Bộ VHTTDL, nghệ sĩ, chuyên gia, người trong cuộc nói gì về hiện tượng ĐÀO, PHỞ VÀ PIANO?
Sự quan tâm của công chúng đối với bộ phim Đào, Phở và Piano đã được các chuyên gia cắt nghĩa, đúng thời điểm, hiệu ứng truyền thông tốt, chất lượng phim tốt sẽ đem đến thành công.
Hiện tượng bất ngờ "Đào, Phở và Piano"
Theo Cổng TTĐT Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, những ngày qua, sức hút từ bộ phim Đào, Phở và Piano tạo nên một hiện tượng bất ngờ.
Mặc dù từng được công chiếu vào tháng 9 năm 2023, nhưng bộ phim Đào, Phở và Piano chưa nhận được nhiều sự quan tâm của khán giả, đồng thời phim cũng không được truyền thông rầm rộ.
Sự "bùng nổ" của bộ phim Đào, Phở và Piano khi được chiếu vào dịp Tết Nguyên đán 2024 có đóng góp rất lớn đến sự lan truyền của bộ phim đến từ TikTok.
Đào, Phở và Piano: Bao phủ lên trên hiện thực chiến tranh là tình người
Nói về lý do thành công của phim trên phương diện cá nhân, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã cho rằng: "Bộ phim mang đến một vẻ đẹp đầy chất Hà Nội và góc nhìn vừa trẻ trung vừa đằm thắm của tác giả phim.
Phim mô tả một hiện thực chiến tranh, nhưng bao phủ lên nó là tình yêu thủy chung giữa người với người, giữa người với mảnh đất họ đang sống".
Theo nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã, phim thành công ở nhiều góc độ. Trước hết là kịch bản. Kịch bản của phim dung dị, không đao to búa lớn, không lên gân dạy dỗ ai cả.
Có lẽ tác giả chọn khoảnh khắc ngày cuối cùng của chuỗi 60 ngày đêm cầm chân giặc của người Hà Nội chỉ để nói lên một điều: Sự tận hiến của người Hà Nội cho mảnh đất của mình.
"Tác giả cũng không ngần ngại để cho hầu hết các nhân vật của phim đều chết, trừ người trí thức lãng tử mê ca trù cùng hai cô đào hát" - nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã nói tiếp - "Họ giống như một hồi quang của Hà Nội xưa cũ vậy".
"Điều thứ hai khiến bộ phim thành công là nhờ vào việc đạo diễn đã chọn diễn viên đúng tới mức xuất sắc - từ Trần Lực, Trung Hiếu đến cặp đôi diễn viên chính, rồi các nhân vật phụ như vợ chồng ông hàng phở, chú bé đánh giày... tất cả họ đều đã diễn mà như không diễn.
Họ là những người Hà Nội đích thực được đạo diễn "nhặt" vào, "đặt" vào bối cảnh phim và họ cứ sống như chính họ từ trong tiềm thức thôi.
Sự dung dị và đằm thắm của bộ phim đến từ dàn diễn viên tuyệt vời này. Họ đã chuyển tải đầy đủ tinh thần của kịch bản bằng chính tình yêu của họ"- nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã chia sẻ.
Diễn tả nội dung theo hướng đồng hiện tất cả các lát cắt
Chia sẻ trên cảm nhận cá nhân, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng, bộ phim hấp dẫn người xem bởi được làm theo cách không phải kể chuyện thông thường mà diễn tả nội dung theo hướng đồng hiện, thời gian trong phim chỉ diễn ra đúng một ngày đêm nên đạo diễn phải đồng hiện tất cả lát cắt, các nhân vật trong phim sao cho hợp lý.
"Bộ phim mang tính giáo dục sâu sắc, đặc biệt là cho thế hệ trẻ về lòng tự hào dân tộc, tình yêu nước, biết ơn các thế hệ đi trước đã chiến đấu, anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do cho Tổ quốc", Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh Nguyễn Thị Thu Hà cho biết.
Cũng theo đánh giá của bà Nguyễn Thị Thu Hà, các diễn viên đã rất "tròn" vai, tạo được những tình huống bất ngờ cho người xem.
Trong phim có cả những gương mặt diễn viên mới và những diễn viên đã từng đóng nhiều vai như: NSƯT Trần Lực, Anh Tuấn, Thiện Hùng, ca sĩ Tuấn Hưng, Doãn Quốc Đam, Thùy Linh, NSND Trung Hiếu…
Một Hà Nội hào hoa, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh
Đạo diễn, NSƯT Phi Tiến Sơn đã dồn nhiều tâm huyết để thực hiện bộ phim này. Ông tự viết kịch bản và thực hiện tác phẩm điện ảnh với một tình yêu đặc biệt dành cho Hà Nội.
Đạo diễn, NSƯT Phi Tiến Sơn chia sẻ: "Bộ phim "Đào, Phở và Piano" mong muốn chuyển tải đến khán giả về một Hà Nội từ gần 80 năm trước, cùng cả nước dũng cảm chống lại kẻ thù xâm lược theo lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch.
Trong phim, phẩm cách anh hùng bất khuất của nhân dân Việt Nam lan tỏa trong mỗi người dân Hà Nội. Cùng đó, người xem sẽ thấy một Hà Nội hào hoa, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, một Hà Nội vùng đứng lên với nhiều tầng lớp nhân dân, thế hệ, không còn phân biệt tuổi tác, nghề nghiệp, tôn giáo...".
