Em bé quê '5 tấn' trở thành đại diện thế hệ trẻ Việt Nam tham gia 'Diễn đàn châu Á về giảm nhẹ rủi ro thiên tai 2024'
Vượt qua 9 thí sinh tại vòng chung kết, em bé Đinh Gia Hân đến từ tỉnh Thái Bình, thí sinh nhỏ tuổi nhất Cuộc thi 'Hùng biện tiếng Anh cho trẻ em về phòng, chống thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu 2024' đã xuất sắc giành giải Nhất và trở thành đại diện thế hệ trẻ Việt Nam chia sẻ quan điểm trước các quốc gia khác tại 'Diễn đàn châu Á về giảm nhẹ rủi ro thiên tai', dự kiến được tổ chức trong tháng 12/2024.
Hơn 5.000 học sinh tham gia cuộc thi
Nối tiếp thành công năm 2023, cuộc thi “Hùng biện tiếng Anh dành cho trẻ em về phòng, chống thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu” 2024 được tổ chức nhằm tạo một sân chơi bổ ích cho các em học sinh, giúp các em có cơ hội tìm hiểu và nâng cao ý thức tuyên truyền tới những người chung quanh về các vấn đề liên quan đến phòng, chống thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu.
Vòng sơ khảo diễn ra từ ngày 10/8-15/9/2024, dưới hình thức trực tuyến. Kết thúc vòng sơ khảo, Ban tổ chức đã nhận được hơn 4.000 bài dự thi từ hơn 5.000 học sinh trên cả nước, đa dạng về ý tưởng và phong phú về hình thức thể hiện.
Phát biểu khai mạc tại vòng chung kết, ông Nguyễn Văn Tiến, Giám đốc Ban quản lý dự án trung ương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết: “Các tác phẩm được gửi tới cuộc thi thể hiện góc nhìn sáng tạo qua lăng kính của thế hệ trẻ, là chủ nhân tương lai của đất nước, là minh chứng rõ ràng cho thấy cuộc thi đã đạt được kết quả mong muốn là giúp các em học sinh tìm hiểu, sáng tạo, nâng cao ý thức tuyên truyền tới mọi người chung quanh; đưa ra các sáng kiến, giải pháp để giảm thiểu tác động của thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu”.
Theo ông Tiến, trong bối cảnh biến đổi khí hậu và thiên tai diễn biến ngày càng khó lường, để xây dựng một tương lai bền vững, chúng ta không thể không nhắc đến trách nhiệm của mỗi thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ. Các em học sinh, sinh viên là những chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng tiên phong và đóng vai trò quan trọng trong việc gắn kết nhiệm vụ chuyên môn với các hoạt động cộng đồng, nâng cao nhận thức về phòng chống thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu. Do đó, việc truyền lửa, khơi dậy ý thức và trách nhiệm cho thế hệ kế cận đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Thế hệ trẻ hôm nay chính là những người đặt nền móng cho sự phát triển bền vững, bảo đảm rằng thế hệ sau sẽ kế thừa một hành tinh xanh, an toàn và đáng sống.
Ông Nguyễn Văn Tiến, Giám đốc Ban quản lý dự án trung ương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai
“Chúng ta không thừa hưởng Trái Đất từ tổ tiên, mà vay mượn từ con cháu. Những nỗ lực bảo vệ môi trường hôm nay không chỉ dành cho thế hệ hiện tại, mà còn là cam kết cho tương lai. Thế hệ trẻ hôm nay chính là những người đặt nền móng cho sự phát triển bền vững, bảo đảm rằng thế hệ sau sẽ kế thừa một hành tinh xanh, an toàn và đáng sống”, lãnh đạo Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống thiên nhấn mạnh.
Đinh Gia Hân chiến thắng từ sự tự tin
Tại vòng chung kết, với chủ đề "Trong buổi chào cờ tới tại trường mình, nếu em được chia sẻ về cuộc thi hùng biện phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu mà em tham gia, em sẽ nói những gì?" thí sinh Đinh Gia Hân, lớp 6C, Trường trung học cơ sở thị trấn Quỳnh Côi, huyện Quỳnh Phụ (tỉnh Thái Bình) đã có phần hùng biện đầy cuốn hút với một tâm thế tự tin và chinh phục được Ban giám khảo để giành giải Nhất.
Nhận xét về phần trình bày của các thí sinh trong cuộc thi chung kết, bà Đoàn Thị Tuyết Nga, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và khoa học công nghệ (Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai), thành viên Ban Giám khảo cho biết: Nếu đánh giá một cách khách quan về nội dung câu trả lời của các con mới chỉ đạt đến điểm 8,5 và điểm 9, tuy nhiên, với lứa tuổi học sinh có thể đạt đến điểm đó đã là rất xuất sắc.
“Hôm nay của các thí sinh thật sự gây áp lực cho Ban giám khảo, bởi vì mỗi phần thi đều thể hiện sự hiểu biết của các con về thiên tai và biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, kỹ năng thuyết trình và ngôn ngữ tiếng Anh của các con cũng rất tốt. Tôi cảm thấy rất tự hào vì thế hệ trẻ của chúng ta có những nhân tố xuất sắc như các con”, bà Nga chia sẻ.
Tôi cảm thấy rất tự hào vì thế hệ trẻ của chúng ta có những nhân tố xuất sắc như các con.
