Bộ Tư pháp Mỹ khẳng định Ukraine xâm nhập thư điện tử của đảng Dân chủ
Người đứng đầu chiến dịch tranh cử Paul Manafort đã truyền bá luận thuyết này với các trợ lý của ông rằng Ukraine, chứ không phải Nga, đã xâm nhập hệ thống máy tính Ủy ban Quốc gia của đảng Dân chủ.
Các tài liệu được Bộ Tư pháp Mỹ công bố ngày 2/11 cho thấy một cố vấn hàng đầu của ông Donald Trump, thời còn là ứng cử viên tổng thống, ngay từ mùa Hè năm 2016 đã khẳng định rằng Ukraine, chứ không phải Nga, đứng sau vụ tấn công mạng nhằm vào thư điện tử của đảng Dân chủ.
Hàng trăm trang tài liệu được tiết lộ là một phần của đợt công bố đầu tiên gửi tới Buzzfeed và CNN, hai cơ quan truyền thông đã yêu cầu Chính phủ Mỹ cho phép tiếp cận những ghi chép trong cuộc điều tra do công tố viên đặc biệt Robert Mueller tiến hành về nghi vấn Nga can thiệp cuộc bầu cử năm 2016.
Theo Buzzfeed, các phần của những tài liệu nội bộ từ cuộc điều tra của ông Muller, kết thúc vào tháng 3/2019, sẽ được công bố hằng tháng trong tám năm tới.
Bản tóm tắt được biên tập chặt chẽ về một cuộc thẩm vấn của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cho thấy ông Rick Gates, Phó Giám đốc phụ trách chiến dịch tranh cử của ông Trump, nói rằng người đứng đầu chiến dịch tranh cử Paul Manafort đã truyền bá luận thuyết này với các trợ lý của ông rằng Ukraine, chứ không phải Nga, đã xâm nhập hệ thống máy tính Ủy ban Quốc gia của đảng Dân chủ (DNC).
Tháng 7/2016, trang mạng WikiLeaks đã bắt đầu công bố hàng nghìn thư điện tử của DNC, khiến bà Hillary Clinton - đối thủ tranh cử của ông Trump, gặp nhiều rắc rối. Giới tình báo Mỹ sau đó cho rằng những email này đã bị các điệp viên của Nga thâm nhập và chuyển giao cho WikiLeaks.
Các tài liệu được công bố hôm 2/11 cũng cho biết về việc ông Trump, những cố vấn hàng đầu và các thành viên trong gia đình ông đã liên tục thảo luận về cách thức thu thập các thư điện tử bị thâm nhập của đảng Dân chủ mà WikiLeaks có được.
Ông Trump và đội ngũ của mình cho rằng Kiev đã xâm nhập các máy chủ của DNC và dựng lên bằng chứng để đổ lỗi cho Nga, như một cách để hủy hoại tính hợp pháp của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Ông đã gây sức ép buộc Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky để điều tra giả thuyết này, cũng như điều tra cựu Phó Tổng thống Joe Biden, đối thủ chính trị tiềm năng của ông trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020 trong cuộc điện đàm vào tháng Bảy.
Cuộc điện đàm gây tranh cãi trên được thực hiện sau khi ông Trump quyết định "đóng băng" gần 400 triệu USD tiền viện trợ cho Ukraine. Phe Dân chủ cáo buộc ông Trump sử dụng tiền đóng thuế làm đòn bẩy nhằm đạt mục đích chính trị cá nhân, và lợi dụng sự can thiệp từ bên ngoài vào cuộc bầu cử Mỹ. Sau khi nội dung điện đàm bị tiết lộ, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã xúc tiến một tiến trình luận tội Tổng thống./.