Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu các giải pháp đấu tranh với hàng gian, hàng giả
Trả lời phiên chất vấn trong Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV chiều 9/11, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã đưa ra các giải pháp đấu tranh với hàng gian, hàng giả, hàng lậu, hàng gian lận thương mại trong bối cảnh nước ta đang có sự hội nhập quốc tế sâu rộng.
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn trong Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV chiều 9/11, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã trả lời ý kiến chất vấn của Đại biểu quốc hội tỉnh Vĩnh Long liên quan đến các giải pháp đấu tranh với hàng gian, hàng giả, hàng lậu, hàng gian lận thương mại trong bối cảnh nước ta đang có sự hội nhập quốc tế sâu rộng.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long Phạm Tất Thắng đặt câu hỏi: “Trong Báo cáo số 467 Bộ trưởng kính gửi Quốc hội thì kết quả công tác phòng, chống hàng gian, hàng giả, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vẫn còn hạn chế mà chủ yếu là nguyên nhân khách quan. Đây là vấn đề mà cử tri rất băn khoăn, lo lắng và phản ánh nhiều. Xin Bộ trưởng cho biết, giải pháp hữu hiệu nào và đến bao giờ có thể thực hiện được hiệu quả phòng, chống hàng gian, hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng, nhất là trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển như hiện nay?”.
Cảm ơn câu hỏi của Đại biểu Phạm Tất Thắng, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, đó là câu hỏi đi cùng với chúng ta trong suốt các kỳ họp của Quốc hội.
Bộ trưởng cho biết, tròn 2 năm lực lượng Quản lý thị trường được bố trí, sắp xếp lại theo hệ thống ngành dọc xuyên suốt. Mặc dù đã có tiến bộ và nỗ lực để ngăn chặn đấu tranh chống hàng lậu, hàng giả cũng như hàng kém chất lượng trên địa bàn cả nước và trên cả môi trường thương mại điện tử, nhưng trên thực tế vẫn còn có những hình thức gian lận biến tướng rất phức tạp của buôn lậu, hàng giả, hàng gian lận thương mại.
“Chúng ta đã biết đi cùng với kinh tế thị trường, nhất là trong bối cảnh đang mở cửa sâu rộng với thế giới thì lợi nhuận từ buôn lậu rất cao đã khuyến khích, tạo cơ hội cho những đối tượng, tổ chức tham gia rất sâu vào vấn đề này. Chính vì vậy, đấu tranh chống buôn lậu, chống hàng giả hàng kém phẩm chất trong bối cảnh chúng ta đang hội nhập sâu rộng là nhiệm vụ của hệ thống và đòi hỏi đồng bộ của cả chính quyền Trung ương tới địa phương”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Đối với hàng lậu, hàng giả trên môi trường trực tiếp, trong năm 2019-2020, chúng ta đã có nhiều nỗ lực và tiến bộ, đặc biệt là các lực lượng quản lý thị trường phối hợp với lực lượng 389 của các địa phương và Trung ương tập trung đánh mạnh vào hệ thống buôn lậu và được tổ chức tinh vi ở nhiều địa phương.
Mới đây nhất, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện, triệt phá kho hàng lậu rất lớn ở Lào Cai với quy mô hơn 10.000m2 và hơn 200.000 chủng loại hàng hóa.
Hay đánh vào các trung tâm sản xuất hàng lậu hàng giả tại Ninh Hiệp, Hải Dương, các Trung tâm thương mại chuyên buôn hàng lậu, hàng giả ở Hà Nôi, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh.
“Về thực tế, cả số lượng, quy mô cũng như tổ chức đánh hàng lậu hàng giả đã được nâng cấp và nâng cao hiệu quả lên một bước. Đặc biệt có sự phối hợp dưới sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo 389 thì lực lượng Quản lý thị trường cùng lực lượng 389 đã triển khai tốt và hoạt động tích cực trên các địa bàn ngay từ vùng biên giới”, Bộ trưởng báo cáo trước Quốc hội.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng cho rằng, với nền kinh tế lớn, hội nhập sâu rộng, cần tăng cường hơn nữa vai trò của lực lượng chức năng 389 ngay từ biên giới để đảm bảo không có hàng giả tràn vào trong nước.
Trong đất liền, trên lãnh thổ, lực lượng quản lý thị trường phải tập trung quyết liệt vào để đảm bảo đấu tranh với các trung tâm buôn lậu.
Môi trường thương mại điện tử là lĩnh vực phức tạp. Thương mại điện tử đang có tăng trưởng nhanh chóng do tính chất dễ dàng cũng như tạo điều kiện cho tất cả các đối tượng đều có thể tham gia, nhất là trong môi trường xuyên biên giới.
Nhưng hệ thống quản lý và cơ sở pháp lý của chúng ta hiện nay còn thiếu và chưa có sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng. Trước hết là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính đều đang thiếu khung khổ pháp lý để quản lý hoạt động thương mại điện tử không chỉ trên các trang thương mại điện tử, website mà ngay cả những hoạt động bán hàng trên mạng xã hội cũng như trên Youtube.
Chính vì vậy, việc lừa đảo và gian lận thương mại phát triển nhanh trên môi trường mạng đang phát triển nhanh, Bộ trưởng Bộ Công Thương lưu ý.
Do vậy, trước Quốc hội, người đứng đầu ngành Công Thương đã đưa ra các giải pháp đấu tranh với hàng gian, hàng giả, hàng lậu, hàng gian lận thương mại trong bối cảnh nước ta đang có sự hội nhập quốc tế sâu rộng.
Thứ nhất, Bộ Công Thương đang xây dựng lại Nghị định 52, trong đó xác định các cơ chế liên quan từ đấu tranh, ngăn chặn, đảm bảo thu thuế cũng như đấu tranh với gian lận thương mại điện tử gắn với các hoạt động quảng cáo, giới thiệu hàng hóa trên môi trường mạng. Các Bộ ngành sẽ phối hợp triển khai trong thời gian tới.
Thứ hai, các chế tài đã ban hành đủ mạnh như Nghị định 98 và một số nghị định khác là công cụ đảm bảo tính răn đe, đảm bảo thực hiện tốt hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại trên môi trường điện tử.
Thứ ba, công việc không thể thiếu là tuyên truyền pháp luật vì tập quán thói quen của người tiêu dùng đối với hàng giả và hàng kém phẩm chất đã có định hình trong thời gian dài và chính vì vậy đây là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị.
“Chúng tôi hi vọng sẽ có sự đồng bộ trong các giải pháp chung của các lực lượng trong đó có lực lượng quản lý thị trường, Bộ Công Thương để làm tốt nhiệm vụ trong thời gian tới”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh kỳ vọng.