Bộ trưởng Trần Hồng Minh: Phát huy vai trò, lợi thế để cảng biển Việt Nam thực sự hấp dẫn

Đánh giá cao những kết quả đạt được trong lĩnh vực hàng hải năm 2024, Bộ trưởng Trần Hồng Minh lưu ý thời gian tới cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách; kiện toàn tổ chức; phát huy vai trò, lợi thế của hệ thống cảng biển, để hàng hải tiếp tục có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của ngành GTVT và KT-XH của đất nước.

Hoàn thiện thể chế, kiện toàn tổ chức bộ máy

Đây là những vấn đề đầu tiên được Bộ trưởng Trần Hồng Minh lưu ý khi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai kế hoạch năm 2025 của Cục Hàng hải VN, diễn ra chiều nay (25/12).

Bộ trưởng GTVT Trần Hồng Minh phát biểu tại hội nghị

Bộ trưởng GTVT Trần Hồng Minh phát biểu tại hội nghị

Tại hội nghị này, Bộ trưởng ghi nhận và biểu dương những kết quả mà ngành hàng hải đã đạt được trong năm qua, với nhiều kết quả nổi bật trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Đồng thời, có nhiều sáng tạo, tập trung công việc có trọng tâm, trọng điểm.

"Công tác xây dựng văn bản pháp luật đảm bảo chất lượng, tiến độ; chất lượng dịch vụ hàng hải ngày càng được nâng cao; công tác xây dựng đề án đạt hiệu quả; trong bối cảnh tình hình thế giới nhiều biến động song khối lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam tăng; Đội tàu mang cờ quốc tịch Việt Nam đảm nhận được gần 100% lượng hàng vận tải nội địa bằng đường biển; công tác cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, thu và nộp ngân sách, giải ngân, bảo đảm an toàn an ninh, an toàn… cũng là những điểm sáng đáng ghi nhận của ngành hàng hải" , Bộ trưởng dẫn chứng.

Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai kế hoạch năm 2025 của Cục Hàng hải VN

Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai kế hoạch năm 2025 của Cục Hàng hải VN

Trên cơ sở báo cáo và các tham luận tại hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Minh cho rằng, thời gian tới, nhiệm vụ và thách thức đặt ra đối với ngành GTVT nói chung và lĩnh vực hàng hải nói riêng vẫn rất nặng nề; khối lượng công việc lớn song hành với yêu cầu về chất lượng các dự án, công trình. Do đó, Cục Hàng hải Việt Nam cần lưu ý một số vấn đề.

Đầu tiên là việc hoàn thiện thể chế, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực hàng hải. "Quá trình tổ chức, sắp xếp lại các đơn vị, hệ thống văn bản còn thiếu, cần sửa đổi, bổ sung thì cần giải quyết rốt ráo để không làm cản trở các hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển KT-XH. Cơ chế, chính sách trước khi ban hành cần đánh giá tác động để hạn chế việc chỉnh sửa, gây lãng phí nguồn lực", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Tiếp đó là vấn đề kiện toàn tổ chức, sắp xếp bộ máy theo hướng xem xét tổng thể các yếu tố để làm sao phát huy tốt nhất năng lực của cán bộ, tận dụng nhân tài.

Vấn đề thứ ba được Bộ trưởng Trần Hồng Minh lưu ý là làm thế nào để phát huy vai trò, lợi thế của hệ thống cảng biển Việt Nam. Theo Bộ trưởng, sắp tới triển khai quy hoạch sẽ mở ra nhiều mô hình quản lý, đầu tư cảng biển nên vai trò quản lý Nhà nước của Cục Hàng hải VN càng quan trọng. Trên cơ sở quy hoạch được lập, cần xác định các nhiệm vụ từ nay đến giai đoạn 2030 và những năm tiếp theo, đi liền với việc thu hút các nguồn lực để cảng biển Việt Nam thực sự hấp dẫn.

"Cảng được đầu tư, phát triển, hàng hóa lưu thông sẽ kéo theo các dịch vụ khác và khi đó không chỉ doanh nghiệp cảng, địa phương được hưởng lợi mà Nhà nước cũng thu được các khoản thuế, phí phục vụ cho các nhu cầu phát triển KT-XH của đất nước", Bộ trưởng nói và yêu cầu công tác đầu tư,bảo trì kết cấu hạ tầng cảng biển, nạo vét duy tu luồng hàng hải phải được rà soát, xem xét thường xuyên, giải quyết rốt ráo.

Đồng thời, Bộ trưởng cũng lưu ý vấn đề đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải. Ngoài việc phối hợp hiệu quả với các lực lượng khác, cần xem xét đầu tư, nâng cấp phương tiện để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn trong tình hình mới.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Trần Hồng Minh cũng lưu ý ngành hàng hải tiếp tục chú trọng chuyển đổi số tích cực và mạnh mẽ hơn, áp dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, cập nhật và đổi mới công nghệ phục vụ hoạt động ngành hàng hải, chẳng hạn như công nghệ bốc xếp, giải phóng hàng, vừa nhanh chóng, vừa phòng ngừa tiêu cực.

