Bộ trưởng VH-TT&DL: Giá vé máy bay tăng cao làm giảm tính cạnh tranh của các tour du lịch
Theo Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng, qua làm việc với các bộ ngành thấy rằng, trong cơ cấu giá tour du lịch, giá vé máy bay chiếm 30-40% và Bộ này không đứng ngoài cuộc khi giá vé máy bay tăng cao…
Đầu giờ làm việc sáng nay, 6-6, Quốc hội tiếp tục phần chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Nguyễn Văn Hùng. Trong khoảng 30 phút, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng dành phần lớn thời gian để trả lời các câu hỏi mà ĐBQH nêu từ chiều qua (5-6) về lĩnh vực phát triển du lịch.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Lý Thị Lan (đoàn Hà Giang) về tình trạng giá vé máy bay tăng cao làm giá tour du lịch trong nước tăng cao so với giá tour du lịch quốc tế, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, trách nhiệm chính trong việc quản lý giá vé máy bay thuộc về Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài chính, nhưng Bộ VH-TT&DL cũng không đứng ngoài cuộc.
Theo đó, Bộ VH-TT&DL đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan tham mưu Chính phủ; tiến hành tổ chức hội thảo, lắng nghe ý kiến các hiệp hội du lịch… Qua đó thấy rằng, trong cơ cấu giá tour, giá vé máy bay chiếm 30-40%, làm giảm tính cạnh tranh của các tour du lịch.
Bộ trưởng cho biết, qua làm việc với các bộ, ngành cho thấy, giá vé máy bay tăng vì phụ thuộc vào chi phí dịch vụ ở trạm sân bay; chi phí về giá đầu vào nhiên liệu; số máy bay phải đi bảo dưỡng, bảo hành theo định kỳ nên số lượng máy bay không nhiều…
Bộ VH-TT&DL đã đề xuất Bộ Giao thông, Bộ Tài chính kịp thời báo cáo với cấp có thẩm quyền để xem xét ban hành các chính sách hỗ trợ giảm giá phí điều hành khai thác tại các sân bay, góp phần hạ giá tour.
Đối với các hãng hàng không, đề xuất các doanh nghiệp này cố gắng đảm bảo có máy bay, thiết kế tăng cường các chuyến bay đêm để đảm bảo nhu cầu đi lại cho Nhân dân nói chung trong đó có du khách nói riêng.
“Sau đó Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo. Và từ ngày 28-5 đến nay, giá vé máy bay nhiều tuyến đã giảm nhiều” – Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói.
Tiếp tục trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL nhấn mạnh, du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn và ngành kinh tế tổng hợp. Do đó có nhiều giải pháp phát triển lĩnh vực này. Mỗi một địa phương, một vùng quê có thể có một sản phẩm du lịch đặc sắc riêng. Do đó, cần liên kết các sản phẩm du lịch thông qua kết nối tour, tuyến và xây dựng các sản phẩm du lịch mới để đáp ứng được du khách.
Về câu hỏi của đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) liên quan tình hình các dự án lớn về xây dựng các tổ hợp vui chơi tổng hợp riêng biệt, quy mô lớn đẳng cấp khu vực và thế giới tại Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, chúng ta luôn muốn thu hút về đầu tư cho du lịch. Thực tế sau đại dịch, nhiều doanh nghiệp trong nước cũng tìm kiếm cơ hội đầu tư về du lịch.
Những địa bàn đang có dư địa tốt như Quảng Ninh, Phú Quốc, Đà Nẵng, Cần Thơ… đã có một số doanh nghiệp Việt Nam nghiên cứu đầu tư.
Để thu hút được đầu tư, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL cũng mong muốn các địa phương tập trung giải quyết bài toán hạ tầng du lịch, trong đó có hạ tầng về lưu trú, các điểm du lịch và doanh nghiệp lớn đầu tư và tạo ra được các sản phẩm độc đáo.
“Chúng tôi rất ủng hộ và mong muốn các địa phương phải tập trung để giải quyết bài toán hạ tầng du lịch, trong đó có hạ tầng về lưu trú, các điểm du lịch phải có những doanh nghiệp lớn vào để đầu tư và tạo ra được các sản phẩm, qua đó người dân sẽ được hưởng lợi từ việc này” – Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói.
Ông cũng dẫn chứng: “Như với các doanh nghiệp SunGroup hoặc VinGroup chẳng hạn, họ có rất nhiều sản phẩm, đúng như slogan của họ là làm đẹp những vùng đất, cho nên có những sản phẩm độc đáo. Không nói đâu xa như ở Tây Ninh chẳng hạn, điểm du lịch Bà Đen chẳng hạn, đó cũng là một sản phẩm. Tôi hy vọng như thế sẽ có cách tốt hơn”.
Đối với chất vấn đại biểu liên quan đến giải pháp tháo gỡ khó khăn du lịch đường sông, đường biển, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Việt Nam có lợi thế là bờ biển đẹp, hiện nay chúng ta có 6 cảng dịch vụ để phục vụ cho khách du lịch. Bình quân mỗi năm Việt Nam đón khoảng 300.000 lượt khách bằng đường biển, đem lại nguồn thu khá lớn cho ngành du lịch.
Thời gian tới, sẽ phát huy lợi thế của cảng biển; xây dựng gói sản phẩm để khi du khách di chuyển từ tàu lên đất liền được thăm quan, khám phá, trải nghiệm...