Bộ Y tế đến 'điểm nóng' dịch sởi tại TP.HCM

Ngay khi TP.HCM công bố dịch sởi trên toàn thành phố, các đơn vị y tế đã triển khai các phương án chống dịch nhanh chóng.

Sáng 29/8, Đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Liên Hương dẫn đầu đến kiểm tra tình hình chống dịch tại TP.HCM, trong bối cảnh ca bệnh sởi ngày càng tăng cao.

Ca sởi tăng dồn dập từ đầu tháng 8

Báo cáo tại buổi làm việc, TS.BS Ngô Ngọc Quang Minh, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết từ đầu năm đến nay ghi nhận 600 ca sốt xuất huyết, 32 ca nặng và một ca không qua khỏi. Trong khi đó, bệnh tay chân miệng ghi nhận 900 ca, có 77 ca nặng và một trường hợp không qua khỏi.

Riêng bệnh sởi, từ đầu năm đến nay bệnh viện ghi nhận 368 ca, đặc biệt là trong 6 tháng đầu năm không ghi nhận ca nào, chỉ tăng nhanh từ đầu tháng 8. Trong số ca sởi ghi nhận, có hơn 11% ca bệnh sởi nặng, cần nằm phòng hồi sức.

Các ca bệnh sởi có 66% là bệnh nhi đến từ các tỉnh lân cận, đa số trẻ dưới 12 tháng - nhóm có nguy cơ bị nặng nếu mắc sởi. Số trẻ có bệnh nền khoảng 25%. Riêng khoa Hồi sức nhiễm, từ tháng 6 đến nay có 42 trường hợp nặng, trong đó khoảng 75% bệnh nhân đến từ các tỉnh, 28% bệnh nhân phải thở máy, có bệnh nền là 60%.

"Một điều đáng lo là tỷ lệ trẻ mắc sởi mức độ nặng tiêm đủ 2 mũi vaccine là 0%, tỷ lệ chưa chích ngừa ở nhóm này là gần 85%. 50% trẻ bị nặng là dưới 1 tuổi. Bệnh viện đang cố gắng điều trị và chưa có ca không qua khỏi do sởi", bác sĩ Minh nói.

 Bệnh nhi mắc bệnh sởi diễn biến nặng được điều trị tích cực tại khoa Hồi sức nhiễm. Ảnh: Nguyễn Thuận.

Bệnh nhi mắc bệnh sởi diễn biến nặng được điều trị tích cực tại khoa Hồi sức nhiễm. Ảnh: Nguyễn Thuận.

Với ca bệnh rất nặng, bệnh viện đã dồn toàn lực điều trị. Một số trẻ phải thở máy thông số cao và được cứu sống.

Đơn cử là bé gái 9 tháng tuổi được chẩn đoán sởi biến chứng viêm phổi rất nặng, trên bệnh nền xơ gan, chưa tiêm vaccine phòng sởi. Trẻ phải nằm hồi sức thở máy, dùng kháng sinh 11 ngày. Hiện bé cai máy thở, ổn định và xuất viện hoàn toàn khỏe mạnh.

PGS.TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết tỷ lệ trẻ (mẫu ghi nhận ở Bệnh viện Nhi đồng 1) có kháng thể phòng bệnh sởi ghi nhận trong tháng 4 chỉ có 71%. Cuối 2023 thì giao động từ 44-59%.

Ngay từ đầu, Sở Y tế đã chủ động cho khảo sát, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) có ngân hàng huyết thanh chủ động nên có chứng cứ khoa học là tỷ lệ kháng thể thấp.

"Việc kháng thể thấp chứng minh miễn dịch cộng đồng chưa đạt. Giải pháp khẩn trương hiện nay là tiêm vaccine sởi", ông Thượng nói.

Đã có ca bệnh ở TP.HCM lây nhiễm sang tỉnh khác

Để dập dịch, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã thực hiện nhiều phương án đối phó như chuẩn bị dự trù nhân sự thuốc, vật tư, trang thiết bị sẵn sàng, phân luồng bệnh nhân. Ngoài ra, bệnh viện bố trí khu cách ly riêng một tầng, khoảng 100 giường bệnh.

Trong tình huống số ca tăng cao, vượt quá khả năng của khu cách ly thì bệnh viện sẽ mở rộng toàn bộ khoa Nhiễm riêng cho sởi, thêm tầng của khoa Hô hấp; trẻ bệnh nặng sẽ nằm ở khoa Hồi sức Nhiễm.

 Đoàn công tác của Bộ Y tế do PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Y tế, dẫn đầu đến kiểm tra công tác phòng chống và điều trị bệnh sởi ở Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: Nguyễn Thuận.

Đoàn công tác của Bộ Y tế do PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Y tế, dẫn đầu đến kiểm tra công tác phòng chống và điều trị bệnh sởi ở Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: Nguyễn Thuận.

Tuy nhiên, bệnh viện đang gặp khó khăn trong việc điều trị bệnh, cụ thể là không có thuốc Dopamine - loại thuốc rất quan trọng trong hồi sức cấp cứu cho các bệnh sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng. Bệnh viện phải tìm loại thuốc thay thế nhưng không thể đạt được hiệu quả 100% như Dopamine.

Hiện các bệnh viện tuyến cuối như Nhi đồng 1 tiếp nhận khoảng 75% là bệnh nhân từ tuyến dưới ở các tỉnh chuyển đến. Do đó, bệnh viện đề xuất Bộ Y tế tăng cường năng lực tuyến dưới để hạn chế chuyển tuyến, ngăn ngừa nguy cơ dịch lây lan cao.

Qua kiểm tra công tác phòng chống dịch sởi, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đánh giá cao sự chủ động của ngành y tế TP.HCM, nhanh chóng nhận định tình hình và công bố dịch khi số ca mắc tăng nhanh. Điều này giúp tập trung tất cả nguồn lực, cơ sở vật chất, ngân sách cho việc dập dịch kịp thời.

PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Nguyễn Thuận.

PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Nguyễn Thuận.

Trong giai đoạn này, TP.HCM ưu tiên tiêm vaccine sởi cho trẻ từ 1-5 tuổi, nhưng thời gian tới phải mở rộng ra tiêm vaccine cho trẻ đến 10 tuổi, chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi và nhân viên y tế có nguy cơ nhiễm bệnh.

Thứ trưởng Y tế cũng cho biết đã có trường hợp lây nhiễm từ TP.HCM về các tỉnh. Vì vậy, Bộ Y tế đề nghị TP.HCM thông tin thường xuyên với các tỉnh lân cận về những ca bệnh đang sinh sống tại tỉnh đó. Bộ Y tế đã gửi công văn đến các tỉnh lân cận để phối hợp phòng chống dịch với TP.HCM, phòng trường hợp ca nhiễm di chuyển đến các địa phương.

"Trong trường hợp thiếu thuốc điều trị, chúng tôi yêu cầu bệnh viện chủ động báo ngay về Cục quản lý dược để nhận được sự hỗ trợ, chia sẻ thông tin nhà cung cấp. Không đợi đến khi đoàn của Bộ vào đến nơi mới báo cáo", PGS Hương nhấn mạnh.

Nguyễn Thuận

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/bo-y-te-den-diem-nong-dich-soi-tai-tphcm-post1494674.html