Cần có thêm các giải pháp để không xảy ra tình trạng 'lương tăng, giá cũng tăng'

Đồng tình với phương án Chính phủ trình về cải cách tiền lương, tuy nhiên, các đại biểu Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cho rằng, cần có biện pháp kiểm soát giá tiêu dùng, tránh tình trạng lương chưa tăng nhưng giá đã tăng…

Quang cảnh thảo luận tổ của Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội. Ảnh: PV

Quang cảnh thảo luận tổ của Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội. Ảnh: PV

Chiều 25/6, tiếp tục Kỳ họp thứ 7, Quốc hội thảo luận tại tổ về các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1/7/2024.

Đánh giá tác động về tăng giá tiêu dùng khi tăng lương và tính lại thuế thu nhập cá nhân

Thảo luận tại tổ, đại biểu Lê Quân, đoàn ĐBQH TP Hà Nội cho rằng, bản chất của cải cách tiền lương phải đi cùng vị trí việc làm, năng lực làm việc và kết quả làm việc. Nghị quyết 27 hướng tới trả lương theo vị trí việc làm, cải cách được việc phân công, bố trí công việc. Năng lực chuyên môn sáng tạo, kỹ năng tốt đòi hỏi lương cao hơn. Còn hiện nay, chúng ta đang dùng bằng cấp để xếp lương.

Theo đại biểu, việc tăng 30% lương cơ sở là quan trọng và ủng hộ chủ trương này. Đồng thời, đánh giá việc thực hiện 4/6 nội dung cải cách tiền lương đã có rất nhiều điểm tiến bộ, trong đó, đã bù đắp thu nhập cho những người hưởng mức lương dưới 3,2 - 3,5 triệu đồng/tháng.

Dẫn chứng một số khó khăn tại Đại học Quốc gia Hà Nội, đại biểu Lê Quân đề nghị nên cho phép đơn vị nào xây dựng vị trí việc làm thì thực hiện luôn và cần phải cân nhắc đối với các đơn vị sự nghiệp, nhất là đơn vị đã thực hiện tự chủ, đơn vị khối giáo dục, y tế.

Đại biểu Lê Quân, đoàn ĐBQH TP Hà Nội. Ảnh: PV

Đại biểu Lê Quân, đoàn ĐBQH TP Hà Nội. Ảnh: PV

Đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ và Bộ Nội vụ, đại biểu Trần Thị Nhị Hà, đoàn ĐBQH TP Hà Nội cho rằng, trong tình hình hiện nay, phương án Chính phủ trình là khả thi nhất, đảm bảo ổn định khi thực hiện.

Đồng tình với những khó khăn Chính phủ báo cáo trong xây dựng bảng lương mới, phê duyệt vị trí việc làm, đại biểu Trần Thị Nhị Hà cho hay, việc xây dựng vị trí việc làm còn nhiều khó khăn, có nhiều vị trí chưa xây dựng được do các bộ, ban, ngành chưa hướng dẫn vị trí việc làm đó.

Về 5 nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương, theo đại biểu, tổng nhu cầu kinh phí cho tăng lương cơ sở khoảng 913.000 tỷ đồng, được cân đối trong 3 năm 2024-2026, tuy nhiên Chính phủ chưa làm rõ có làm tăng tổng chi ngân sách Nhà nước không, hay làm giảm các nguồn chi khác.

Bên cạnh đó, đại biểu Trần Thị Nhị Hà cũng băn khoăn về việc áp dụng với các đơn vị sự nghiệp, cụ thể với ngành y tế, giá dịch vụ được kết cấu có lương và chi phí trực tiếp, nên tăng lương sẽ tăng giá dịch vụ y tế.

Đồng thời đề nghị phải đánh giá tác động về tăng giá tiêu dùng khi tăng lương, và tính lại thuế thu nhập cá nhân, xem xét mức giảm trừ gia cảnh...

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà, đoàn ĐBQH TP Hà Nội. Ảnh: Quốc hội

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà, đoàn ĐBQH TP Hà Nội. Ảnh: Quốc hội

Cần có thêm các giải pháp để không xảy ra tình trạng “lương tăng, giá cũng tăng”

Cơ bản tán thành với đề xuất của Chính phủ, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, khi chưa đủ điều kiện bãi bỏ lương cơ sở và hệ số tiền lương để thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW thì chúng ta thực hiện tăng mức lương tối thiểu.