Đào, Phở và Piano: Gay cấn giữa sự sống và cái chết nhưng đầy ắp sự lãng mạn, tính nhân văn
Vào vai ông họa sĩ già không tên trong bộ phim, NSƯT Trần Lực cho biết: "Khi nhận được kịch bản từ đạo diễn Phi Tiến Sơn, tôi cảm nhận được đây là một bộ phim chiến tranh, lãng mạn, hấp dẫn.
Phim được dàn dựng hoành tráng bởi trường quay được dàn dựng công phu. Với bối cảnh này, đoàn phim có thể quay 360 độ không phải khép góc, trốn né gì nên không gian phim rất rộng. Đây là một sự kỳ công".
NSƯT Trần Lực cũng cho biết thêm: "Bộ phim đề cập đến tình yêu trong chiến tranh nhưng không đi theo thị hiếu bình thường của khán giả. Nhưng làm phim chiến tranh vốn khó nếu làm tốt sẽ rất hay.
Bộ phim chiến tranh, có sự gay cấn giữa sống và chết, nhưng có sự lãng mạn- không thể thiếu trong đời sống, lại đầy ắp tính nhân văn. Hấp dẫn là ở đấy. Tôi nghĩ phim Đào, Phở và Piano không chỉ là câu chuyện chiến tranh mà đầy ắp tình người, là bộ phim hấp dẫn về đề tài chiến tranh vì đạo diễn và kịch bản rất hiện đại".
Nhiều đơn vị phát hành tham gia công chiếu Đào, Phở và Piano
Trước sức hút của bộ phim, nhiều đơn vị phát hành đã tham gia công chiếu Đào, Phở và Piano.
Sau Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, các cụm rạp của Beta trên toàn quốc đã phát hành bộ phim từ ngày 22/2. Đồng thời, mặc dù tăng lên 18 suất chiếu/ngày nhưng vé bán của bộ phim tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia đã được bán đến hết ngày 27/2.
Những tín hiệu tích cực từ Đào, Phở và Piano - một bộ phim về đề tài lịch sử được sử dụng ngân sách Nhà nước nhưng vẫn thu hút đông đảo khán giả cho thấy, nếu phim được làm tốt, tạo được hiệu ứng truyền thông tốt thì sẽ đến được với khán giả.
Bộ VHTTDL khuyến khích các cơ sở điện ảnh phổ biến phim Việt cũng như "Đào, Phở và Piano"
Bộ VHTTDL vừa có văn bản chính thức nêu rõ, căn cứ Luật Điện ảnh năm 2022 và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 316/QĐ-BVHTTDL ngày 06 tháng 02 năm 2024 phê duyệt Kế hoạch phát hành, phổ biến thí điểm một số phim sản xuất sử dụng ngân sách Nhà nước tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia và một số Đài Truyền hình, Đài phát thanh - Truyền hình trên toàn quốc.
Đây là một trong những công việc cần thiết góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực phát hành, phổ biến phim nói riêng và hoạt động điện ảnh nói chung. Đồng thời, góp phần đưa các tác phẩm điện ảnh được Nhà nước đặt hàng đến rộng rãi với đông đảo khán giả và Nhân dân.
Theo đó, Bộ VHTTDL giao Cục Điện ảnh phối hợp với Trung tâm Chiếu phim Quốc gia tổ chức phổ biến các phim "Đào, Phở và Piano", "Hồng Hà nữ sĩ" và "Chùm 06 phim hoạt hình Việt Nam" từ ngày 10/02/2024 (tức ngày mùng 01 Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024).
Sau khi phổ biến, các bộ phim đã nhận được sự quan tâm của đông đảo khán giả, tạo hiệu ứng truyền thông và sự quan tâm của khán giả yêu thích phim Việt Nam. Đặc biệt là bộ phim "Đào, Phở và Piano" (Đạo diễn và Biên kịch: NSƯT Phi Tiến Sơn).
Đây là bộ phim được Bộ VHTTDL đặt hàng Công ty Cổ phần Hãng phim truyện I sản xuất. Bộ phim ra mắt công chúng lần đầu tiên vào tháng 9/2023 và đoạt giải Bông sen Bạc tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 23 tổ chức tại tỉnh Lâm Đồng vào tháng 11/2023.
Bộ phim "Đào, Phở và Piano" công chiếu tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia từ ngày 10/02/2024 (mùng 1 Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024) với 3 suất chiếu/ngày. Do lượng khán giả có nhu cầu xem phim tăng đột biến đến ngày 20/2 là 18 suất chiếu/ngày, tuy nhiên vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu của khán giả.
Trước tình hình đó, Bộ VHTTDL đã chỉ đạo Cục Điện ảnh làm việc với một số đơn vị phát hành, phổ biến phim để khuyến khích phổ biến phim Việt Nam sản xuất sử dụng ngân sách nhà nước đến rộng rãi khán giả và Nhân dân nhằm phát huy hiệu quả, qua đó quảng bá văn hóa, đất nước, con người Việt Nam.
Bộ VHTTDL khuyến khích các cơ sở điện ảnh tham gia phổ biến phim "Đào, Phở và Piano" cũng như những phim Nhà nước đặt hàng và phim Việt Nam nói chung. Trên cơ sở các quy định hiện hành và yêu cầu từ thực tiễn, Bộ VHTTDL đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, tham mưu tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật nhằm khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở điện ảnh phổ biến phim do Nhà nước đặt hàng./.