Bộ Y tế đề xuất quy định mới về công bố, đăng ký sản phẩm thực phẩm

Bộ Y tế đang dự thảo Nghị quyết của Chính phủ quy định về công bố, đăng ký sản phẩm thực phẩm nhằm tăng cường quản lý doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thực phẩm, nâng cao hiệu quả bảo đảm an toàn và chất lượng sản phẩm thực phẩm.

Thực phẩm bổ sung và sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ đến 36 tháng tuổi, dự thảo đề xuất thực hiện thủ tục đăng ký bản công bố sản phẩm thực phẩm. Ảnh minh họa: istockphoto

Thực phẩm bổ sung và sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ đến 36 tháng tuổi, dự thảo đề xuất thực hiện thủ tục đăng ký bản công bố sản phẩm thực phẩm. Ảnh minh họa: istockphoto

Theo Bộ Y tế, Luật An toàn thực phẩm năm 2010 cùng Nghị định 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ đã thiết lập nền tảng pháp lý trong quản lý an toàn thực phẩm, hướng tới giảm thiểu thủ tục hành chính, tiết kiệm chi phí và thời gian cho doanh nghiệp. Ước tính, các quy định tại Nghị định 15/2018/NĐ-CP đã giúp cắt giảm hơn 90% chi phí hành chính, tiết kiệm khoảng 10 triệu ngày công lao động và 3.700 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trên thực tế, cơ chế tự công bố đã bộc lộ nhiều bất cập, đặc biệt là với nhóm thực phẩm như thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ. Tình trạng một số doanh nghiệp lợi dụng chính sách linh hoạt để tự xếp loại sản phẩm, tự công bố không đúng tính chất đã dẫn tới việc nhiều sản phẩm kém chất lượng, thậm chí giả mạo, ngang nhiên lưu thông trên thị trường.

Thời gian vừa qua liên tục xảy ra các vụ việc như thực phẩm bổ sung giả, sữa bột giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả với quy mô lớn, gây bức xúc dư luận. Thủ tướng Chính phủ đã có các Công điện: Công điện số 40/CĐ-TTg ngày 17/4/2015, 41/CĐ-TTg ngày 17/4/2025, 55/CĐ-TTg ngày 02/5/2025, 65/CĐTTg ngày 15/5/2025, 72/CĐ-TTg ngày 24/5/2025 và Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 17/05/2025 chỉ đạo Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ, cùng với các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát các vướng mắc, bất cập trong các quy định của pháp luật để kịp thời sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung đối với các vấn đề vượt thẩm quyền.

Từ thực tế những vụ việc gần đây cho thấy cả Luật và Nghị định số 15/2018/NĐ-CP đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, đặc biệt là các quy định liên quan đến tự công bố, đăng ký bản công bố và quảng cáo thực phẩm và đây là những vấn đề nóng, được dư luận quan tâm và cần được sửa đổi, bổ sung ngay để phù hợp với thực tiễn và yêu cầu quản lý trong tình hình mới.

Do vậy, Bộ Y tế đang dự thảo Nghị quyết mới với mục tiêu tháo gỡ các khó khăn, đồng thời tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực an toàn thực phẩm. Trong đó, điểm nhấn đáng chú ý là việc phân loại rõ hai cơ chế công bố sản phẩm: công bố tiêu chuẩn áp dụng (tự công bố) và đăng ký bản công bố sản phẩm thực phẩm.

Cụ thể, đối với các sản phẩm có mức độ rủi ro thấp như thực phẩm đã qua chế biến, phụ gia thực phẩm, dụng cụ bao gói thực phẩm không có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc không có chỉ tiêu chất lượng cụ thể, doanh nghiệp vẫn được áp dụng hình thức tự công bố.

Ngược lại, với nhóm sản phẩm có nguy cơ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cộng đồng như thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, thực phẩm bổ sung và sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ đến 36 tháng tuổi, dự thảo đề xuất thực hiện thủ tục đăng ký bản công bố sản phẩm thực phẩm

Đối với sản phẩm, nguyên liệu sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu chỉ dùng để sản xuất, gia công hàng xuất khẩu hoặc phục vụ cho việc sản xuất nội bộ của tổ chức, cá nhân không tiêu thụ tại thị trường trong nước, sản phẩm nhập khẩu nhằm phục vụ viện trợ được miễn thực hiện thủ tục công bố tiêu chuẩn áp dụng.

Dự thảo cũng nêu rõ, đối với sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, thực phẩm bổ sung; sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi nhập khẩu nhằm phục vụ viện trợ được miễn thực hiện thủ tục tự công bố chất lượng, đăng ký bản công bố sản phẩm thực phẩm.

Bên cạnh việc quy định rõ ràng từng nhóm sản phẩm và thủ tục tương ứng, Bộ Y tế đề xuất tăng cường công tác hậu kiểm, đồng thời có cơ chế thu hồi Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, gỡ bỏ thông tin sản phẩm vi phạm trên cổng thông tin của cơ quan quản lý.

Theo Bộ Y tế, việc ban hành Nghị quyết là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh hiện nay nhằm tăng cường quản lý doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thực phẩm, nâng cao hiệu quả bảo đảm an toàn và chất lượng sản phẩm thực phẩm; tăng cường công tác hậu kiểm để nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Dự thảo hiện đang được công bố để lấy ý kiến rộng rãi của Nhân dân tại Cổng thông tin điện tử Chính phủ.

Mây Hạ

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/bo-y-te-de-xuat-quy-dinh-moi-ve-cong-bo-dang-ky-san-pham-thuc-pham-425973.html