Bộ Y tế đưa ra bài toán giải quyết tình trạng thiếu thuốc

Sau 7 năm triển khai Luật Dược năm 2016, bên cạnh những mặt tích cực thì cũng đã bộc lộ những tồn tại, bất cập. Điều này khiến một số thời điểm thuốc chưa kịp gia hạn giấy đăng ký lưu hành; một số loại thuốc thuộc nhóm thuốc rất hiếm thiếu nguồn cung cục bộ.

Một số thuốc hiếm, không có nguồn kinh phí chi trả

Phân tích của Bộ Y tế cho thấy có nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn đến tình trạng thiếu thuốc trên. Trong đó, nguyên nhân chủ quan là do đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu đối với thuốc, nguyên liệu làm thuốc do đại dịch COVID-19 và chiến tranh tại châu Âu, giá nguyên vật liệu tăng, ảnh hưởng của chiến tranh tại Trung Đông dẫn đến việc vận chuyển thuốc gặp khó khăn.

Giải quyết bài toán thiếu thuốc căn cơ nhất là cần sửa đổi Luật Dược - Ảnh: PV

Giải quyết bài toán thiếu thuốc căn cơ nhất là cần sửa đổi Luật Dược - Ảnh: PV

Bộ Y tế nhận được nhiều thông tin về tình trạng thiếu nguồn cung thuốc đang xảy ra ở các nước trên thế giới kể cả châu Âu, châu Mỹ; một số thuốc hiếm không thuộc danh mục thuốc được thanh toán bảo hiểm y tế, không có nguồn kinh phí chi trả cho các thuốc này; một số thuốc hiếm rất khó dự trù số lượng sử dụng vì nhu cầu phụ thuộc vào tình hình bệnh tật phát sinh của từng năm; việc cấp, gia hạn giấy đăng ký lưu hành bị đại dịch COVID-19 tác động đến công tác thẩm định hồ sơ đăng ký thuốc và cấp, gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc; trình tự, thủ tục cấp gia hạn đăng ký lưu hành được quy định trong Luật Dược có một số quy định bắt buộc chưa phù hợp với thực tiễn.

Ngoài ra, nguyên nhân chủ quan là do một số cơ sở khám chữa bệnh thiếu chủ động trong việc lập kế hoạch, đặt hàng với nhà cung ứng, đặc biệt là các thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung, thuốc chuyên khoa phụ thuộc chủ yếu vào các cơ sở sản xuất nước ngoài; chất lượng hồ sơ đăng ký thuốc của doanh nghiệp còn thấp do tâm lý e dè của một số cơ sở khám, chữa bệnh trong công tác tổ chức đấu thầu, mua sắm thuốc mặc dù các quy định về đấu thầu thuốc đã có đầy đủ hành lang pháp lý.

Các cơ sở y tế, địa phương chưa sát sao trong việc chỉ đạo đảm bảo cung ứng thuốc (thiếu chủ động trong dự trù, xác định nhu cầu, lập kế hoạch, thực hiện công tác đấu thầu, mua sắm…); nhân lực quản lý và thực hiện việc gia hạn đăng ký lưu hành tại Bộ Y tế còn thiếu. “Hiện nay, bình quân mỗi công chức phải đảm nhiệm khoảng 1.300 hồ sơ/năm, trong đó có khoảng 200 hồ sơ gia hạn”, đại diện Bộ Y tế cho biết.

Bài toán giải quyết tình trạng thiếu thuốc

Để giải quyết tình trạng trên, Bộ Y tế cho biết trong năm 2023 vừa qua, Bộ đã trình cấp có thẩm quyền các văn bản nhằm bảo đảm thuốc, thiết bị y tế đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân; ban hành và triển khai các văn bản quy phạm pháp luật làm cơ sở cho việc bảo đảm hậu cần và nguồn cung lĩnh vực dược.

Hiện tại đang có trên 23.000 thuốc có giấy đăng ký lưu hành còn hiệu lực với khoảng 800 hoạt chất các loại nên bảo đảm cung ứng đủ thuốc cho nhu cầu khám chữa bệnh.

Bên cạnh việc cấp giấy đăng ký lưu hành, Bộ Y tế cũng đã thực hiện việc cấp phép nhập khẩu cho các thuốc chưa được cấp giấy đăng ký lưu hành trong một số trường hợp như: cấp phép nhập khẩu thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung, thuốc cấp cứu, thuốc chống độc để phục vụ cho nhu cầu điều trị đặc biệt của bệnh viện…

Ngoài ra, Bộ Y tế thường xuyên có văn bản chỉ đạo các cơ sở kinh doanh dược, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải thực hiện các công tác mua sắm, dự trù để đảm bảo đủ thuốc cho nhu cầu điều trị, đặc biệt vào các dịp lễ, tết, thời tiết giao mùa (đông - xuân, xuân - hè,...) là thời điểm có nguy cơ gia tăng các ca bệnh.

Tuy nhiên, Bộ Y tế cho rằng các biện pháp trên chỉ có thể giải quyết tạm thời tình trạng thiếu thuốc cục bộ, nhưng về lâu dài cần điều chỉnh các chính sách phù hợp với thực tiễn, trong đó sửa đổi Luật Dược là giải pháp trọng tâm hàng đầu.

Theo đó Luật Dược 2016 cần sửa đổi nhằm hướng tới sắp xếp lại hệ thống cơ sở kinh doanh dược, bổ sung thêm một số loại hình kinh doanh, phương thức kinh doanh; đơn giản hóa thủ tục hành chính trong việc cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, cấp phép nhập khẩu thuốc.

Từ đó, tăng cường khả năng tiếp cận thuốc chất lượng, an toàn, hiệu quả đến người dân, đồng thời làm giảm giá thành thuốc và kết quả là giảm chi phí điều trị cho người dân.

Dự kiến trong đợt họp thứ 2 (từ 17 đến 28.6) của kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa 15 này, hồ sơ Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược 2016 sẽ được Chính phủ trình Quốc hội xem xét và thông qua.

Sau khi Luật Dược sửa đổi được ban hành, Bộ Y tế sẽ trình Chính phủ Nghị định hướng dẫn chi tiết Luật Dược sửa đổi và các thông tư liên quan nhằm cụ thể hóa các chính sách tại Luật Dược sửa đổi để tăng cường đảm bảo cung ứng thuốc có chất lượng, hạn chế tình trạng thiếu thuốc như giai đoạn vừa qua.

Hồ Quang

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/bo-y-te-dua-ra-bai-toan-giai-quyet-tinh-trang-thieu-thuoc-218459.html