Healthy life style của gen Z trước deadline hàng ngày

Nhịp sống gấp gáp của công việc, học tập và những deadline hàng ngày dày đặc đưa nhiều người trẻ vào cuộc đua không ngừng. Trước áp lực ấy, thế hệ gen Z đã chọn healthy life style (lối sống tích cực) như thế nào?

Gen Z là thế hệ lớn lên trong thời kỳ bùng nổ công nghệ số, mạng xã hội và bị đặt vào một cuộc đua không ngừng với các tiêu chuẩn về sự thành công. Ảnh minh họa: Ngọc Duy

Gen Z là thế hệ lớn lên trong thời kỳ bùng nổ công nghệ số, mạng xã hội và bị đặt vào một cuộc đua không ngừng với các tiêu chuẩn về sự thành công. Ảnh minh họa: Ngọc Duy

Trong guồng quay của thời đại công nghiệp 4.0, thế hệ gen Z phải gánh trên vai khối áp lực nặng nề từ chính bản thân, gia đình và xã hội. Cuộc chạy đua không ngừng với các tiêu chuẩn khiến họ dễ đánh mất phương hướng và rơi vào trầm cảm.

Tâm tư gen Z

Cuộc sống thay đổi nhanh chóng, trách nhiệm và chi phí tăng cao khiến nhiều người rơi vào tình trạng căng thẳng mệt mỏi dẫn đến stress. Trong đó, stress công việc là mối bận tâm hàng đầu.

Nếu như trước đây, phụ nữ thường bị bó buộc với việc ở nhà làm nội trợ thì giờ đây, họ có quyền được lựa chọn công việc mình yêu thích. Họ vừa là người vợ, người mẹ chăm sóc gia đình, vừa làm việc để san sẻ gánh nặng tài chính của gia đình và tham gia công tác xã hội. Cũng từ đây, không ít chị em gặp nhiều áp lực không chỉ với công việc mà còn từ phía gia đình.

Bạn Dương Thị Thùy Trang (24 tuổi, ở làng Út 1, xã Ia Hrung, huyện Ia Grai) chia sẻ: Từ lúc có con đến giờ, hầu như bản thân luôn tất bật, ít có thời gian thư giãn hay nghỉ ngơi. Cứ sáng ngủ dậy là lo cho con ăn uống, đi học rồi chạy vội đến chỗ làm, tối đến lại lo đi chợ, nấu cơm, chăm con.

“Tôi chịu rất nhiều áp lực khi vừa làm việc liên tục với cường độ cao để đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ ở cơ quan, trong khi đó, việc nhà lại quá nhiều, con còn nhỏ nên mình không thể tập trung hoàn thành công việc tốt được. Đôi lúc còn bị chồng và mọi người giận dỗi vì mình chỉ biết chăm chăm vào công việc mà ít quan tâm đến gia đình”-Trang tâm sự.

Nhiều gen Z bị “hao pin” bởi hàng tá deadline hàng ngày chồng chất phải giải quyết. Ảnh: Đồng Lai

Nhiều gen Z bị “hao pin” bởi hàng tá deadline hàng ngày chồng chất phải giải quyết. Ảnh: Đồng Lai

Để có thể đạt được mục tiêu bản thân đặt ra, nhiều gen Z bị cuốn vào vòng xoáy công việc. Họ làm việc một cách điên cuồng đến quên ăn, quên ngủ và thậm chí không có khái niệm nghỉ ngơi.

Bạn Nguyễn Tam Minh (25 tuổi, trú tại tổ 4, phường Tây Sơn, TP. Pleiku) thổ lộ: Bản thân mình cũng là một người "workaholic-nghiện việc". Hay bị cuốn vào vòng xoáy công việc đến mức không biết mệt là gì. Có một thời gian dài mình hầu như chỉ ở trong vòng lặp: thức dậy-làm việc-ngủ và lại thức dậy.

Bạn Minh chia sẻ: “Cuộc sống ngày càng hiện đại, đòi hỏi chúng tôi phải nỗ lực từng ngày để có thể theo kịp với guồng quay hối hả, nếu không cố gắng sẽ bị rơi lại phía sau và thụt lùi so với xã hội. Bởi lẽ đó, giới trẻ ngày nay luôn cố gắng làm việc, học tập, trau dồi để khẳng định vị thế của bản thân”.

Bên cạnh những thành công nhất định, điều đáng quan tâm là nhiều bạn trẻ bị bào mòn sức lực cả về thể chất lẫn tinh thần mà chính họ không nhận thấy. Bởi họ luôn phải đối mặt với một deadline sát nút hoặc nhiệm vụ đầy thách thức của công việc và cuộc sống.

“Dường như sức khỏe của mình yếu dần đi sau chuỗi ngày làm việc thâu đêm suốt sáng, có lần mình phải nhập viện trong tình trạng suy nhược cơ thể”-Minh trải lòng.

