Bộ trưởng Y tế: Chính sách đầu tư thu hút ngành Dược chưa đủ hấp dẫn
Cho rằng chính sách ưu đãi đầu tư đối với ngành dược thời gian qua không có gì đặc biệt, chưa đủ thu hút doanh nghiệp nhóm này, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã đề xuất nội dung này trong Luật Dược sửa đổi, dự kiến thông qua tại Kỳ họp này, và mong các đại biểu Quốc hội ủng hộ.
Sửa Luật Dược để tăng thu hút đầu tư
Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan chiều 11/11, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga (đoàn Quảng Bình) đặt vấn đề, quản lý dược, mỹ phẩm thời gian qua đã có những kết quả; tuy nhiên vẫn còn những bất cập.
Lý giải về nguyên nhân của thực trạng quản lý dược mỹ phẩm trong thời gian qua, báo cáo của Bộ Y tế gửi tới đại biểu Quốc hội tại trang 15 có nêu các quy định về ưu đãi đầu tư, hỗ trợ đầu tư sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc còn bất cập.
Cụ thể là chưa có các chính sách khuyến khích thỏa đáng để các cơ sở sản xuất thuốc trong nước đầu tư nghiên cứu, phát triển sản xuất thuốc mới; chưa thu hút được đầu tư nước ngoài chuyển giao công nghệ để sản xuất các thuốc này tại Việt Nam. Công nghiệp hóa dược chưa phát triển, chương trình hóa dược đã được triển khai nhiều năm không đạt mục tiêu.
"Nhận diện như vậy tôi cho rằng đã rất rõ ràng. Tuy nhiên, tôi băn khoăn vì sao vẫn diễn ra bất cập dài lâu. Với tư cách là tư lệnh ngành, xin Bộ trưởng cho biết Chính phủ cần có các giải pháp đồng bộ, chiến lược, những hành động cụ thể, quyết liệt nào để giải quyết thực trạng này?", đại biểu Tuyết Nga chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế.
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhận định, vấn đề liên quan tới thu hút sản xuất dược, đến thời điểm này toàn quốc có 238 cơ sở sản xuất dược và 180 cơ sở nhập khẩu dược, bên cạnh đó có khoảng trên 5.000 các cơ sở bán buôn và 65.000 cơ sở bán lẻ.
Tuy nhiên, để sản xuất thuốc mới cũng như để đảm bảo thu hút đầu tư cho ngành dược thì các chính sách trong thời gian vừa qua thì chưa có gì đặc biệt cả. Vì vậy, việc ưu tiên cho ngành dược cũng là một điều mà trong thực tiễn chưa thu hút được các doanh nghiệp liên quan tới việc phát triển đầu tư cho ngành dược, một ngành gắn với hàm lượng chất xám rất cao và mang tính chất chuyên môn rất sâu.
Thực hiện theo kế hoạch của Quốc hội và Chính phủ, trong kỳ họp này Bộ Y tế đã trình lên Quốc hội và Chính phủ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, trong đó có rất nhiều chính sách liên quan tới thu hút ưu đãi đầu tư để phát triển ngành dược.
Theo Bộ trưởng, những chính sách này trong quá trình thảo luận của Luật Dược đã thu hút được sự ủng hộ rất đông đảo của các vị đại biểu Quốc hội.
Bên cạnh việc tham mưu xây dựng luật, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chiến lược phát triển ngành công nghiệp dược cũng như chương trình phát triển ngành dược liệu.
"Hai chương trình này cộng với các quy định về chính sách đầu tư ưu đãi trong thời gian tới, chúng tôi nghĩ đây là cơ hội để cho ngành dược phát triển. Hiện nay, trong quy hoạch phát triển ngành y tế cũng đã đưa ra các vùng quy hoạch để phát triển, ưu tiên thu hút đầu tư liên quan tới công nghiệp dược và chúng tôi rất mong các vị đại biểu sẽ ủng hộ cho chính sách này khi bấm nút thông qua Luật Dược", Bộ trưởng nói.
Giao quyền chủ động mua sắm thuốc cho nhà thuốc bệnh viện
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) chất vấn Bộ trưởng Y tế: Theo phản ánh của các nhà thuốc bệnh viện thì vẫn còn khó khăn trong đấu thầu thuốc và trên thực tế vẫn còn những thời điểm người dân khám bệnh xong nhưng không thể mua thuốc được tại nhà thuốc bệnh viện.
"Điều này đã ảnh hưởng đến việc điều trị. Đề nghị Bộ trưởng cho biết vướng mắc này do đâu và bao giờ sẽ giải quyết?", đại biểu Thủy hỏi.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhận định, thời gian vừa qua, Quốc hội, Chính phủ đã có rất nhiều giải pháp về chính sách để tháo gỡ vấn đề thiếu thuốc. Đặc biệt, Luật Đấu thầu năm 2023 cũng đã đưa được rất nhiều chính sách để tháo gỡ cho việc mua sắm, đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế.
Tuy nhiên, còn một nội dung duy nhất, đó là liên quan đến mua sắm thuốc của nhà thuốc bệnh viện. Cụ thể là nhà thuốc bệnh viện do bệnh viện quản lý và tổ chức mua lẻ để bán cho người dân khi có nhu cầu, không phải lấy tiền từ nguồn ngân sách, cũng không phải từ nguồn bảo hiểm y tế.
Trước đây việc mua sắm này hoàn toàn do bệnh viện quyết định, nhưng đối với Luật Đấu thầu năm 2023 thì quy định nhà thuốc bệnh viện cũng phải tổ chức đấu thầu, trong khi các nhu cầu phát sinh của người bệnh rất đa dạng.
Chính vì vậy, việc tổ chức đấu thầu của nhà thuốc bệnh viện gặp rất nhiều khó khăn và các cơ sở y tế đã phản ánh nội dung này trong quá trình Bộ Y tế xây dựng Luật Dược (sửa đổi).
Tiếp thu ý kiến của các cơ sở, hiện Luật Dược (sửa đổi) - sẽ được bấm nút thông qua vào cuối kỳ họp này - đã giải quyết được vấn đề liên quan tới nhà thuốc bệnh viện.
"Luật Dược mới sẽ giao lại quyền chủ động mua sắm của nhà thuốc bệnh viện cho các cơ sở y tế trên cơ sở đảm bảo công khai, minh bạch và chịu trách nhiệm giải trình", Bộ trưởng Đào Hồng Lan thông tin.