Bộ Y tế: Tỉ lệ thuốc giả trên thị trường là dưới 0,1%

Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, việc kiểm tra, giám sát hoạt động phòng chống thuốc giả đang lưu hành trên thị trường cần sự phối hợp của nhiều cơ quan.

Chiều 17-4, ông Tạ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), trao đổi với báo chí các thông tin liên quan đến công tác phòng chống thuốc giả, thuốc kém chất lượng.

Tỉ lệ thuốc giả là dưới 0,1%

Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, hàng năm, Bộ Y tế có nhiều văn bản chỉ đạo UBND các tỉnh, sở y tế và các đơn vị tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc. Cạnh đó, thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng đấu tranh phòng chống thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc.

"Tỉ lệ thuốc giả trong những năm gần đây đều dưới 0,1%, tỉ lệ thuốc không đạt chất lượng là dưới 1%. Trong năm 2023 và 2024, khi một số địa phương như Thanh Hóa, Hà Nam, Hà Nội báo cáo phát hiện một số lô thuốc giả, Bộ Y tế đã kịp thời chỉ đạo các sở y tế chủ động phối hợp với Ban chỉ đạo 389 (Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả - PV), cơ quan công an, quản lý thị trường… tập trung đấu tranh phát hiện và xử lý kịp thời theo đúng quy định pháp luật", ông Hùng nói.

 Ông Tạ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế. Ảnh: TH

Ông Tạ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế. Ảnh: TH

Ngày 9-1-2025, Cục Quản lý Dược và Thanh tra Bộ Y tế đã phối hợp với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C03) và Cục An ninh chính trị nội bộ (A03) thuộc Bộ công an, tổ chức cuộc họp tăng cường công tác phòng chống thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc với sở y tế một số địa phương như Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Hà Nam...

Tại buổi làm việc, các đơn vị đã thống nhất tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng chống thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc và xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật trong thời gian tới.

"Trên cơ sở đó, các cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra, phát hiện và xử lý nghiêm vụ việc nói trên", ông Hùng cho hay.

Khi được hỏi rằng "con số 0,1% thuốc giả đã phản ánh đúng thực tế hay chưa", ông Tạ Mạnh Hùng cho biết theo quy định tại Luật Dược, thuốc được chia ra làm nhiều loại, trong đó có vaccine và sinh phẩm. Đối với vaccine và sinh phẩm, 100% các lô đều phải được đánh giá, đạt tiêu chuẩn chất lượng trước khi xuất xưởng.

Còn đối với các thuốc biệt dược, hóa dược, thuốc thử nghiệm, thuốc cổ truyền… việc kiểm soát, đánh giá được thực hiện theo nguyên tắc quản lý rủi ro, lấy mẫu để kiểm tra, giám sát chất lượng.

"Hiện nay, số lượng thuốc rất nhiều nhưng nguồn lực của các trung tâm kiểm nghiệm, viện kiểm nghiệm còn hạn chế. Bên cạnh đó, theo nguyên tắc chung, việc lấy mẫu được thực hiện theo nguyên tắc quản lý rủi ro, xác suất, tập trung lấy mẫu đối với các thuốc có nguy cơ làm giả cao, nhu cầu sử dụng lớn, thuốc có nhiều khả năng không đảm bảo chất lượng khi lưu hành", ông Hùng cho hay.

 Các đối tượng trong đường dây sản xuất, buôn bán thuốc giả cùng tang vật bị Công an tỉnh Thanh Hóa bắt giữ.

Các đối tượng trong đường dây sản xuất, buôn bán thuốc giả cùng tang vật bị Công an tỉnh Thanh Hóa bắt giữ.

Đại diện Cục Quản lý Dược cho biết trong công tác đấu tranh phòng chống thuốc giả, Bộ Y tế là đơn vị chủ trì, tuy nhiên cần rất nhiều sự phối hợp của các bộ, ban ngành khác thì mới đạt hiệu quả.

Hàng năm, Viện kiểm nghiệm thuốc Trung ương và Viện kiểm nghiệm thuốc TP.HCM đều căn cứ vào tình hình thực tiễn về vi phạm chất lượng thuốc, diễn tiến thị trường, công tác kiểm tra giám sát chất lượng thuốc trên thị trường để lập kế hoạch lấy mẫu thuốc và triển khai thực hiện.

"Các kế hoạch này được xây dựng dựa trên các bộ nguyên tắc, đánh giá rất chi tiết, cụ thể. Sau đó, các đơn vị, trung tâm kiểm nghiệm của các tỉnh, thành phối hợp các viện kiểm nghiệm triển khai lấy mẫu, xét nghiệm, kiểm tra", ông Hùng giải thích.

Mỗi năm, hệ thống các đơn vị lấy khoảng 38.000-40.000 mẫu thuốc đang lưu hành trên thị trường để kiểm tra, giám sát chất lượng.

Cần tăng cường phối hợp giữa các đơn vị

Theo ông Tạ Mạnh Hùng, trong vụ triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc giả vừa được Công an tỉnh Thanh Hóa công bố và một số vụ việc từng xảy ra trước đây, có thể nhận thấy rằng các thuốc giả chủ yếu được bán qua mạng và các kênh phân phối nhỏ lẻ.

Theo quy định, sản phẩm thuốc phải được cấp giấy lưu hành trước khi được đưa ra thị trường.

Thông tin lưu hành của sản phẩm thuốc được công khai trên cổng thông tin dịch vụ công, người dân và doanh nghiệp có thể tra cứu thông tin để biết được rằng một sản phẩm thuốc đã được cấp phép lưu hành hay chưa. Việc tra cứu này rất dễ dàng.

Ông Tạ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế

Trong quá trình lưu hành của một sản phẩm thuốc, ông Hùng cho biết Thanh tra Bộ Y tế và Thanh tra các sở y tế cùng các đơn vị liên quan thường xuyên tiến hành thanh tra, kiểm tra sản phẩm theo kế hoạch, cũng như thanh tra, kiểm tra đột xuất.

"Tuy nhiên, như đã nói, cần sự phối hợp chặt chẽ của nhiều đơn vị, cơ quan trong việc kiểm tra, giám sát hoạt động phòng chống thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc đang lưu hành trên thị trường", ông Hùng nhấn mạnh.

Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn giữa các sở y tế và các cơ quan chức năng địa phương, cơ quan công an để công tác phòng chống thuốc giả đạt hiệu quả tốt hơn.

Hành vi sản xuất, kinh doanh thuốc giả là một trong các hành vi bị cấm tại Luật Dược và phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Bộ luật Hình sự.

Theo đó, người sản xuất, buôn bán thuốc giả có thể bị xử lý thấp nhất từ 2 năm tù, cao nhất là tử hình.

THANH THANH

Nguồn PLO: https://plo.vn/bo-y-te-ti-le-thuoc-gia-tren-thi-truong-la-duoi-01-post844990.html