Bộ Xây dựng lên tiếng về kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư
Theo Bộ Xây dựng, việc đóng kinh phí bảo trì bao gồm đóng góp lần đầu, đóng góp bổ sung trong trường hợp kinh phí bảo trì đã đóng không đủ để thực hiện bảo trì thì pháp luật nhà ở quy định rõ trách nhiệm đóng góp này là thuộc các chủ sở hữu nhà chung cư, trong đó có chủ sở hữu nhà chung cư tái định cư.
Bộ Xây dựng vừa có Văn bản trả lời Phiếu chất vấn của đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội gửi đến Kỳ họp thứ 6 về kinh phí bảo trì, sửa chữa phần sở hữu chung của nhà chung cư.
Về vấn đề này, Bộ Xây dựng cho biết, Điều 85, Luật Nhà ở năm 2014 quy định về trách nhiệm của chủ đầu tư, tổ chức, cá nhân cung ứng thiết bị phải thực hiện bảo hành đối với thiết bị nhà ở, trong đó có thang máy, hệ thống phòng cháy chữa cháy…
Điều 107, Luật Nhà ở năm 2014 cũng quy định: "Chủ sở hữu nhà chung cư có trách nhiệm bảo trì phần sở hữu riêng và đóng góp kinh phí để thực hiện bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư. Việc đóng góp kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu được thực hiện theo quy định tại Điều 108 của Luật này".
Điều 108, Luật Nhà ở năm 2014 quy định cụ thể: Mức đóng (2% giá trị căn hộ), thời điểm đóng (khi nhận bàn giao nhà ở), trách nhiệm đóng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung (là trách nhiệm của các chủ sở hữu nhà chung cư trong đó có chủ sở hữu nhà chung cư tái định cư); đồng thời cũng đã có quy định trường hợp nếu không đủ kinh phí để thực hiện bảo trì thì các chủ sở hữu này có trách nhiệm đóng góp thêm kinh phí tương ứng với phần diện tích thuộc sở hữu riêng của từng chủ sở hữu để thực hiện bảo trì.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 33 của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ thì: "Chủ sở hữu nhà ở tái định cư là nhà chung cư thì phải tuân thủ các quy định về quản lý, sử dụng nhà chung cư; chủ sở hữu phải đóng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư theo quy định của Luật Nhà ở và Nghị định này, đóng kinh phí quản lý vận hành nhà chung cư và các chi phí sử dụng dịch vụ theo thỏa thuận với nhà cung cấp dịch vụ".
Điều 34, Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư ban hành kèm theo Thông tư số 02/2016/TT-BXD ngày 15/2/2016 của Bộ Xây dựng quy định rõ về các hạng mục của nhà chung cư được sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung để thực hiện bảo trì trong đó có thang máy, hệ thống phòng cháy, chữa cháy.
Theo Bộ Xây dựng, các quy định pháp luật trên đã quy định trách nhiệm của chủ đầu tư, tổ chức, cá nhân cung ứng thiết bị nhà ở trong việc bảo hành, sửa chữa, thay thế các thiết bị thuộc phần sở hữu chung: thang máy, phòng cháy, chữa cháy… trong thời hạn bảo hành.
Đối với việc đóng kinh phí bảo trì, bao gồm đóng góp lần đầu, đóng góp bổ sung trong trường hợp kinh phí bảo trì đã đóng không đủ để thực hiện bảo trì thì pháp luật nhà ở cũng quy định rõ trách nhiệm đóng góp này là thuộc trách nhiệm của các chủ sở hữu nhà chung cư, trong đó có chủ sở hữu nhà chung cư tái định cư.
Liên quan đến quản lý vận hành nhà chung cư tái định cư, Bộ Xây dựng cho biết, tại khoản 2 Điều 33 Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ quy định: Trường hợp xây dựng nhà chung cư để bố trí tái định cư thì chủ đầu tư phải dành tối thiểu 1/3 diện tích kinh doanh, dịch vụ của nhà chung cư đó cho các hộ gia đình, cá nhân được tái định cư thuê (nếu có nhu cầu) thông qua đấu giá theo nguyên tắc công khai, minh bạch nhằm tạo công ăn, việc làm cho các hộ gia đình, cá nhân này; kinh phí thu được từ hoạt động kinh doanh đối với toàn bộ phần diện tích kinh doanh dịch vụ sau khi trừ các chi phí kinh doanh hợp lý thì UBND cấp tỉnh được dùng kinh phí này để hỗ trợ cho kinh phí bảo trì phần sở hữu chung và hỗ trợ một phần kinh phí cho công tác quản lý vận hành nhà ở phục vụ tái định cư trên địa bàn.
Như vậy, pháp luật nhà ở cũng đã có quy định trách nhiệm của UBND cấp tỉnh hỗ trợ kinh phí bảo trì phần sở hữu chung, kinh phí cho công tác quản lý vận hành nhà ở phục vụ tái định cư tại các nhà chung cư tái định cư có dành diện tích để kinh doanh, dịch vụ như quy định trên để bảo đảm cho nhà chung cư; trong đó có nhà chung cư tái định cư được an toàn trong quá trình vận hành sử dụng như nội dung trong Phiếu chất vấn của đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ.
Đưa ra giải pháp cụ thể, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương tiếp tục tích cực tuyên truyền các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng, vận hành nhà chung cư đặc biệt là nâng cao nhận thức trong thực hiện các quy định về quyền, trách nhiệm của các chủ thể có liên quan: chủ đầu tư, Ban quản trị, đơn vị quản lý vận hành, chủ sở hữu, người sử dụng.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra để phát hiện và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng nhà chung cư để bảo đảm cho nhà chung cư nói chung, nhà chung cư tái định cư nói riêng được an toàn trong quá trình vận hành.
Ngoài các giải pháp trên, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục hoàn thiện công tác xây dựng, ban hành thể chế pháp luật.