Bộ Y tế chỉ đạo sẵn sàng chuẩn bị khu vực cách ly dịch bệnh bạch hầu

Cục Quản lý khám, chữa bệnh yêu cầu chuẩn bị sẵn sàng khu vực cách ly, buồng bệnh cách ly, cơ số thuốc, thiết bị y tế, vật tư, phương tiện phòng hộ cá nhân, hóa chất khử khuẩn để cấp cứu, điều trị bệnh.

Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) vừa có Công văn khẩn số 1105/KCB-NV về việc tăng cường công tác chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu gửi Sở Y tế tỉnh Nghệ An và Sở Y tế tỉnh Bắc Giang.

Theo đó, trước tình hình bệnh dịch bạch hầu diễn biến phức tạp tại tỉnh Nghệ An, Bắc Giang và đã ghi nhận ca tử vong, nhằm tăng cường phát hiện sớm ca bệnh, cách ly, điều trị đúng, kịp thời và giảm tối đa số ca bệnh tử vong, Cục Quản lý khám, chữa bệnh yêu cầu các đơn vị khẩn trương tập huấn nhắc lại hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu ban hành kèm theo Quyết định số 2957/QĐ-BYT của Bộ Y tế ngày 10-7-2020 cho toàn bộ nhân viên y tế tham gia công tác khám, chữa bệnh (kể cả cơ sở y tế tư nhân) nhằm phát hiện sớm ca bệnh nghi ngờ để cách ly, điều trị sớm.

Ngoài ra, các ca bệnh lâm sàng nghi ngờ, nghĩ tới bạch hầu cần hội chẩn với tuyến trên để ưu tiên sử dụng sớm huyết thanh kháng độc tố bạch hầu (hội chẩn để sử dụng và được phân bổ huyết thanh) và lựa chọn kháng sinh theo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu; đồng thời, triển khai thực hiện ngay việc lấy mẫu làm xét nghiệm nhuộm soi tìm vi khuẩn sớm để định hướng điều trị.

“Chuẩn bị sẵn sàng khu vực cách ly, buồng bệnh cách ly, cơ số thuốc, thiết bị y tế, vật tư, phương tiện phòng hộ cá nhân, hóa chất khử khuẩn để cấp cứu, điều trị bệnh. Đồng thời, tuân thủ các biện pháp phòng ngừa chuẩn và phòng ngừa dựa trên đường lây truyền cho nhân viên y tế trong quá trình khám, chữa bệnh như sử dụng khẩu trang, vệ sinh tay, vệ sinh môi trường bề mặt...”, Cục Quản lý khám, chữa bệnh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, triển khai cho người tiếp xúc uống thuốc kháng sinh dự phòng theo hướng dẫn. Đồng thời, tăng cường truyền thông trong bệnh viện để người bệnh, người nhà người bệnh biết được các dấu hiệu của bệnh để đi khám sớm và nắm được các biện pháp phòng bệnh.

Trước đó, qua phân tích mẫu xét nghiệm các trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh M.T.B (sinh năm 2006, quê ở huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An), đang tạm trú tại thôn Trung Tâm, xã Hợp Thịnh (huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang), chiều 10-7, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương xác định, có thêm một trường hợp dương tính với bệnh bạch hầu. Ca bệnh này là B.H.G (sinh năm 1995), tạm trú tại thôn Trung Hòa, xã Mai Trung, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang (thường trú tại xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình).

B.H.G. là một trong 16 trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh M.T.B. Từ ngày 25 đến 28-6, M.T.B ở chung phòng tại ký túc xá Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Kỳ Sơn (tỉnh Nghệ An) với cô gái 18 tuổi tử vong do bạch hầu.

Bệnh bạch hầu là bệnh truyền nhiễm lây truyền nhanh

Thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh bạch hầu thuộc nhóm B (là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong) trong Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm của nước ta.

Bệnh bạch hầu do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra. Đây là trực khuẩn hình que hơi phình một đầu hình chùy, Gram dương, hiếu khí, không sinh nha bào, không có vỏ, không di động.

Trực khuẩn Bạch hầu nhuộm bằng kỹ thuật xanh methylene (nguồn: CDC)

Trực khuẩn Bạch hầu nhuộm bằng kỹ thuật xanh methylene (nguồn: CDC)

Vi khuẩn gây bệnh chủ yếu bằng ngoại độc tố (exotoxin) dẫn đến phù nề, sau đó hoại tử và loét niêm mạc, tạo ra các giả mạc bám chặt vào niêm mạc.

Nguồn gây bệnh bạch hầu là các bệnh nhân nhiễm bệnh hoặc người lành mang vi khuẩn nhưng không biểu hiện bệnh.

Bệnh chủ yếu lây qua đường hô hấp khi tiếp xúc với giọt bắn của người nhiễm bệnh lúc ho, hắt hơi.

Ngoài ra, bệnh có thể lây qua con đường gián tiếp khi tiếp xúc với đồ vật bị nhiễm dịch mũi hầu từ người bệnh. Bệnh cũng có thể lây nhiễm khi tiếp xúc với vùng da tổn thương do bạch hầu.

Tiêm vaccine để phòng bệnh bạch hầu

Bệnh bạch hầu có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, gọi là bạch hầu ác tính, nếu không được điều trị kịp thời. Các biến chứng thường gặp nhất là biến chứng tim (thường là viêm cơ tim và rối loạn dẫn truyền trong tim) và thần kinh (gây liệt). Ngoài ra có thể gặp biến chứng trên thận, gan, tuyến thượng thận…

Tất cả người bệnh nghi bạch hầu phải được vào viện để cách ly, theo dõi, chẩn đoán và điều trị. Nhà ở của người bệnh, dụng cụ trong phòng, đồ dùng, quần áo của người bệnh phải được tẩy uế và sát khuẩn. Thực hiện rửa tay đúng quy cách bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.

Người tiếp xúc với bệnh nhân bạch hầu cần được sử dụng kháng sinh dự phòng.

Vaccine bạch hầu có vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ cơ thể tránh nhiễm bệnh và làm giảm tỷ lệ mắc bệnh trong quần thể dân số nói chung.

Do đó, trẻ em cần được tiêm chủng đầy đủ vaccine (Bạch hầu – Ho gà – Uốn ván, DPT) theo chương trình tiêm chủng. Người lớn nên tiêm nhắc lại vaccine bạch hầu mỗi 10 năm để củng cố khả năng miễn dịch của cơ thể.

PV

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/bo-y-te-chi-dao-san-sang-chuan-bi-khu-vuc-cach-ly-dich-benh-bach-hau-10285298.html