Cuối cùng, Bộ trưởng đề nghị phát huy những kết quả đạt được trong hợp tác quốc tế, tiếp tục rà soát trình cấp thẩm quyền phê chuẩn, ký kết các hiệp định vận tải song phương, đa phương, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, thúc đẩy học hỏi các quốc gia có kinh nghiệm xây dựng cảng xanh, cảng thông minh… đáp ứng các cam kết của Việt Nam trong việc bảo vệ môi trường.

Cục trưởng Cục Hàng hải VN Lê Đỗ Mười

Cục trưởng Cục Hàng hải VN Lê Đỗ Mười

Tại hội nghị, tiếp thu những chỉ đạo của Bộ trưởng, Cục trưởng Cục Hàng hải VN Lê Đỗ Mười cho biết, với tinh thần đồng hành, chia sẻ, thời gian qua Cục luôn bám sát và giải quyết triệt để các vấn đề đặt ra trong phạm vi, quyền hạn của mình. "Trung bình mỗi năm, Cục tổ chức 2 lần đối thoại, gặp gỡ với các doanh nghiệp. Những nội dung thuộc thẩm quyền sẽ được các đơn vị của Cục giải quyết và trả lời trong 2 ngày. Những gì vượt thẩm quyền sẽ báo cáo, xin ý kiến cấp trên để có hướng giải quyết", ông Lê Đỗ Mười chia sẻ.

Cục trưởng Cục Hàng hải VN cũng dẫn chứng một vấn đề "nóng" hiện nay khi triển khai các dự án nạo vét luồng hàng hải, đó là câu chuyện đổ thải. "Muốn có tàu lớn vào cảng, luồng phải đảm bảo độ sâu cần thiết nhưng khi luồng bị bồi lắng mà không được nạo vét kịp thời thì không chỉ doanh nghiệp cảng mà cả địa phương cũng thiệt hại. Trong khi đó, một số địa phương không bố trí được nơi đổ thải, các thủ tục kéo dài nên đã có trường hợp phải trả lại kinh phí dự án nạo vét. Vì không tiêu được tiền, năm sau, số kinh phí được duyệt lại thấp đi, kết quả cả cảng và địa phương đều bị ảnh hưởng", ông Mười dẫn chứng và đề nghị lãnh đạo Bộ GTVT, các doanh nghiệp cùng có tiếng nói để các địa phương giải quyết nhanh gọn vấn đề đổ thải chất nạo vét.

Hàng hải nhiều "điểm sáng"

Trước đó, báo cáo tại hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải VN Nguyễn Đình Việt cho biết, trong năm 2024, mặc dù khối lượng công việc được giao đặc biệt lớn, nhất là công tác xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách, công tác lập các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành hàng hải, triển khai các dự án đầu tư công và triển khai kế hoạch bảo trì kết cấu hạ tầng hàng hải... song Đảng ủy và tập thể lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam đã quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo một cách toàn diện, quán triệt tới toàn bộ các cơ quan, đơn vị, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động phát huy tinh thần làm việc với quyết tâm cao nhất, chủ động triển khai tốt các nhiệm vụ được giao.

Một số hình ảnh tại hội nghị

Một số hình ảnh tại hội nghị

Theo đó, trong công tác xây dựng, tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, đến nay Cục Hàng hải VN đã trình Bộ GTVT 3 dự thảo đề cương, 8 dự thảo văn bản và 1 văn bản hợp nhất đúng thời hạn, đảm bảo chất lượng và 100% tiến độ được giao.

Để bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế hàng hải, sau khi Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt điều chỉnh, Cục Hàng hải VN đã báo cáo Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ Đề án lập Quy hoạch chi tiết các Nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước. Đồng thời, Cục đang xin ý kiến các UBND tỉnh, thành phố và các cơ quan liên quan về nội dung dự thảo Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050 của 32 cảng biển. Trên cơ sở ý kiến góp ý của các địa phương và kết quả nghiên cứu Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được duyệt, Cục đã chỉ đạo Tư vấn lập quy hoạch tiếp thu, giải trình các nội dung góp ý và hoàn thiện nội dung dự thảo quy hoạch trình Bộ GTVT.

Ngoài ra, Cục Hàng hải VN được giao phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng 2 Đề án hàng hải khác: Đề án Quản lý du thuyền; Đề án Nâng cao năng lực các doanh nghiệp đóng tàu trong nước. Hiện nay, các đề án đang được triển khai theo tiến độ.

Bên cạnh đó, năm 2024, Cục Hàng hải VN đã tập trung triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hàng hải như: ban hành các văn bản chỉ đạo Cảng vụ hàng hải, các doanh nghiệp cảng biển đẩy mạnh tốc độ giải phóng hàng hóa tại cảng, giảm thiểu các thủ tục hành chính tạo mọi điều kiện thuận lợi cho tàu, thuyền hàng hóa thông qua cảng biển; chỉ đạo các Cảng vụ hàng hải, các Chi cục Hàng hải tăng cường kiểm tra giám sát việc kê khai, niêm yết giá dịch vụ tại cảng biển, giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển; tổ chức các cuộc họp, hội nghị đối thoại doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hàng hải, đường thủy nội địa.

