Bộ Y tế 'thúc' các tỉnh, thành tổ chức ngay chiến dịch tiêm vaccine ngừa sởi
Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã có công văn gửi các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur; Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc triển khai tiêm chủng vaccine phòng bệnh sởi.
Theo Cục Y tế dự phòng, ngày 22/1/2025, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 271/QĐ-BYT về Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch sởi năm 2025.
Để triển khai các hoạt động tổ chức tiêm chủng vaccine phòng bệnh sởi trong thời gian tới, giảm thiểu tối đa nguy cơ lây lan, bùng phát dịch bệnh, Cục Y tế dự phòng đề nghị các đơn vị thực hiện một số nội dung, trong đó các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur khẩn trương phân bổ vaccine phòng bệnh sởi cho các tỉnh, thành phố; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, đôn đốc các tỉnh, thành phố xây dựng và triển khai kế hoạch; tổng hợp tình hình thực hiện và báo cáo kết quả thường xuyên về Cục Y tế dự phòng theo quy định.
Sở Y tế các tỉnh, thành phố khẩn trương xây dựng kế hoạch và tổ chức ngay chiến dịch tiêm vaccine phòng chống dịch sởi năm 2025 trên địa bàn ngay sau khi vaccine được cung ứng, không để muộn quá 01 tháng kể từ khi nhận được vaccine theo Kế hoạch và báo cáo kết quả theo quy định.
![Việc tiêm chủng vaccine phòng bệnh sởi góp phần làm giảm thiểu tối đa nguy cơ lây lan, bùng phát dịch bệnh.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_94_51470325/398c701f4151a80ff140.jpg)
Việc tiêm chủng vaccine phòng bệnh sởi góp phần làm giảm thiểu tối đa nguy cơ lây lan, bùng phát dịch bệnh.
Cục Y tế dự phòng cũng đề nghị các tỉnh, thành phố thuộc phạm vi triển khai tại Quyết định số 2495/QĐ-BYT ngày 22/8/2024 ban hành Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng vacine phòng, chống dịch sởi năm 2024 và Quyết định số 3526/QĐ-BYT ngày 22/11/2024 sửa đổi, bổ sung Quyết định 2495/QĐ-BYT tiếp tục tổ chức thực hiện triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch sởi, khẩn trương hoàn thành việc tiêm chủng trong tháng 2/2025.
Cùng đó, tiếp tục chủ động tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm và xử lý triệt để các ổ dịch, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch sởi, không để bùng phát trong cộng đồng.
Liên quan đến dịch bệnh sởi, trước đó, tại Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch sởi năm 2025, Bộ Y tế cho biết hiện nay, bệnh sởi đang có xu hướng gia tăng, số ca mắc tại nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, một số nước như Philippines, Malaysia dịch sởi đã xuất hiện trên diện rộng.
Tổ chức Y tế thế giới đánh giá nguy cơ bùng phát dịch sởi tại Việt Nam là rất cao... đồng thời cũng khuyến cáo tại các tỉnh, thành phố có nguy cơ cao và rất cao và những nơi hiện có chùm ca sởi (ghi nhận những trường hợp sởi chẩn đoán xác định), cần triển khai tiêm chủng chiến dịch, các tỉnh, thành phố còn lại có nguy cơ thấp và trung bình, cần tổ chức rà soát để tiêm bù, tiêm vét cho trẻ lỡ tiêm do đại dịch.
Việc triển khai tiêm chiến dịch và tiêm bù tiêm vét cần được thực hiện khẩn trương để ngăn chặn dịch xảy ra, đặc biệt ở những nơi có có chùm ca bệnh không để dịch lan rộng. Do đặc điểm dịch tễ phức tạp của bệnh sởi, bệnh khả năng lây lan nhanh, rộng và phụ thuộc nhiều vào tiêm chủng nên việc tiêm chủng cần triển khai càng sớm càng nhanh càng tốt.
Tại Việt Nam, năm 2024 cả nước ghi nhận 45.554 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó 7.583 trường hợp dương tính và 16 trường hợp tử vong liên quan đến sởi. Độ tuổi của các ca dương tính sởi trong năm 2024 cho thấy xu hướng gia tăng ở nhóm tuổi dưới 9 tháng (chiếm khoảng 25 %).
Hầu hết các trường hợp mắc sởi là không tiêm chủng/chưa tiêm đủ mũi vaccine phòng bệnh sởi hoặc chưa đến độ tuổi tiêm chủng vắc xin sởi trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.
Theo khuyến cáo của WHO, lứa tuổi tiêm chủng vacine sởi ở những nước có bệnh sởi lưu hành là tiêm mũi 1 - 9 tháng tuổi, mũi 2 lúc 15-18 tháng tuổi, còn ở những nước đã loại trừ bệnh sởi, tiêm mũi thứ nhất lúc 12 tháng tuổi và tiêm mũi thứ hai lúc 15-18 tháng tuổi.
WHO cũng khuyến cáo việc tiêm bổ sung một mũi vacine có chứa thành phần sởi cho trẻ từ 6 đến dưới 9 tháng tuổi trong những trường hợp gồm: Khi đang bùng phát dịch sởi, trong các chiến dịch nơi mà nguy cơ mắc sởi ở trẻ dưới 9 tháng tuổi cao, sau đó trẻ tiếp tục được tiêm 2 mũi theo lịch của Chương trình tiêm chủng mở rộng (lưu ý mũi 1 cách mũi bổ sung ít nhất 4 tuần); vacine sởi sử dụng cho trẻ dưới 9 tháng tuổi là an toàn và có hiệu quả trong việc phòng mắc bệnh sởi cho nhóm tuổi nhỏ khi có dịch bùng phát.