Bỏ yêu cầu giáo viên tiểu học, THCS hạng I phải có trình độ thạc sĩ

Theo Bộ GD-ĐT, với yêu cầu giảng dạy, cung cấp các kiến thức cơ bản và nền tảng, việc quy định giáo viên tiểu học, THCS hạng I phải có trình độ thạc sĩ là không cần thiết.

Ngày 14.4, Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư 01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 03/2021/TT-BGDĐT, 04/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập.

Thông tư này sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30.5.2023. Trước khi ban hành Thông tư 08, Bộ GD-ĐT đã lấy ý kiến góp ý của nhiều tổ chức, cá nhân có liên quan, trong đó có góp ý của 63 Sở GD-ĐT với sự tham gia của gần 1,2 triệu giáo viên mầm non, phổ thông. Đặc biệt, Thông tư mới có sự tham gia góp ý trực tiếp của hơn 580.000 giáo viên mầm non, phổ thông trên hệ thống TEMIS (hệ thống thông tin quản lý bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông).

Các nội dung sửa đổi đều được từ 94 - 98% giáo viên tham gia khảo sát đồng ý.

Điều chỉnh quy định trình độ của giáo viên tiểu học, THCS hạng I từ thạc sĩ về đại học

Bộ GD-ĐT cho biết, theo quy định tại Thông tư 02, 03, giáo viên tiểu học, THCS hạng I phải có bằng thạc sĩ trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên đối với giáo viên tiểu học/THCS hoặc có bằng thạc sĩ trở lên chuyên ngành phù hợp với môn học giảng dạy hoặc có bằng thạc sĩ quản lý giáo dục trở lên.

Thời điểm ban hành Thông tư 02, 03, cấp tiểu học chưa có giáo viên hạng I. Một số giáo viên THCS hạng I cũ do chưa có bằng thạc sĩ theo quy định nên tạm thời bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên THCS hạng II mới. Các trường hợp này sau khi đạt các tiêu chuẩn của hạng I mới thì bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên THCS hạng I mới mà không phải thông qua kỳ thi hoặc xét thăng hạng.

Bộ GD-ĐT nhấn mạnh, mặc dù việc bổ nhiệm tạm thời vào chức danh nghề nghiệp giáo viên THCS hạng II mới không phải là “rớt hạng” như tâm tư của một số giáo viên, mà là bổ nhiệm hạng tương ứng với mức độ đạt tiêu chuẩn theo quy định của hạng; đồng thời mọi chế độ, chính sách mà giáo viên hiện hưởng vẫn được bảo đảm, không có sự điều chỉnh nào. Tuy nhiên, việc này vẫn làm ảnh hưởng đến tâm lý của một bộ phận giáo viên THCS.

Nắm bắt kịp thời tâm tư của đội ngũ, Bộ GD-ĐT đã rà soát lại quy định về trình độ đào tạo của giáo viên tiểu học, THCS trên cơ sở nghiên cứu yêu cầu của việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục cấp tiểu học và THCS.

Theo đó, mục tiêu của giáo dục tiểu học là nhằm hình thành cơ sở ban đầu cho sự phát triển về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ, năng lực của học sinh; chuẩn bị cho học sinh tiếp tục học THCS. Mục tiêu của giáo dục THCS là nhằm củng cố và phát triển kết quả của giáo dục tiểu học; bảo đảm cho học sinh có học vấn phổ thông nền tảng, hiểu biết cần thiết tối thiểu về kỹ thuật và hướng nghiệp để tiếp tục học trung học phổ thông hoặc chương trình giáo dục nghề nghiệp.

Như vậy, với yêu cầu giảng dạy, cung cấp các kiến thức cơ bản và nền tảng, việc quy định giáo viên tiểu học, THCS hạng I phải có trình độ thạc sĩ là không cần thiết. Do đó, tại Thông tư 08, Bộ GD-ĐT đã điều chỉnh quy định về trình độ đào tạo của giáo viên tiểu học, THCS hạng I là đại học.

Chỉ quy định 1 chứng chỉ chung đối với các hạng giáo viên

Bộ GD-ĐT cũng bỏ quy định giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo hạng.

