H&M: Việt Nam là thị trường sản xuất quan trọng đối với Tập đoàn H&M
Đại diện H&M khẳng định, Việt Nam giữ vai trò trọng yếu trong chiến lược dài hạn của Tập đoàn, không chỉ là cơ sở sản xuất mà còn là thị trường tiêu dùng đang nổi.
Việt Nam: Đối tác sản xuất chủ lực và thị trường tăng trưởng
Theo thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, kiêm nhiệm thị trường Bắc Âu, Tập đoàn thời trang toàn cầu H&M sẽ cử đoàn thu mua cấp cao tham dự chuỗi sự kiện Viet Nam International Sourcing 2025 do Bộ Công Thương phối hợp với UBND TP. Hồ Chí Minh tổ chức từ ngày 4 - 6/9/2025 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm SECC TP. Hồ Chí Minh.
Sự hiện diện lần đầu tiên của Tập đoàn H&M tại Viet Nam International Sourcing cùng các doanh nghiệp Bắc Âu khẳng định sự quan tâm ngày càng lớn và xu hướng dịch chuyển mạnh mẽ trong việc tìm kiếm nguồn cung từ các doanh nghiệp Việt Nam, mở ra cơ hội nâng tầm vị thế của ngành xuất khẩu Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Nhân dịp lần đầu tiên tham gia sự kiện Viet Nam International Sourcing 2025, trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, đại diện Tập đoàn H&M nhấn mạnh: “Việt Nam là một thị trường sản xuất quan trọng đối với Tập đoàn H&M”.

Cửa hàng H&M đầu tiên được mở tại Đà Nẵng (Ảnh minh họa)
Theo đó, Việt Nam được đánh giá cao với nhiều lợi thế như năng lực sản xuất đa dạng, vị trí gần các trung tâm cung ứng lớn và cam kết mạnh mẽ đối với tăng trưởng bền vững và năng lực cạnh tranh. Những nỗ lực của Việt Nam trong việc nội địa hóa sản xuất, đặc biệt ở lĩnh vực nguyên vật liệu và đầu vào phù hợp với mục tiêu dài hạn của H&M Group là xây dựng chuỗi cung ứng có khả năng chống chịu và tuần hoàn.
Bên cạnh đó, việc Việt Nam tích cực tham gia các hiệp định thương mại lớn như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) mang lại khả năng tiếp cận thị trường đáng kể, đặc biệt là với EU. Không chỉ là một cơ sở sản xuất chủ chốt, Việt Nam còn là một thị trường tiêu dùng đang nổi, có tiềm năng cho mở rộng bán lẻ trong tương lai. H&M đã khai trương cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2017 và hiện có 14 cửa hàng cùng kênh bán hàng trực tuyến phục vụ khách hàng trên toàn quốc. H&M đang tạo việc làm cho hơn 300 nhân viên tại các cửa hàng, văn phòng và trung tâm phân phối.
“Con số này chắc chắn sẽ tiếp tục tăng khi chúng tôi mở thêm các cửa hàng mới để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng Việt”, đại diện H&M cho biết.
Chia sẻ về tiêu chí lựa chọn nhà cung cấp, đại diện H&M khẳng định Tập đoàn áp dụng quy trình đánh giá chặt chẽ, ưu tiên tính bền vững và quan hệ đối tác chiến lược lâu dài. Các yếu tố cốt lõi gồm: năng lực sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng và sản lượng toàn cầu; minh bạch và khả năng truy xuất nguồn gốc; tuân thủ các chuẩn mực về môi trường, xã hội và lao động.
“Chúng tôi đặt sự minh bạch và phát triển bền vững làm nền tảng. Các đối tác cần đáp ứng những yêu cầu nghiêm ngặt về môi trường làm việc lành mạnh, bảo vệ môi trường và phúc lợi động vật” - đại diện H&M nhấn mạnh.

Đại sứ Việt Nam tại Thụy Điển Trần Văn Tuấn (thứ 2 từ phải sang), bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy - Vụ trưởng, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển làm việc với đại diện Tập đoàn H&M về việc tham gia Vietnam International Sourcing 2025 (Ảnh: Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển)
Tại Hội chợ Viet Nam International Sourcing 2025, H&M đặc biệt tìm kiếm các đối tác Việt Nam có cùng cam kết thúc đẩy các thực hành sản xuất bền vững. Đại diện H&M cho hay: “Chúng tôi kỳ vọng hợp tác với các doanh nghiệp chủ động cải thiện hiệu quả môi trường thông qua giảm phát thải carbon, sử dụng nguyên liệu có trách nhiệm, đổi mới trong thiết kế hoặc quy trình sản xuất tiết kiệm tài nguyên hơn”.
Hướng đi cho doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu
Từ kinh nghiệm làm việc với hàng nghìn nhà cung cấp trên toàn thế giới, H&M cho rằng yếu tố quyết định để doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi cung ứng thời trang toàn cầu là sự kết hợp giữa năng lực vận hành xuất sắc và thành tích về phát triển bền vững.
“Các nhà cung cấp cần tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời sớm cam kết sử dụng năng lượng tái tạo, đặt mục tiêu khí hậu rõ ràng và minh bạch trong thực hành ESG. Đây sẽ là lợi thế cạnh tranh then chốt trong bối cảnh các thương hiệu toàn cầu và cơ quan quản lý đều nâng cao kỳ vọng về giảm phát thải” - đại diện H&M khuyến nghị.
Vị này cũng nhấn mạnh rằng minh bạch và điều kiện lao động công bằng trong toàn bộ chuỗi giá trị là yêu cầu bắt buộc. “Chúng tôi tin rằng hợp tác với những nhà cung cấp cùng chia sẻ tầm nhìn sẽ tạo ra thay đổi có ý nghĩa và tăng tốc tiến trình xây dựng một ngành thời trang tuần hoàn bền vững hơn”, đại diện H&M khẳng định.
Với mạng lưới hoạt động toàn cầu, H&M được xem là một trong những thương hiệu tiên phong trong việc xây dựng chuỗi cung ứng xanh, đề cao tiêu chí minh bạch, bền vững và trách nhiệm xã hội. Sự có mặt của H&M tại Viet Nam International Sourcing không chỉ mang lại cơ hội hợp tác cụ thể cho các nhà cung cấp Việt Nam, mà còn góp phần nâng cao hình ảnh hàng hóa, doanh nghiệp Việt Nam. Đồng thời cho thấy Viet Nam International Sourcing là một điểm hẹn uy tín cho các thương hiệu toàn cầu tìm kiếm nguồn cung ứng tại Việt Nam.
Viet Nam International Sourcing 2025 tiếp tục được Bộ Công Thương tổ chức tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), với quy mô mở rộng lên hơn 500 doanh nghiệp trưng bày và khoảng 300 đoàn thu mua quốc tế. Các nhóm ngành trọng tâm bao gồm: thực phẩm - đồ uống, hàng tiêu dùng, nội thất, thời trang, nguyên phụ liệu và công nghiệp hỗ trợ.