Bỏ xếp loại bằng tốt nghiệp THCS là đúng
Nhiều nhà giáo dục nhận định việc bỏ xếp loại bằng tốt nghiệp THCS bên cạnh giảm áp lực cho học sinh còn phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Bộ GD&ĐT vừa công bố Thông tư 31/2023 về việc xét công nhận tốt nghiệp THCS. Theo đó, học sinh (HS) được cấp bằng tốt nghiệp THCS khi hoàn thành chương trình học tập và rèn luyện lớp 9, đồng thời không nghỉ học quá 45 buổi/năm. Bằng tốt nghiệp cũng không còn ghi xếp loại giỏi, khá, trung bình như hiện hành.
Giảm áp lực cho học sinh và nhà trường
Em Nguyễn Minh Ngọc, HS lớp 8A3 Trường THCS Nguyễn Gia Thiều (TP.HCM), bộc bạch: “Em và các bạn không đặt nặng việc bằng tốt nghiệp THCS xếp loại gì, mục tiêu em hướng tới là thi đậu lớp 10 một trường tốp đầu của TP với định hướng nghề nghiệp rõ ràng”.
Ở góc độ phụ huynh, chị Cù Thị Phương (Hà Nội) cho hay vấn đề này giáo viên chủ nhiệm từng phổ biến khi họp phụ huynh. “Bỏ xếp loại bằng tốt nghiệp THCS là hợp lý. HS sẽ tránh được tâm lý tủi thân, áp lực, còn quá trình học tập ra sao đã có đầy đủ trong học bạ”.
Bỏ xếp loại bằng tốt nghiệp THCS vừa giảm áp lực cho học sinh, vừa giảm áp lực thành tích thi đua giữa các trường.
Theo cô Nghiêm Thị Hồng Phương, giáo viên ngữ văn Trường THPT Nguyễn Trung Ngạn (Hưng Yên), bỏ xếp loại bằng tốt nghiệp THCS là rất hợp lý. HS cần bằng để chứng minh đã hoàn thành chương trình THCS, trong quá trình học nếu đạt loại giỏi, điểm cao, nhà trường đã tuyên dương thành tích theo cách phù hợp.
“Sau khi bỏ xếp loại bằng tốt nghiệp THPT, động lực học tập của HS không thay đổi, các em vẫn phấn đấu và nỗ lực để đạt mục tiêu. Do vậy, việc bỏ xếp loại tốt nghiệp THCS không giảm động lực của HS mà thể hiện sự đồng bộ giữa các cấp học” - cô Phương nhận xét.
Đồng quan điểm, một giáo viên THCS tại Bắc Giang cũng cho rằng HS bị một áp lực vô hình khi bị lấy kết quả xếp loại để so sánh. Bỏ xếp loại bằng tốt nghiệp THCS vừa giảm áp lực cho HS, vừa giảm áp lực thành tích thi đua giữa các trường.
“Sau khi tốt nghiệp THCS, HS sẽ có nhiều ngã rẽ. Thực tế, nếu HS xác định vào lớp 10 công lập, yếu tố quyết định là kết quả thi đầu vào. Nếu lựa chọn học nghề hoặc đi làm luôn HS cũng chỉ cần bằng tốt nghiệp, ít ai hỏi em tốt nghiệp cấp II loại gì” - giáo viên này nêu.
Thông tư 31/2023 có hiệu lực từ ngày 15-2-2024, áp dụng với HS tốt nghiệp THCS năm học 2024-2025.
Phù hợp chương trình mới
Bà Hứa Thị Diễm Trâm, Hiệu trưởng Trường THCS Hà Huy Tập (TP.HCM), chia sẻ Thông tư 31/2023 phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông 2018. Bỏ xếp loại bằng tốt nghiệp THCS là nên làm vì thực tế nhiều chứng chỉ hiện nay chỉ ghi điểm số.
Theo bà Trâm, tốt nghiệp THCS loại giỏi hay trung bình chưa nói lên điều gì. Với chương trình lớp 10 mới, HS sẽ học theo các tổ hợp môn để định hướng nghề nghiệp. Do đó, tốt nghiệp THCS loại nào không quan trọng bằng chọn tổ hợp môn ở trường THPT phù hợp khả năng.
Tương tự, hiệu trưởng một trường THCS tại quận 12 (TP.HCM) cũng nhìn nhận bỏ xếp loại bằng tốt nghiệp THCS hoàn toàn phù hợp với định hướng phát triển chương trình giáo dục phổ thông 2018.
“Việc này cũng không ảnh hưởng đến mục tiêu của HS vì kết quả học tập thể hiện rõ trong học bạ. Với các em, có thi đậu vào lớp 10 công lập hay không mới là điều cần hướng tới” - vị này nhìn nhận.
Ông Nguyễn Xuân Đắc, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Gia Thiều (TP.HCM), chia sẻ bỏ xếp loại bằng tốt nghiệp THCS cũng tương tự như HS sau khi hết lớp 5 được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình tiểu học. “Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 mới là mục tiêu các em phải nỗ lực” - ông Đắc nói.
Đánh giá về sự thay đổi này, ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết quy định nào cũng có ưu điểm riêng.
“Chẳng hạn, xếp loại sẽ phần nào thúc đẩy HS trong quá trình học. Bỏ xếp loại giúp giảm áp lực cho HS, đồng thời phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo định hướng phát huy phẩm chất, năng lực người học” - ông Ngai nhận định.•
Quy định bỏ xếp loại bằng tốt nghiệp THCS tại Thông tư 31/2023 xuất phát từ việc xét công nhận tốt nghiệp nhằm xác nhận trình độ của HS học hết cấp THCS theo quy định của Luật Giáo dục 2019 và lộ trình đổi mới căn bản GD&ĐT. Quy định này phù hợp, đồng bộ với việc công nhận hoàn thành chương trình tiểu học và xếp loại tốt nghiệp THPT hiện hành.
Việc xét công nhận tốt nghiệp THCS được thực hiện theo quy định của Điều 34 Luật Giáo dục 2019: “HS học hết chương trình THCS đủ điều kiện theo quy định của bộ trưởng Bộ GD&ĐT thì được người đứng đầu cơ quan chuyên môn về giáo dục thuộc UBND cấp huyện cấp bằng tốt nghiệp THCS”.
Ông ĐỖ ĐỨC QUẾ, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD&ĐT
Nguồn PLO: https://plo.vn/bo-xep-loai-bang-tot-nghiep-thcs-la-dung-post772803.html