'Bộ tứ trụ cột' sẽ thúc đẩy phát triển cho các công ty Việt

Các công ty Việt cần chủ động và linh hoạt chiến lược kinh doanh trong bối cảnh thương mại toàn cầu còn nhiều thách thức.

Sáng nay (21-5), Báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp Viện Nghiên cứu và Phát triển TP.HCM và Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) tổ chức Diễn đàn CEO với chủ đề: “Giải pháp mở rộng thị phần cho doanh nghiệp trong bối cảnh chiến tranh thương mại”.

Tại diễn đàn, tiến sĩ Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách của Thủ tướng cho biết, Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong việc hình thành các doanh nghiệp và tập đoàn lớn ở một số ngành kinh tế trọng yếu, thậm chí vươn tầm quốc tế. Tuy nhiên, quy mô doanh nghiệp trong nước vẫn còn nhỏ, khả năng cạnh tranh của công ty Việt Nam trên thị trường quốc tế còn yếu.

Ngoài ra, các doanh nghiệp tư nhân còn đối mặt với nhiều khó khăn trong tiếp cận các nguồn lực thiết yếu như việc tiếp cận vốn tín dụng vẫn còn hạn chế.

 Ảnh: PHƯƠNG MINH

Ảnh: PHƯƠNG MINH

Thủ tục hành chính liên quan đến đất đai còn phức tạp, rườm rà, khiến nhiều doanh nghiệp phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh. Công ty Việt còn thiếu đầu tư và khó khăn trong việc đổi mới, áp dụng công nghệ mới.

"Tuy nhiên, hiện nay với bộ tứ trụ cột là 4 Nghị quyết quan trọng gồm Nghị quyết 57/2024, Nghị quyết 59/2025, Nghị quyết số 66/2025 và Nghị quyết số 68/2025 của Bộ Chính trị đã định hình con đường phát triển toàn diện của Việt Nam trong kỷ nguyên mới.

Đây không chỉ là những văn bản chỉ đạo mà còn là kim chỉ nam chiến lược, thể hiện tầm nhìn sâu rộng và quyết tâm mạnh mẽ của Đảng trong việc kiến tạo một nền kinh tế năng động, hội nhập và bền vững", tiến sĩ Cấn Văn Lực nói.

Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM, ngay khi chính sách thương mại của Hoa Kỳ có sự thay đổi, Sở đã chủ động gặp gỡ doanh nghiệp để lắng nghe và xác định thị trường xuất khẩu.

Dù kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ chỉ chiếm khoảng 10% tổng kim ngạch của TP.HCM, đây vẫn là một thị trường trọng yếu bởi vai trò dẫn dắt hành vi tiêu dùng và chuỗi cung ứng toàn cầu. Do đó, cần có những điều chỉnh mang tính thời sự và chiến lược, lâu dài.

Ông Vũ cũng khuyến nghị, các doanh nghiệp nên tìm cách phát huy tối đa lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA), thúc đẩy khai thác lợi thế từ thị trường nội địa 100 triệu dân với sức mua ngày càng tăng.

Các doanh nghiệp cần có chiến lược tập trung vào thị trường trong nước. Trong vài năm qua, nhiều doanh nghiệp TP.HCM đã thực hiện bài bản việc này, đưa sản phẩm ra thị trường và chiếm tỷ trọng nhất định.

"Trong bối cảnh bộ tứ trụ cột với các Nghị quyết quan trọng làm nền tảng cho sự phát triển của kinh tế tư nhân, doanh nghiệp và khoa học công nghệ, thì việc nâng cao năng lực nội sinh trở thành yêu cầu cấp thiết.

Điều này đồng nghĩa với việc mỗi doanh nghiệp phải tự mình tăng cường sức mạnh nội tại, biến các chủ trương thành hành động cụ thể để bứt phá và đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước", ông Vũ nhấn mạnh.

PHƯƠNG MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/bo-tu-tru-cot-se-thuc-day-phat-trien-cho-cac-cong-ty-viet-post850888.html