Bộ Tư pháp tổ chức tọa đàm phát huy vai trò của sinh viên Trường Luật tại Quảng Bình
Ngày 16/8, tại TP. Đồng Hới, Cục Phổ biến, Giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) phối hợp với Trường Cao đẳng Luật miền Trung tổ chức 'Tọa đàm khảo sát về thực trạng và giải pháp, phát huy vai trò sinh viên Trường Cao đẳng Luật miền Trung tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL)' cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).
Tham dự buổi Tọa đàm có ông Phan Hồng Nguyên, Phó Cục trưởng Cục PBGDPL, Bộ Tư pháp; ông Võ Khắc Hoan, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Luật miền Trung; đại diện các sở ban, ngành trong tỉnh; Sở Tư pháp các tỉnh Bắc miền Trung và giảng viên, cựu học sinh, sinh viên của Trường.
Theo báo cáo của Trường Cao đẳng Luật miền Trung: Với nhiệm vụ chính là đào tạo nguồn nhân lực pháp luật có trình độ trung cấp, cao đẳng nhằm nâng cao trình độ dân trí pháp lý cho người dân, đặc biệt là người dân tại những địa bàn có đông đảo vùng đồng bào DTTS, vùng sâu vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn.
Theo đó, HSSV của Trường chiếm hơn 97% là con em người đồng bào DTTS, chủ yếu đến từ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị và một số tỉnh Tây Nguyên. Trong đó, nhiều nhất là Quảng Bình, Quảng Trị, Nghệ An chiếm hơn 70% số lượng tuyển sinh, đào tạo.
Đặc biệt, trong chương trình đào tạo của Trường, các em HSSV sẽ được học môn học nghiệp vụ PBGDPL gồm 03 tín chỉ (60 tiết). Với môn học này, HSSV sẽ được trang bị các kiến thức cơ bản về khái niệm, vai trò, nguyên tắc, đối tượng, nội dung, hình thức PBGDPL; quy trình xây dựng kế hoạch PBGDPL và một số nghiệp vụ thực hiện một số hình thức PBGDPL; kỹ năng xây dựng kế hoạch PBGDPL nhằm tham gia các hoạt động về PBGDPL.
Theo ông Võ Khắc Hoan, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Luật miền Trung cho biết: Qua thực tiễn làm công tác tuyển sinh, đào tạo thì khả năng tiếp nhận thông tin của người dân tộc thiểu số không có khác biệt nhiều so với nhóm dân tộc đa số (người Kinh). Theo đó các em sinh viên người DTTS biết nói tiếng DTTS là một lợi thế trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu đã thảo luận về các giải pháp, cũng như cơ chế để thu hút và phát huy vai trò của sinh viên Trường Luật, nhất là tại vùng DTTS và miền núi nhằm đảm bảo cơ cấu, số lượng sinh viên là người dân tộc thiểu số của nhà trường.
Trình bày tham luận tại buổi Tọa đàm, bà Hoàng Thị Lệ Hải, Trưởng phòng PBGDPL Sở Tư pháp Quảng Bình cho biết; Để đảm bảo công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt hiệu quả, Sở đã chú trọng tham mưu cho Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện huy động nguồn nhân lực tham gia công tác này, đặc biệt là các sinh viên đã tốt nghiệp các cơ sở đào tạo tại Trường Luật.
Với đối tượng người dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi có trình độ dân trí thấp, phần lớn không hiểu biết pháp luật, sống theo tập tục truyền thống, nên việc tuyên truyền pháp luật cho người dân cần đi sâu đi sát theo kiểu bắt tay chỉ việc. Để làm được điều này cần phát huy vai trò của lực lượng cán bộ chính quyền cơ sở tại địa phương, đặc biệt là đội ngũ công chức Tư pháp - hộ tịch, đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật cấp xã, hòa giải viên ở cơ sở và lực lượng bộ đội biên phòng cắm bản.
Theo ông Nguyễn Việt Hà, chuyên viên Cục PBGDPL (Bộ Tư pháp) cho hay, để phát huy vai trò của sinh viên Trường Luật tại vùng DTTS và miền núi một cách hiệu quả phải có những giải pháp triển khai phù hợp với điều kiện, phong tục tập quán của từng vùng. Vì vậy, cần có cơ chế, chính sách và giải pháp để thu hút đội ngũ sinh viên này....
Ông Hồ Phin, Chủ tịch UBND xã Trọng Hóa cho hay: Nhà nước cần có các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các sinh viên mới ra trường để thu hút nguồn lực này trở về quê hương thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân…
Tại buổi Tọa đàm, các cựu học sinh, sinh viên của Trường cũng mong muốn được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước để khi ra trường có thể trở về phục vụ quê hương như làm cán bộ tư pháp và trực tiếp PBGDPL cho vùng đồng bào dân tộc nơi họ sinh sống.
Kết luận buổi Tọa đàm, ông Phan Hồng Nguyên, Phó Cục trưởng Cục PBGDPL, Bộ Tư pháp cho biết: Về thực trạng, giải pháp sử dụng sinh viên Trường Luật thực tế vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế. Vì vậy đội ngũ sinh viên đang học tập tại trường và sau khi tốt nghiệp chính là nguồn nhân lực quan trọng thực hiện hiệu quả chương trình PBGDPL cho chính đồng bào trên quê hương mình.
Trên cơ sở kết quả Tọa đàm, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật sẽ nghiên cứu, tham mưu hoàn thiện dự thảo Đề án "Nâng cao năng lực cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2024-2030" để tạo cơ sở pháp lý và cơ chế, chính sách thu hút đội ngũ nhân lực này tham gia công tác PBGDPL, góp phần để công tác PBGDPL cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi hiệu quả, thực chất trong thời gian tới./.