Bỏ xét tuyển học bạ: Giảm thí sinh ảo
Theo Đề án tuyển sinh năm 2024 Trường Đại học (ĐH) Kinh tế quốc dân vừa công bố, nhà trường sẽ không còn phương thức tuyển sinh bằng học bạ. Một số trường top đầu cũng không xét tuyển đầu vào bằng phương án này.
Giảm “lạm phát” điểm học bạ
Năm 2024, Trường ĐH Kinh tế quốc dân tuyển sinh 60 mã ngành, chương trình, tổng 6.200 chỉ tiêu. Năm nay nhà trường tuyển sinh theo 3 phương thức: Xét tuyển thẳng 2% chỉ tiêu, 18% chỉ tiêu xét tuyển theo kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024 (giảm 7% so với năm 2023), 80% chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển sinh của nhà trường. Như vậy, năm nay Trường ĐH Kinh tế Quốc dân không còn tuyển sinh bằng học bạ. Các năm trước, nhóm thí sinh này chiếm khoảng 10% chỉ tiêu.
Lý giải về việc bỏ xét tuyển học bạ THPT trong tuyển sinh, PGS.TS Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng Quản lý đào tạo, ĐH Kinh tế quốc dân cho hay: “Việc bỏ nhóm xét tuyển kết hợp điểm trung bình chung học bạ 3 năm THPT với điểm 2 môn thi tốt nghiệp THPT của học sinh giỏi trường chuyên và trường trọng điểm quốc gia do thực tế tuyển sinh các năm cho thấy nhóm thí sinh này có học lực rất giỏi và gần như đều đáp ứng các điều kiện khác: chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, điểm thi đánh giá năng lực…; tỷ lệ trùng lặp với các nhóm đối tượng khác rất cao, dẫn đến tỷ lệ ảo tăng nên việc bỏ nhóm thí sinh này làm giảm tỷ lệ ảo mà ít ảnh hưởng đến kết quả tuyển sinh. Cùng với đó, nhà trường có chủ trương mở rộng sử dụng kết quả các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy uy tín như HAS, APT, TSA… để tuyển sinh và giảm phụ thuộc vào kết quả học tập và kết quả thi tốt nghiệp THPT”.
Trước đó, một số trường top đầu như ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Y Hà Nội... cũng không xét tuyển đầu vào bằng phương án này. Theo PGS.TS Nguyễn Phong Điền - Phó Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội, hiện tại nhà trường đang hoàn thiện Đề án tuyển sinh năm 2024, dự kiến sẽ công bố trong quý I năm 2024. Tuy nhiên, có thể khẳng định về cơ bản ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ giữ ổn định về chỉ tiêu và các phương thức tuyển sinh bao gồm: Xét tuyển tài năng, xét tuyển theo điểm thi Đánh giá tư duy và xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT. Trong đó, chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển theo điểm thi Đánh giá tư duy sẽ tăng nhẹ.
TS Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH-CĐ Việt Nam cho biết, các trường sử dụng xét học bạ trong phương thức tuyển sinh đã dẫn đến nhiều vấn đề tiêu cực trong việc chấm điểm, thậm chí có cả tình trạng mua điểm. Điều này dẫn tới khó kiểm chứng năng lực thực tế của học sinh.
Kỳ thi riêng lên ngôi
Năm 2024 nhiều trường ĐH có xu hướng tăng chỉ tiêu tuyển sinh bằng kết quả các kỳ thi riêng. Đơn cử, hai trường thành viên thuộc ĐH Quốc gia TPHCM là Trường ĐH Bách khoa và Trường ĐH Công nghệ thông tin vừa công bố phương thức tuyển sinh 2024. Trong đó, Trường ĐH Công nghệ thông tin sử dụng phương thức 1 là tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển; phương thức 2 là xét cả điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức.
Trường ĐH Bách khoa TPHCM vẫn giữ định hướng tuyển sinh với các phương thức tuyển sinh trong các năm gần đây, trong đó phương thức kết hợp là phương thức chủ đạo. Theo đó, phương thức kết hợp đánh giá thí sinh với 3 yếu tố: học tập (với các điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TPHCM điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm học THPT), thành tích học tập/khoa học và hoạt động văn thể mỹ - đóng góp cộng đồng. Về năng lực học tập, thành phần điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức chiếm tỷ trọng cao nhất.
Học viện Kỹ thuật quân sự sử dụng 4 phương thức để tuyển sinh đầu vào. Trong đó, ba phương thức tương tự năm ngoái là xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển; xét học sinh giỏi có giải Nhất, Nhì, 3 ở môn Toán, Lý, Hóa, Tiếng Anh cấp tỉnh trở lên, hoặc có chứng chỉ quốc tế như IELTS, TOEFL, SAT, ACT; và xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Phương thức xét tuyển dựa vào kết quả thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TPHCM lần đầu được nhà trường áp dụng.
PGS.TS Nguyễn Phong Điền - Phó Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, tính đến mùa tuyển sinh 2023, đã có gần 40 cơ sở giáo dục ĐH sử dụng kết quả bài thi đánh giá tư duy để xét tuyển ĐH. Nhà trường dự báo với Chương trình Giáo dục phổ thông mới và quy định về thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, sẽ có thêm nhiều trường ĐH xét tuyển theo điểm thi đánh giá tư duy.
Theo GS Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm khảo thí, ĐH Quốc gia Hà Nội, năm 2023 có gần 70 cơ sở đào tạo sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội trong phương thức xét tuyển. Ông Thảo cũng thông tin, kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội năm 2024 dự kiến có gần 76.000 lượt thí sinh dự thi, chia thành 6 đợt thi từ tháng 3 đến tháng 6/2024, tổ chức vào các ngày thứ Bảy và Chủ nhật.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/bo-xet-tuyen-hoc-ba-giam-thi-sinh-ao-10270571.html