Bộ Y tế sẽ thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm giảm quá tải bệnh viện tuyến Trung ương

Để giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến trên, thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ, tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, đầu tư cơ sở vật chất, thực hiện Đề án Bệnh viện vệ tinh giai đoạn đến năm 2030...

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Bộ Y tế cho biết nhận được phản ánh của cử tri, về việc hiện nay các bệnh viện tuyến đầu đều quá tải, có tình trạng bệnh nhân mắc các bệnh hiểm nghèo phải điều trị ngoài giờ hành chính, làm ảnh hướng đến người bệnh.

Cử tri đề nghị quan tâm công tác quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật đối với ngành y tế, nhằm khắc phục bất cập trên.

SỐ BỆNH VIỆN TRÊN TOÀN QUỐC TĂNG HƠN 16%

Thông tin về vấn đề cử tri quan tâm, Bộ Y tế cho biết để từng bước giảm tình trạng quá tải bệnh viện, đặc biệt ở hai khu vực khám bệnh và điều trị nội trú, phấn đấu không để người bệnh phải nằm ghép trong bệnh viện, Bộ Y tế đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản và thực hiện một số Đề án.

Đơn cử như: (1) Bệnh viện vệ tinh giúp các kíp chuyển giao kỹ thuật của bệnh viện hạt nhân, tới các bệnh viện vệ tinh tuyến dưới; (2) Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến Trung ương, bệnh viện tuyến cuối của TP. Hà Nội, TP.HCM về hỗ trợ các Trạm y tế xã, phường, thị trấn, nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh giai đoạn 2018 – 2020.

(3) Tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, nâng cao năng lực chuyên môn y tế xã, phường giai đoạn 2019 – 2025, với mục tiêu nâng cao chất lượng chuyên môn tại y tế xã, phường, tạo tiền đề cho việc tổ chức hệ thống cung ứng dịch vụ y tế theo 3 cấp chuyên môn.

Ngành Y tế trên toàn quốc đã nỗ lực thực hiện các giải pháp cơ bản nêu trên, cũng như đã xây dựng, cải tạo và mở rộng được nhiều khoa, phòng, bệnh viện. Qua đó, từng bước giảm quá tải tại các chuyên khoa trọng điểm và các chuyên khoa khác nói chung.

Theo Bộ Y tế, đến nay, số bệnh viện trên toàn quốc đã tăng hơn 16%, từ 1.415 bệnh viện vào năm 2014, lên 1.643 bệnh viện tính đến năm 2023. Tổng số giường bệnh thực kê năm 2022 là 409.244 giường bệnh, tăng hơn 41% so với năm 2014 là 288.496 giường.

Công suất sử dụng giường bệnh thực kê toàn quốc năm 2022 là 95,5%; trong đó công suất sử dụng của các bệnh viện tuyến Trung ương đã giảm từ 100% vào năm 2014, xuống còn 80% vào năm 2022. Cùng với đó, công suất sử dụng giường bệnh của bệnh viện tuyến tỉnh tăng từ 92% vào năm 2014, lên 129% vào năm 2022.

Như vậy, với nhiều giải pháp đã và đang được triển khai, cơ bản khắc phục được tình trạng quá tải bệnh viện tuyến Trung ương. Tuy nhiên, còn tình trạng quá tải ở bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố.

THỰC HIỆN ĐỒNG BỘ NHIỀU GIẢI PHÁP

Thời gian tới, Bộ Y tế cho biết sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ, tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, đầu tư cơ sở vật chất, thực hiện Đề án Bệnh viện vệ tinh giai đoạn đến năm 2030.

Mục tiêu nhằm khắc phục triệt để quá tải bệnh viện tại các bệnh viện tuyến Trung ương, đặc biệt với các chuyên khoa còn quá tải trong năm và các thời điểm. Đồng thời, nâng cao năng lực chuyên môn y tế xã, phường, thực hiện các giải pháp và hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật.

Điều trị cho bệnh nhân. Ảnh: Duy Nguyễn.

Điều trị cho bệnh nhân. Ảnh: Duy Nguyễn.

Tuy nhiên, theo Bộ Y tế, việc đầu tư nâng cấp trang thiết bị y tế cho các bệnh viện tuyến dưới, trước hết thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Bộ Y tế đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2348/QĐ-TTg năm 2016 phê duyệt Đề án Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới, trong đó đã quy định: "Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bố trí ngân sách địa phương (cả chi đầu tư và chi sự nghiệp) cho Đề án.

Ưu tiên phân bổ kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu đầu tư phát triển hệ thống y tế địa phương, Chương trình mục tiêu y tế - dân số, và huy động các nguồn vốn hợp pháp, để thực hiện Đề án.

Bảo đảm đủ nhân lực, nguồn tài chính cho hoạt động của y tế cơ sở; xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách, chế độ để thu hút bác sỹ về làm việc tại tuyến y tế cơ sở.

Bên cạnh đó, theo phân cấp quản lý của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật, ngân sách địa phương chịu trách nhiệm chi đầu tư cho các cơ sở y tế do địa phương quản lý, trong khi ngân sách Trung ương chỉ mang tính chất hỗ trợ.

Vì vậy, việc đầu tư xây dựng mới và nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị y tế tại địa phương, sẽ được bố trí trong dự toán ngân sách hằng năm của địa phương, dựa trên đề nghị của Sở Y tế.

Để tăng cường đầu tư cho chăm sóc sức khỏe người dân, Bộ Y tế đề nghị các địa phương quan tâm bố trí vốn, đồng thời kêu gọi các nguồn lực quốc tế và nguồn vốn xã hội hóa.

Đối với các nguồn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, đề nghị địa phương báo cáo Thủ tướng Chính phú, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính.

Bộ Y tế sẽ phối hợp và có ý kiến với các Bộ, ngành liên quan khi được yêu cầu, nhằm đảm bảo việc đầu tư xây dựng các cơ sở y tế cho người dân được triển khai hiệu quả và đúng tiến độ.

Ngoài ra, Bộ Y tế sẽ tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư cho y tế cơ sở, triển khai một số chương trình, dự án lớn, nhằm tăng cường đầu tư toàn diện cho tuyến y tế cơ sở trong thời gian tới.

Cùng với đó, triển khai các nguồn lực đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây đựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025; các dự án đầu tư cho y tế cơ sở nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).

Phúc Minh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/bo-y-te-se-thuc-hien-cac-giai-phap-dong-bo-nham-giam-qua-tai-benh-vien-tuyen-trung-uong.htm