Bộ Xây dựng phản hồi kiến nghị bất cập biển báo giao thông
Bộ Xây dựng vừa có văn bản trả lời kiến nghị của Đoàn đại biểu Quốc hội TP. HCM liên quan đến thực trạng nhiều tuyến đường trên cả nước xuống cấp nghiêm trọng và hệ thống biển báo giao thông còn nhiều bất cập
Theo phản ánh của Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông đường bộ theo Nghị định 168/2024, trong đó có nội dung trừ điểm và phục hồi điểm giấy phép lái xe, đã nhận được sự đồng thuận của người dân, góp phần nâng cao ý thức khi tham gia giao thông.

Một đoạn cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết thuộc hệ thống đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã hoàn thành đưa vào khai thác.
Tuy nhiên, cử tri đề nghị cần có sự đầu tư đồng bộ vào hệ thống hạ tầng giao thông, bởi hiện nay nhiều tuyến đường đã xuống cấp nghiêm trọng, biển báo chưa đầy đủ, gây khó khăn trong việc tuân thủ các quy định pháp luật.
Về vấn đề này, Bộ Xây dựng cho biết: Thực hiện quy định của Luật Đường bộ năm 2024 và Nghị định 165/2024, Bộ đã bàn giao các tuyến quốc lộ (trừ Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh) cho UBND cấp tỉnh quản lý và đầu tư.
Ngoài hệ thống đường địa phương được xác định trong quy hoạch của từng tỉnh, thành phố, việc nâng cấp, mở rộng các tuyến quốc lộ thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh.
Về các tuyến quốc lộ, Bộ cho biết trong thời gian qua đã ưu tiên cân đối nguồn lực để đầu tư nâng cấp, mở rộng một số tuyến đường cấp bách. Đồng thời chỉ đạo Cục Đường bộ Việt Nam và các chủ đầu tư khẩn trương sửa chữa hư hỏng, đảm bảo an toàn và thông suốt giao thông.
Bên cạnh đó, Bộ cũng yêu cầu Cục Đường bộ Việt Nam rà soát, xử lý các bất cập trong hệ thống biển báo, đèn tín hiệu giao thông, sơn kẻ mặt đường; phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông, Ban An toàn giao thông quốc gia và Sở Xây dựng các địa phương để kịp thời phát hiện và điều chỉnh các điểm mất an toàn giao thông.
Đối với mạng lưới đường bộ cao tốc, Bộ cho biết đến nay cả nước đã có 2.268 km đường cao tốc. Các địa phương và Bộ đang đẩy nhanh tiến độ thi công các đoạn tuyến đang đầu tư, phấn đấu đạt mục tiêu 3.000 km vào cuối năm 2025 và khoảng 5.000 km vào năm 2030 theo quy hoạch được phê duyệt.
Bộ Xây dựng khẳng định: "Hạ tầng giao thông đường bộ đang được đầu tư phát triển đồng bộ, hiện đại. Công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này cũng đang được phân cấp mạnh mẽ về địa phương để nâng cao hiệu quả quản lý và đầu tư. Trong trường hợp phát hiện các tuyến đường xuống cấp, cử tri cần phản ánh cụ thể để Chính phủ giao địa phương xử lý theo đúng thẩm quyền.