Bộ Y tế đề xuất sửa quy định thực phẩm bổ sung
Tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2018/NĐ-CP, Bộ Y tế đề xuất bổ sung quy định giải thích về định thực phẩm bổ sung.
Bộ Y tế cho biết, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 02/02/2018 (thay thế Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25/4/2012) quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm. Nghị định này quản lý thực phẩm theo hướng đơn giản hóa hồ sơ, trình tự thủ tục, thông thoáng cơ chế tiền kiểm; tăng cường phân cấp cho địa phương giải quyết tiếp nhận hồ sơ công bố hầu hết các sản phẩm thực phẩm và tăng cường công tác hậu kiểm. Đến nay Nghị định này cũng đã triển khai thi hành được 6 năm.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Nghị định số 15/2018/NĐ-CP đã phát sinh một số vấn đề bức thiết cần phải được xem xét sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn và yêu cầu quản lý về an toàn thực phẩm trong bối cảnh tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính và tăng cường biện pháp quản lý hậu kiểm để nâng cao chất lượng thực phẩm.

Bộ Y tế đề xuất quy định mới nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm thực phẩm, trong đó có thực phẩm chức năng. Ảnh minh họa
Hiện, Bộ Y tế đang lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm nhằm mục đích để giải quyết kịp thời các tồn tại, bất cập bức thiết.
Trong đó, tại dự thảo, Bộ Y tế đề xuất bổ sung khái niệm thực phẩm bổ sung (Supplemented Food) là thực phẩm thông thường được bổ sung vi chất và các yếu tố có lợi cho sức khỏe như vitamin, khoáng chất, axit amin, axit béo, enzym, probiotic, prebiotic và chất có hoạt tính sinh học khác, được dùng để bổ sung thêm vào chế độ ăn uống hàng ngày.
"Thực phẩm bổ sung chỉ được công bố thành phần bổ sung. Không được ghi, công bố khuyến cáo sức khỏe hoặc công dụng của thành phẩn bổ sung", dự thảo nêu rõ.
Theo Bộ Y tế, cơ sở thực tiễn của đề xuất này là hiện nay Nghị định số 15/2018/NĐ-CP chưa quy định và làm rõ các khái niệm trên, dẫn đến doanh nghiệp khó phân loại sản phẩm hoặc phân loại không đúng bản chất của sản phẩm công bố.
Bên cạnh đó, trước thực trạng thị trường thực phẩm phát triển mạnh với hơn 84.000 sản phẩm thực phẩm thông thường và hơn 54.500 sản phẩm thực phẩm chức năng, dự thảo Nghị định đưa ra nhiều quy định nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn.
Đó là quy định chỉ cơ sở sản xuất hoặc chủ sở hữu sản phẩm mới được phép đứng tên công bố sản phẩm; bổ sung thuyết minh thành phần sản phẩm trong hồ sơ công bố để ngăn chặn việc trộn nhiều chất không cần thiết, tiềm ẩn rủi ro sức khỏe.
Siết chặt việc thay đổi nội dung sản phẩm sau khi công bố, bắt buộc công bố lại nếu thay đổi về thành phần, công dụng, hàm lượng, cơ sở sản xuất…; quy định thu hồi giấy phép công bố đối với sản phẩm không lưu hành trong 3 năm.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bo-y-te-de-xuat-sua-quy-dinh-thuc-pham-bo-sung-374807.html