Ngoài ra, trong năm 2024, để triển khai thực hiện Luật Giá năm 2023 và văn bản hướng dẫn thi hành, Cục Hàng hải VN đã trình Bộ GTVT ban hành Thông tư số 12/2024, Thông tư số 31/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 12/2024 quy định cơ chế, chính sách quản lý giá dịch vụ tại cảng biển Việt Nam; trình Bộ GTVT ban hành 4 Quyết định giá tối đa và khung giá dịch vụ container, cầu, bến phao neo, lai dắt tại Việt Nam tạo hành lang pháp lý và điều kiện thuận lợi để hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và góp phần ổn định thị trường vận tải, ổn định kinh tế vĩ mô.

Trong năm 2024, khối lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam năm 2024 ước đạt 864,4 triệu tấn, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2023, hàng container thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam ước đạt 29,9 triệu Teus, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2023. Số lượt tàu biển thông qua cảng biển năm 2024 ước đạt 102,67 nghìn lượt, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2023. Số lượt phương tiện thủy nội địa thông qua cảng biển năm 2024 ước đạt 380,1 nghìn lượt, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2023.

Khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam do đội tàu biển Việt Nam vận chuyển năm 2024 ước đạt 140,9 triệu tấn tăng 3% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó hàng container đạt 3,04 triệu Teus tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023.

Về thị phần vận tải: Đội tàu mang cờ quốc tịch Việt Nam đã đảm nhận được gần 100% lượng hàng vận tải nội địa bằng đường biển, trừ một số tàu chuyên dụng như LPG, xi măng rời. Về thị phần vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK), thị phần đội tàu biển Việt Nam đảm nhận từ năm 2019 đến 2024 dao động từ khoảng 5% đến 8,25%, trung bình đạt 6,4%/năm. Các hãng tàu nước ngoài đảm nhận hơn 90% thị phần hàng hóa xuất nhập khẩu.

Đối với công tác đầu tư xây dựng, quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng hàng hải, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn năm 2021 -2025: Cục Hàng hải VN được giao thực hiện 5 dự án, với tổng mức đầu tư khoảng 1.318 tỷ đồng. Năm 2024, Cục Hàng hải VN được giao kế hoạch 303,659 tỷ đồng. Ngay từ đầu năm, Cục đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công, kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc. Các dự án đầu tư xây dựng đang được triển khai đáp ứng tiến độ đề ra; trong tháng 12/2024, Cục Hàng hải VN tập trung giải ngân vốn đầu tư công các dự án, phấn đấu đạt trên 95% kế hoạch được giao.

Công tác bảo trì kết cấu hạ tầng hàng hải: năm 2024, Bộ GTVT giao kế hoạch thực hiện nạo vét duy tu tại 26 tuyến luồng với tổng kinh phí khoảng 1.296 tỷ đồng; sửa chữa, bảo trì 4 công trình hàng hải với tổng kinh phí khoảng 81 tỷ đồng. Đến nay, Cục Hàng hải VN đã chỉ đạo, đôn đốc các Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải đẩy nhanh các thủ tục bảo đảm công tác nạo vét duy tu luồng hàng hải, sửa chữa bảo trì công trình hoàn thành theo đúng kế hoạch được giao. Tuy nhiên, công trình uồng hàng hải Soài Rạp do không tìm được vị trí đổ chất nạo vét nên phải dừng triển khai, các công trình: luồng Đà Nẵng vướng mắc về thủ tục môi trường, sửa chữa đê kè chắn cát trên luồng hàng hải Cửa Việt (đê Nam) do ảnh hưởng điều kiện thời tiết, sửa chữa bảo trì hệ thống phao neo trên luồng Định An - Sông Hậu phải thực hiện một số thủ tục theo quy định của đăng kiểm và khảo sát hiện trạng phao nên phải điều chỉnh thời gian hoàn thành sang năm 2025.

Kết quả giải ngân nguồn vốn hoạt động kinh tế hàng hải năm 2024 ước đạt là 2.875,1 tỷ đồng, đạt 96% dự toán giao, tăng 11,8% so với năm 2023.

Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn năm 2026 - 2030: Cục HHVN đã thực hiện rà soát, báo cáo Bộ GTVT danh mục các dự án đầu tư trọng tâm, trọng điểm, một số dự án cấp bách giải quyết các điểm nghẽn nhằm nâng cao năng lực khai thác, bảo đảm an toàn cho hệ thống kết cấu hạ tầng hàng hải với 30 dự án, tổng nhu cầu vốn dự kiến 35.268 tỷ đồng.

Minh Thành

Nguồn GTVT: https://tapchigiaothong.vn/bo-truong-tran-hong-minh-phat-huy-vai-tro-loi-the-de-cang-bien-viet-nam-thuc-su-hap-dan-183241225201955689.htm