Theo Báo cáo của Chính phủ, dự kiến mức tăng lương cơ sở là 30% đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang nhưng chỉ tăng 15% đối với các đối tượng nhận lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội. Qua nghiên cứu, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương nhận thấy, Báo cáo của Chính phủ chưa giải thích rõ vì sao đối tượng nhận lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội lại tăng thấp hơn so với mức lương của cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang. Do đó, đại biểu đề nghị cần giải thích rõ nội dung này vì đối tượng nhận lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội là đối tượng yếu thế hơn. Đồng thời đề nghị cần tăng mức lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội bằng với mức tăng lương cơ sở.

Ngoài ra, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương cũng đề nghị cần tăng cường sự kiểm soát, quản lý giá và các giải pháp kiềm chế lạm phát, tránh tình trạng tăng lương nhưng đời sống của người dân lại không được tăng trong khi lạm phát lại tăng nhanh hơn.

Tham gia góp ý tại phiên thảo luận, đại biểu Lê Minh Nam – Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang bày tỏ, hoàn toàn thống nhất với Báo cáo của Chính phủ cũng như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội của Quốc hội. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Chính phủ cũng cần xem xét, đánh giá một số tác động, ảnh hưởng đến yếu tố giá và lạm phát. “Cần xây dựng giải pháp, tức là chuẩn bị nguồn sử dụng phục vụ cải cách tiền lương từ nguồn tích lũy, giảm thiểu tối đa tác động đến yếu tố tăng giá hoặc là liên quan đến lạm phát. Ngoài ra, liên quan đến yếu tố lạm phát cũng cần thiết phải xem xét các yếu tố tác động đến giá cả các mặt hàng chiến lược,…”

Trước đó, trao đổi bên lề hành lang Quốc hội, theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương việc điều chỉnh tiền lương từ ngày 1/7 sắp tới là đợt điều chỉnh lớn nhất từ trước đến nay. Cùng đó, cần có thêm các giải pháp kiểm soát lạm phát, giá cả để không xảy ra tình trạng “lương tăng, giá cũng tăng” không phải là chuyện mới.

Đón nhận thông tin này, người lao động trong khu vực Nhà nước với tâm trạng nửa mừng, nửa lo. mừng vì thu nhập từ lương được tăng đáng kể, nhưng lo là vẫn tiếp diễn tình trạng từ trước đến nay vẫn xảy ra, đó là cứ tăng lương là giá cả lại tăng theo, khiến cho việc tăng lương gần như chỉ là tăng số tiền trong tài khoản thôi chứ không phải nâng cao đời sống người lao động.

Do đó, bài toán đặt ra hiện nay khá nan giải với Chính phủ là phải có giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô như thế nào để kiểm soát được giá cả. Giá cả theo thời gian sẽ có sự tăng theo quy luật, tuy nhiên, hiện tượng “té nước theo mưa”, lợi dụng tăng lương để tăng giá một cách không theo quy luật nào, chỉ vì người lao động được tăng lương là tăng giá, thì cần sự quản lý sâu sát, để làm sao việc tăng lương thật sự cải thiện đời sống người lao động và niềm vui tăng lương được trọn vẹn.

“Chúng ta đã dự kiến cải cách tiền lương, nhưng cuối cùng hiện tại là thực hiện tăng lương. Hai việc này có điểm chung, dù cải cách tiền lương hay tăng lương, thì lương của người lao động nói chung được điều chỉnh theo hướng tăng lên. Tuy nhiên, có điểm khác nhau cơ bản về cách tính lương. Nếu cải cách tiền lương, bỏ cách tính truyền thống theo lương cơ sở, theo ngạch bậc, thâm niêm công tác và phụ cấp; và tính lương theo vị trí việc làm của người lao động, thì tính lương theo cải cách tiền lương đảm bảo công bằng, khoa học hơn” - nữ đại biểu đoàn Hải Dương chia sẻ.

Minh Dương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/can-co-them-cac-giai-phap-de-khong-xay-ra-tinh-trang-luong-tang-gia-cung-tang-385550.html