Clip: Những chia sẻ của gen Z để healthy life style trước deadline hàng ngày. Thực hiện: Đồng Lai

Healthy life style

Áp lực cuộc sống ngày nay có thể khiến chúng ta cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi và mất cân bằng, có lúc tưởng như những viên đá chênh vênh xếp chồng chất nhau. Vì vậy, nhiều bạn gen Z hướng đến healthy life style-lối sống tích cực-để chữa lành bản thân và nhanh chóng lấy lại tinh thần. Đồng thời, xây dựng khả năng chịu đựng, kiểm soát cảm xúc, tự yêu thương sẽ giúp gen Z vượt qua áp lực, stress và tìm kiếm sự cân bằng trong cuộc sống.

Bạn Nguyễn Ngọc Thanh Ngân (21 tuổi, tổ 3, phường Tây Sơn, TP. Pleiku) chia sẻ: Để luôn giữ được tâm trạng thoải mái, Ngân luôn cố gắng kìm nén cảm xúc bản thân và thường xuyên đi tìm niềm vui như đọc sách, đi bộ hay nấu ăn để giải tỏa tâm trạng... Đồng thời, dành nhiều thời gian cho việc nâng cao kiến thức, những lúc buồn chán thì Ngân sẽ đi ngủ hoặc là trò chuyện với những người bạn của mình.

“Hay trong quá trình làm việc, mỗi khi cảm thấy stress hay mệt mỏi với công việc, tôi thường dành ra vài phút nghỉ giải lao và lắng nghe những bản nhạc có giai điệu nhẹ nhàng, điều này giúp tôi ngăn ngừa kiệt sức và làm việc năng suất hơn. Ngoài ra, tôi thường thiết lập một danh sách công việc ưu tiên từ đầu tuần và sắp xếp chúng theo mức độ quan trọng”-Ngân nói thêm.

Còn theo bạn Bùi Thanh Lâm (18 tuổi, tổ 6, phường Thống Nhất, TP. Pleiku) thì: Khi bản thân rơi vào trạng thái căng thẳng, stress do công việc quá nhiều, Lâm hay chia sẻ những băn khoăn của mình với gia đình, bạn bè. Nhờ đó, tìm ra giải pháp xử lý công việc trôi chảy hơn.

Dù đang chạy với quá nhiều tab mở trong đầu nhưng thế hệ gen Z cũng là những người tiên phong trong việc tìm hiểu và chăm sóc sức khỏe tinh thần. “Có những lúc stress quá, mình và công việc tạm thời chia tay nhau và quyết định “off” vài ngày để xả hơi, vi vu trên những cung đường Tây Nguyên để hòa mình vào thiên nhiên hay thưởng thức những món ăn ngon để chữa lành bản thân”-Lâm chia sẻ.

Trong khi đó, Rơ Châm Lâm-Tiểu đội trưởng Tiểu đội vệ binh (Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh) thì cho biết: Công việc ở đây đặc thù và có nhiều sự khác biệt với thế giới bên ngoài. Chế độ sinh hoạt và làm việc rất kỷ luật đôi lúc tạo cho mình ít nhiều căng thẳng. Nên đội ngũ cán bộ quản lý thường tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục-thể thao, giao lưu kết nghĩa cũng như tạo môi trường văn hóa lành mạnh, phong phú cho các đồng chí, đồng đội.

Những chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai healthy life style sau thời gian căng thẳng. Ảnh: NVCC

Những chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai healthy life style sau thời gian căng thẳng. Ảnh: NVCC

“Ngoài những lúc tập trung cho nhiệm vụ, vào lúc rảnh hoặc chiều tối tôi cùng các đồng chí, đồng đội ăn uống, ca hát, tâm sự, đọc sách,... với nhau để giúp tâm hồn được vui tươi hơn. Hay tận dụng thời gian nghỉ phép về nhà đoàn tụ cùng gia đình, vui chơi với bạn bè và làm những việc mình yêu thích để thoát ly công việc hoặc những tác nhân gây căng thẳng khác.

Đặc biệt, không để những lời nói, lời phán xét của người khác áp đặt lên mình, bởi điều này gây ra sự mệt mỏi và căng thẳng. Cứ cố gắng trở thành một người lạc quan và truyền năng lượng tốt đẹp cho mọi người xung quanh mình là được”-Lâm bộc bạch.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Linh-Phó trưởng Khoa Dinh dưỡng (Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai) cho rằng: Trong công việc, nếu để căng thẳng kéo dài bạn sẽ bị mất tập trung, tinh thần không thoải mái và công việc sẽ bị trì trệ từ ngày này qua ngày khác. Ngoài ra, căng thẳng kéo dài cũng vô tình gây ra rất nhiều chứng bệnh như béo phì, tim mạch, rụng tóc, các vấn đề về sức khỏe tâm thần,… Bởi thế, gen Z cần biết cách cân bằng cảm xúc, bố trí công việc và nghỉ ngơi hợp lý để có được trạng thái sức khỏe, tinh thần tốt nhất, từ đó giúp hiệu quả công việc, học tập đạt cao hơn.

Clip: Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Linh-Phó trưởng Khoa Dinh dưỡng (Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai) chia sẻ cách healthy life style. Thực hiện: Đồng Lai

ĐỒNG LAI

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/healthy-life-style-cua-gen-z-truoc-deadline-hang-ngay-post284151.html