đất. Điều này sẽ giải quyết được những bất cập hiện nay.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. Ảnh Quốc hội.
Đồng thời, từ giá đất này ta sẽ thực hiện rất nhiều công việc để đảm bảo trách nhiệm đóng góp về mặt tài chính của người sử dụng đất, cũng như tính được giá đất cụ thể. Cùng với đó, công khai được giá đất cụ thể và người dân có quyền tiếp cận.
"Nếu xác định được vấn đề định giá đất sẽ thực hiện được rất nhiều công việc cụ thể để ổn định thị trường, xác định trách nhiệm đóng góp về mặt tài chính của người sử dụng đất. Các thông tin đều được số hóa đất đai, thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu về bản đồ địa chính. Việc định giá đất sát với giá thị trường sẽ tránh tình trạng lãng phí, đầu cơ và thổi giá", ông Trần Hồng Hà cho hay.
Về thu hồi đất và bồi thường, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, dự thảo đã quy định rõ tiêu chí giao đất không phải đấu thầu, đấu giá. Về vấn đề đất đai cần phải đấu thầu, đấu giá có 2 hình thức: thứ nhất là đấu thầu và đấu giá, tức do nhà nước đứng ra thu hồi; thứ hai là thu hồi bằng thỏa thuận.
Vậy trường hợp nào thu hồi bằng đấu thầu, đấu giá? Mang lại lợi ích gì? Theo Bộ trưởng, điều này sẽ đảm bảo mặt bằng, chính sách đền bù, điều tiết địa tô…Bộ trưởng TN&MT cho rằng, điều quan trọng nhất là làm sao đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân, nhà nước và doanh nghiệp.
Còn về thỏa thuận thu hồi, theo ông Hà, hiện phương pháp này không hạn chế, như thỏa thuận đất lúa thông qua hợp tác xã, rồi đất phi nông nghiệp ở đâu đó vẫn có thỏa thuận, nhưng nhà nước sẽ can thiệp để đảm bảo chính sách về giá, đảm bảo lợi ích cho người dân, đảm bảo công bằng, minh bạch.
“Chúng ta sẽ tiếp tục cụ thể hóa Nghị quyết 18, nhưng việc khó khăn nhất là làm sao xác định được điều kiện, tiêu chí. Hiện đang áp dụng cả hai, sắp tới sẽ nghiên cứu và rất mong các chuyên gia, đại biểu Quốc hội tiếp tục lượng hóa, đưa ra được tiêu chí”, ông Hà cho hay.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, quan trọng nhất ở đây là làm sao thực hiện được hài hòa lợi ích của người dân và lợi ích của Nhà nước và lợi ích doanh nghiệp. Tuy nhiên, khó khăn nhất là làm sao xác định được điều kiện, tiêu chí, Bộ trưởng cho biết sắp tới sẽ nghiên cứu và mong các đại biểu Quốc hội, chuyên gia, khoa học tiếp tục tham gia góp ý lượng hóa, cụ thể.
Về vấn đề quy hoạch, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định quy hoạch đất đai sẽ gắn với quy hoạch giao thông. Tập trung quản lý đất đai theo không gian, quản lý về chỉ tiêu phân bổ đất đai để làm sao sử dụng một cách hiệu quả, khai thác bền vững.
“Quy hoạch đất đai là cái khung để quản lý những đối tượng cần bảo vệ, bảo tồn như đất di sản thiên nhiên văn hóa lịch sử, hạ tầng giao thông cứng,…”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho hay.
Xác định giá đất cần tính đến nhu cầu mua nhà của người có thu nhập thấp
Trong khi đó, góp ý về dự thảo Luật, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (đoàn Ninh Bình) khẳng định việc quy định giá đất sát với thực tiễn là cần thiết. Tuy nhiên, việc xác định giá đất cần tính đến nhu cầu mua nhà của người có thu nhập thấp.
Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh đề nghị dự án Luật cần có quy định cụ thể về giảm tỷ suất thuế, có cơ chế để tiếp tục phát triển chính sách xã hội đối với người có thu nhập thấp và người yếu thế.
Trong khi đó, đại biểu Trần Đình Văn (đoàn Lâm Đồng) nhấn mạnh cần có sự thẩm tra, giám sát kỹ lưỡng về xác định giá đất.
Theo ông Văn, trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi) cần có quy định rõ về giá đất trên thị trường giữa người mua và người bán về vị trí đất; phương pháp định giá đất theo giá thị trường; đưa ra các chế tài ràng buộc trách nhiệm giữa các bên. Ngoài ra, Luật Đất đai (sửa đổi) cần thống nhất với Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Giá..
Theo đại biểu đoàn Lâm Đông, về cơ chế xác định giá, dự thảo Luật đã thể chế hóa chủ trương của Đảng về bỏ khung giá đất, có cơ chế, phương pháp xác định giá đất, trách nhiệm của cơ quan xác định giá đất, thiết lập hành lang pháp lý đồng bộ, chuyển trọng tâm từ phương thức quản lý nặng về hành chính sang sử dụng các công cụ kinh tế được quản lý, điều tiết các quan hệ đất đai.
Đây là chủ trương lớn, có tính đột phá, nhiều điều quan trọng và phải xác lập về mặt pháp lý, cơ chế, phương pháp xác định giá theo nguyên tắc thị trường trong dự thảo luật. Trong dự án luật đã có những quy định về vấn đề này song còn khá đơn giản, sơ lược chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra.