Bộ Xây dựng đề xuất phạt kịch khung 1 tỷ đồng vi phạm xây dựng
Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng trong đó vi phạm trật tự xây dựng, kinh doanh bất động sản có hành vi bị xử phạt lên đến 1 tỷ đồng.
Phạt 800 triệu đồng huy động vốn trái phép
Nêu tại tờ trình Chính phủ về việc ban hành Nghị định, Bộ Xây dựng đánh giá sau gần 4 năm thực hiện Nghị định số 139/2017/NĐ-CP (Nghị định 139) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng việc quản lý đầu tư xây dựng, trật tự xây dựng tại các địa phương đã dần đi vào nề nếp, vi phạm về trật tự xây dựng được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, triệt để góp phần giảm thiểu tình trạng xây dựng không phép, sai phép, sai quy hoạch…..
Tuy nhiên, cũng theo Bộ Xây dựng, Nghị định 139 đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, thiếu tính khả thi, cần thiết sửa đổi, bổ sung chưa như có biện pháp chế tài dừng thi công xây dựng đối với công trình vi phạm; một số lĩnh vực còn thiếu chế tài xử lý; chế tài xử lý đối với một số hành vi vi phạm hành chính chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe, mức xử phạt còn thấp…
Dự thảo lần này đã đưa vào các quy định của Thông tư 03/2018/TT-BXD tăng mức tiền phạt gấp 1,5 đến 2 lần so với mức phạt quy định tại Nghị định số 139 trong toàn bộ dự thảo (có hành vi tăng 4 đến 5 lần như hành vi điều chỉnh quy hoạch, quản lý sử dụng nhà chung cư). Riêng vi phạm trong lĩnh vực trật tự xây dựng, kinh doanh bất động sản, có hành vi bị xử phạt lên đến 1 tỷ đồng.
Đáng chú ý, dự thảo nghị định tăng mức phạt tiền lên đến 800 triệu đồng đối với một số hành vi kinh doanh bất động sản như chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án mà không đảm bảo đầy đủ các yêu cầu hoặc các điều kiện theo quy định, bàn giao nhà, công trình xây dựng cho khách hàng khi chưa hoàn thành đầu tư xây dựng nhà ở, công trình xây dựng và các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo tiến độ ghi trong dự án đã được phê duyệt, chưa đảm bảo kết nối với hệ thống hạ tầng chung của khu vực; huy động hoặc chiếm dụng vốn trái phép; sử dụng vốn huy động của tổ chức, cá nhân hoặc tiền ứng trước của bên mua, bên thuê, bên thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai không đúng mục đích cam kết…. Theo Nghị định số 139/2017/NĐ-CP hiện hành, mức phạt cao nhất chỉ là 300 triệu đồng.
Bất tuân pháp luật chủ đầu tư không "ngán" xử phạt
Ghi nhận từ thực tế cho thấy, tại nhiều địa phương tình hình vi phạm trật tự xây dựng bộc lộ nhiều bất cập trong quản lý của chính quyền. Bên cạnh đó là tình trạng chủ đầu tư coi thường pháp luật, cố tình vi phạm.
Có thể kể đến như dự án Dự án An Lạc Green Symphony tại xã Vân Canh (Hoài Đức, Hà Nội) chủ đầu tư là Công ty An Lạc do ông Nguyễn Trọng Thông làm Chủ tịch HĐQT thi công không phép, bị yêu cầu dừng nhưng chủ đầu tư vẫn ngang nhiên xây dựng.
Tại công trình này, ngày 27/4, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Anh đã ký quyết định xử phạt hành chính đối với Công ty CP đầu tư An Lạc do tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng tại ô đất có ký hiệu C1-CT thuộc dự án khu đô thị An Lạc Green Symphony. Chủ đầu tư tổ chức thi công phần hầm, diện tích xây dựng 6.117 m2 và bị xử phạt là 40 triệu đồng.
Đến ngày 16/7, Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị huyện Hoài Đức kết hợp với UBND xã Vân Canh kiểm tra việc chấp hành quyết định xử phạt công trình xây dựng không phép tại ô đất C1-CT phát hiện công trình xây dựng không phép đang có khoảng 10 công nhân. Bằng trực quan, đoàn kiểm tra cũng ghi nhận đã thi công lắp dựng một phần cốt pha dầm 1.
Tiếp đó ngày 19/7/2021, Đội quản lý Trật tự xây dựng đô thị huyện Hoài Đức kết hợp với UBND xã Vân Canh tiếp tục kiểm tra đo vẽ hiện trạng công trình xây dựng không phép tại ô đất C1-CT trên. Đoàn kiểm tra đã phát hiện, quy mô hiện trạng thực tế công trình không phép này có thay đổi so với thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính ngày 20/4/2021.
Cụ thể: Đã đổ bê tông sàn hầm 1 từ trục MC-RA+11,93 x R10-R12+7,14 diện tích khoảng 611m2; Ghép cốt pha, sắt thép hầm 1 từ trục: MC-RA+11,93m x R10-R1 +9,3m; Đổ 6 tầng tầng 1.
Về vi phạm trên, đoàn kiểm tra yêu cầu, Công ty CP đầu tư An Lạc dừng ngay mọi hoạt động thi công xây dựng tại công trình không phép này. Đồng thời, công ty phải khẩn trương liên hệ cơ quan chức năng có thẩm quyền để được cấp giấy phép xây dựng (GPXD) cho công trình không phép này.
"Trường hợp chủ đầu tư cố tình thi công xây dựng, Đoàn kiểm tra sẽ căn cứ chức năng nhiệm vụ tiếp tục xử lý vi phạm theo thẩm quyền", đoàn kiểm tra yêu cầu.
Cũng phải nói thêm rằng, ngay tại quyết định xử phạt từ tháng 4/2021 đã nêu rõ trong vòng 60 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính chủ đầu tư phải làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp GPXD. Hết thời gian này, chủ đầu tư không xuất trình được GPXD thì bị áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình vi phạm theo quy định.
Thế nhưng hết thời hạn 60 ngày công trình chưa được cấp GPXD và chủ đầu tư vẫn ngang nhiên tiến hành xây dựng thêm phần vi phạm như đã nêu trên.
Đánh giá về mức xử phạt cao nhất 1 tỷ đồng cho vi phạm trật tự xây dựng, kinh doanh bất động sản chuyên gia xây dựng cho rằng vẫn chưa đủ răn đe đối với các chủ đầu tư dự án vài trăm đến hàng nghìn tỷ đồng. Đây là điểm bất cập lớn, kẽ hở của luật pháp để các chủ đầu tư lách, sẵn sàng vi phạm rồi nộp phạt. Nếu không sớm khắc phục điểm này sẽ dẫn đến nhờn luật, mất niềm tin vào pháp luật của người dân, gây thiệt hại cho khách hàng.
Trong khi đó, luật sư Nguyễn Hữu Toại - Công ty Luật TNHH Hừng Đông (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) thẳng thắn nhìn nhận cần xem xét nguyên nhân và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức từ chủ đầu tư đến chính quyền, cơ quan quản lý.
Bên cạnh tư duy làm ăn “chộp giật”, không tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, chủ đầu tư khiến tình trạng sai phạm trong xây dựng ngày càng nhức nhối, luật sư cũng chỉ rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương.
“Để xảy ra sai phạm có trách nhiệm rất lớn của các cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương như Sở xây dựng, UBND phường, UBND quận, UBND thành phố đã thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý Nhà nước, không giám sát hoặc giám sát mang nặng tính hình thức để cho các chủ đầu tư ngang nhiên vi phạm” – luật sư Toại nói.
Chuyên gia cho rằng, để thay đổi có hiệu quả, mang tính đột phá thì luật xử lý vi phạm hành chính cần sửa đổi, bổ sung theo hướng nâng mức phạt, tăng chế tài đối với các ngành, lĩnh vực có tiềm lực kinh tế lớn, trong đó có bất động sản. Mức phạt phải đủ sức răn đe để các chủ đầu tư, người vi phạm thấy rõ nếu có vi phạm thì bản thân chịu thiệt nặng trước, triệt tiêu lợi ích từ hành vi vi phạm.
Đồng thời, cần xem xét các yếu tố để hình sự hóa các vụ việc, xử lý nghiêm, dứt điểm như vậy mới đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, đủ sức răn đe, chấm dứt được tình trạng đẩy thiệt hại về cho khách hàng. Thậm chí, cần quy trách nhiệm cụ thể, có chế tài xử lý nghiêm đối với người đứng đầu địa phương, các cấp cán bộ khi để xảy ra vi phạm. Cùng với đó, cần có cơ chế không cấp giấy chứng nhận đầu tư mới cho các chủ đầu tư thường xuyên vi phạm.