Đoàn Thị Tuyết Nga, thành viên Ban Giám khảo cuộc thi.
Theo bà Nga, các thí sinh lọt vào vòng chung kết sẽ được cho bộ chủ đề trước để chuẩn bị, thí sinh được phép chuẩn bị slide ở nhà để thuyết trình. Tuy nhiên, sau khi khai mạc cuộc thi, các thí sinh mới được bốc chủ đề để trình bày. Thời gian chuẩn bị là 10 phút, mỗi thí sinh sẽ có 5 phút để hùng biện cho câu hỏi của mình.
“Ban giám khảo đã tranh luận vô cùng quyết liệt để lựa chọn ra thí sinh đạt giải Nhất. Vì phần trình bày hôm nay của các con vô cùng xuất sắc, đặc biệt là phần trình bày của thí sinh đạt giải Nhất và giải Nhì điểm số rất sát nhau. Phần trình bày của Gia Hân có phần nổi bật hơn, con đã có sự chuẩn bị rất tốt và không bị áp lực. Còn phần trình bày của thí sinh Minh Ngọc (Hà Nội), thí sinh có điểm số sát nút với Gia Hân, do con bị áp lực hơn nên khi trình bày con không được tự tin như Gia Hân. Chiến thắng của Gia Hân hôm nay đến từ sự tự tin của con”, đại diện Ban giám khảo chia sẻ.
Phát biểu tại cuộc thi, ông Lý Phát Việt Linh, Đại diện UNICEF chia sẻ, cuộc thi hùng biện tiếng Anh dành cho trẻ em về Phòng chống thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu là nơi để những trí tuệ trẻ trên khắp Việt Nam cùng nhau góp tiếng nói và hành động để giải quyết một trong những thách thức cấp bách nhất của nhân loại.
Theo ông Linh, Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới đang phải đối mặt với thiên tai, biến đổi khí hậu, gây thiệt hại nặng nề về con người, tài sản và môi trường sống. Các đợt nắng nóng, ngập lụt, bão, sự kiện cực đoan khác đang ảnh hưởng đến sức khỏe, sự phát triển, an toàn và khả năng tiếp cận các dịch vụ thiết yếu của trẻ em. Những tác động này không tương đồng, đặc biệt ảnh hưởng đến nhóm trẻ yếu thế như trẻ em dân tộc sống ở vùng sâu, vùng xa, trẻ khuyết tật, sống trong cảnh nghèo khó, trẻ em gái.
“Tại UNICEF, trẻ em và thanh thiếu niên là trung tâm của công tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu. Thế hệ trẻ sẽ thừa hưởng hành tinh này; cùng với đó là trách nhiệm bảo vệ con người, môi trường sinh thái. Đây là một nhiệm vụ nặng nề nhưng các bạn trẻ không đơn độc vì luôn có sự đồng hành, ủng hộ của các cơ quan Chính phủ, nhà trường, cộng đồng”, ông Linh nhấn mạnh.
10 Topic các thí sinh tham gia vòng chung kết phải hùng biện bằng tiếng Anh gồm:
1. Trong buổi chào cờ tới tại trường mình, nếu em được chia sẻ về cuộc thi hùng biện Phòng chống thiên tai và Biến đối khí hậu mà em tham gia, em sẽ nói những gì?
2. Nếu em được trò chuyện với các bạn học sinh sống trong khu vực bị ảnh hưởng của cơn bão số 3 - Yagi, em sẽ chia sẻ với các bạn những gì?
3. Nếu giành giải nhất ở cuộc thi hùng biện này, em sẽ có kế hoạch gì để truyền cảm hứng, phát động phong trào phòng, chống thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu lan rộng hơn nữa?
4. Nếu em phải thuyết phục lãnh đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc đưa nội dung phòng, chống thiên tai thành môn học bắt buộc ở trường học, em sẽ nói những gì?
5. Trong thiên tai, trẻ em được coi là đối tượng dễ bị tổn thương, nhưng trẻ em cũng là nhân tố thay đổi trong công tác phòng, chống thiên tai. Bạn nghĩ sao về điều này?
6. Ngày nay, mạng xã hội đang đóng góp mạnh mẽ vào việc chia sẻ thông tin và định ra xu hướng cho xã hội, theo em, những KOL trẻ có thể thúc đẩy hiệu quả thế nào cho công tác phòng, chống thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu?
7. Các bạn trẻ như em có thể đóng góp được gì trong công tác phòng, chống thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu ở Việt Nam?
8. Năm 2025, chủ đề của COP30 là “Công lý khí hậu và chuyển đổi dân chủ”, nếu bạn đại diện cho trẻ em - thanh thiếu niên Việt Nam tham gia COP30 và có 5 phút để chia sẻ, bạn sẽ nói gì với các nhà lãnh đạo toàn cầu về công tác phòng, chống thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu ở Việt Nam để hưởng ứng chủ đề của COP30.
9. Bạn hãy chia sẻ kinh nghiệm hoặc ý tưởng của bạn về cách trẻ em thanh thiếu niên có thể vận động thay đổi chính sách, và hành động ứng phó thiên tai, biến đổi khí hậu ở cấp địa phương, quốc gia và toàn cầu.
10. Chủ đề năm nay là “Trao quyền cho thế hệ trẻ vì một tương lai an toàn trước thiên tai”, theo em liệu thế hệ đi trước có đặt quá nhiều gánh nặng lên thế hệ trẻ hay không?