Bộ Y tế thông tin về tình hình cung ứng thuốc điều trị tay chân miệng

Trước tình trạng thiếu thuốc điều trị tay chân miệng, Cục Quản lý dược yêu cầu Sở Y tế TP.HCM xây dựng và triển khai kế hoạch dự trữ, mua sắm, tiếp nhận thuốc phù hợp với thực tế.

Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, cho hay đã nhận được công văn của Sở Y tế TP.HCM về việc hỗ trợ cung ứng thuốc điều trị bệnh tay chân miệng (Immunoglobulin, Phenobarbital) khi tình hình diễn biến phức tạp.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Sau khi rà soát, Cục Quản lý Dược thông tin về việc cung ứng thuốc hỗ trợ điều trị bệnh tay chân miệng nặng như sau: Đối với thuốc chứa Immunoglobulin, hiện nay, có 13 thuốc chứa Immunoglobulin được cấp giấy đăng ký lưu hành còn hiệu lực tại Việt Nam.

Theo báo cáo của các cơ sở nhập khẩu, số lượng thuốc Immunoglobulin tồn và có kế hoạch nhập khẩu về Việt Nam bao gồm thuốc Human normal immunoglobulin 100 mg/ml do Công ty Zuellig Pharma Việt Nam nhập khẩu còn 2.344 hộp loại 250 ml và 215 hộp loại 50 ml.

Dự kiến giữa tháng 8, nhà sản xuất tiếp tục cung ứng cho Việt Nam 2.000 hộp loại 250 ml.

Thuốc Immunoglobulin người 5% do Công ty TNHH Thương mại Dược phẩm Duy Anh nhập khẩu, hiện tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) còn tồn 300 lọ. Dự kiến cuối tháng 7, nhà sản xuất cung ứng cho Việt Nam 5.000-6.000 lọ.

Đối với thuốc Phenobarbital, hiện có một loại thuốc Phenobarbital do Công ty cổ phần Dược Danapha sản xuất được cấp giấy đăng ký lưu hành còn hiệu lực tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, cơ quan này đã cấp phép cho Công ty cổ phần Dược phẩm trung ương CPC1 nhập khẩu thuốc Barbit, là thuốc chưa có giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam để đáp ứng nhu cầu điều trị đặc biệt.

Báo cáo của công ty là sẽ có 21.000 ống thuốc (Phenobarbital 200 mg/ml) về Việt Nam vào đầu tháng 7.

Để đảm bảo công tác cung ứng đủ thuốc cho điều trị, Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế TP.HCM thực hiện xây dựng và triển khai kế hoạch dự trữ, mua sắm, tiếp nhận thuốc phù hợp với thực tế để đảm bảo sẵn sàng cung ứng đủ thuốc, đảm bảo công tác khám, chữa bệnh.

Đồng thời, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chủ động liên hệ với cơ sở nhập khẩu để dự trù, đặt hàng, mua sắm và dự trữ thuốc theo đúng quy định. Đây là một trong những yếu tố quan trọng để đảm bảo nguồn cung về thuốc.

Bộ Y tế cho biết từ đầu năm 2023 đến nay cả nước ghi nhận 8.995 trường hợp mắc tay chân miệng, trong đó đã có 3 trường hợp tử vong.

Số mắc tay chân miệng có xu hướng tăng nhanh trong các tuần gần đây, đồng thời đã ghi nhận các ca bệnh nhiễm virus Enterovirus (EV71).

Để chủ động công tác phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng, hạn chế ca mắc và tử vong, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố phối hợp với ngành Y tế triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng chống dịch bệnh tay chân miệng, đặc biệt tập trung vào các khu vực có số mắc cao, có nguy cơ bùng phát dịch.

UBND các tỉnh cần chỉ đạo ngành Y tế địa phương chủ động và phối hợp với UBND cấp huyện, sở, ban, ngành liên quan theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch mới phát sinh... Củng cố các đội chống dịch cơ động nhằm kịp thời điều tra, xác minh, xử lý ổ dịch và hỗ trợ tuyến dưới khi cần thiết.

Phân tuyến điều trị, phân luồng khám bệnh, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, đặc biệt lưu ý những ca bệnh nặng nhằm hạn chế thấp nhất tử vong; thực hiện tốt phòng chống lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế.

Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo chủ động phối hợp với ngành y tế truyền thông tại các trường học, đặc biệt tại các nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non về bệnh tay chân miệng; đảm bảo các cơ sở giáo dục đào tạo có đủ các phương tiện rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay thường xuyên, đúng cách, thuận tiện.

Bên cạnh đó, các tỉnh cần chỉ đạo Sở Tài chính trình UBND tỉnh, thành phố quyết định kịp thời cấp, bổ sung kinh phí cho công tác phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng để kịp thời thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị phòng, chống dịch.

Để phòng tránh bệnh tay chân miệng cho trẻ, chuyên gia khuyến cáo khi trẻ bệnh cần cách ly cho đến khi hết bóng nước, hết đau miệng (khoảng 7 ngày). Bên cạnh đó, rửa tay là biện pháp quan trọng; mang khẩu trang; vệ sinh bề mặt, các đồ chơi của trẻ.

D.Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/bo-y-te-thong-tin-ve-tinh-hinh-cung-ung-thuoc-dieu-tri-tay-chan-mieng-d191292.html