Bộ GD-ĐT lý giải, thời điểm ban hành các Thông tư 01-04, quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp thực hiện theo Nghị định 101/2017/NĐ-CP ngày 01.09.2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Theo đó, giáo viên mỗi cấp học có 3 chứng chỉ tương ứng với 3 hạng chức danh nghề nghiệp.

Tuy nhiên, ngày 18.10.2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định 89/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 101/2017/NĐ-CP (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10.12.2021) và điều chỉnh quy định về chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành: mỗi chuyên ngành có 1 chương trình, thời gian thực hiện tối đa là 6 tuần.

Vì vậy, tại Thông tư mới, Bộ GD-ĐT điều chỉnh quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp như sau: Chỉ quy định 1 chứng chỉ chung đối với các hạng giáo viên. Mỗi cấp học chỉ có 1 chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.

Giáo viên đã có một trong các chứng chỉ theo hạng của cấp học đang giảng dạy cấp trước ngày 30.6.2022 được xác định đáp ứng yêu cầu về chứng chỉ, được sử dụng khi tham dự kỳ thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp và không phải học chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên tương ứng với từng cấp học.

Khi bổ nhiệm, chuyển xếp chức danh nghề nghiệp giáo viên tương ứng theo quy định tại các Thông tư 01-04 và khi chuyển chức danh nghề nghiệp, không yêu cầu giáo viên phải có chứng chỉ. Giáo viên tuyển dụng mới phải có chứng chỉ theo quy định trong thời gian thực hiện chế độ tập sự.

Bên cạnh đó, trong Thông tư sửa đổi, Bộ GD-ĐT cũng bỏ quy định tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp ở từng hạng chức danh nghề nghiệp và chỉ quy định đạo đức nghề nghiệp chung cho giáo viên ở tất cả các hạng.

Giáo viên được xếp lương tương ứng với hạng chức danh nghề nghiệp được bổ nhiệm

Theo Bộ GD-ĐT, khi các Thông tư 01-03 được địa phương triển khai thực hiện đã nảy sinh một số vướng mắc. Cụ thể, giáo viên mầm non khi chưa đạt các tiêu chuẩn của chức danh nghề nghiệp hạng II mới thì được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp hạng III mới và chuyển xếp lương từ viên chức loại A1 (2,34) sang A0 (2,10). Tuy nhiên, Thông tư 01 chưa hướng dẫn cụ thể việc xếp lương trong trường hợp này.

Ngoài ra, giáo viên tiểu học, THCS khi đạt tiêu chuẩn để bổ nhiệm hạng II mới và chuyển xếp lương từ viên chức loại A1 (2,34) sang A2.2 (4,0) thì những giáo viên đang được hưởng hệ số lương 2,34, 2,67, 3,00 (là trường hợp được bổ nhiệm hạng cao ngay sau tuyển dụng do có trình độ đào tạo cao hơn trình độ chuẩn theo quy định) và 3,33, 3,66, 3,99 đều được chuyển xếp vào hệ số lương 4,0.

Bộ GD-ĐT đã nghiên cứu, tham vấn ý kiến của các cơ quan có liên quan, lấy ý kiến của hơn 580.000 giáo viên mầm non, phổ thông và quyết định vẫn giữ nguyên quy định giáo viên được bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp nào thì được xếp lương theo hạng đó như hiện hành, bảo đảm tuân thủ đúng nguyên tắc xếp lương tại Nghị định 204/2004/NĐ-CP.

Đồng thời, Bộ GD-ĐT sửa đổi, bổ sung một số nội dung. Theo đó, khi bổ nhiệm từ hạng cũ sang hạng mới tương ứng, chỉ xét 2 tiêu chuẩn: trình độ đào tạo và thời gian giữ hạng thấp hơn liền kề; không yêu cầu giáo viên phải có minh chứng của các tiêu chuẩn khác.

Trường hợp giáo viên chưa đạt tiêu chuẩn của hạng tương ứng (trình độ đào tạo và thời gian giữ hạng) thì tiếp tục giữ hạng, mã số và hệ số lương của chức danh nghề nghiệp hiện được xếp theo Thông tư liên tịch số 20,21,22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV, không bổ nhiệm hạng thấp hơn liền kề. Khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định thì được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp tương ứng mà không phải thông qua thi hoặc xét thăng hạng.

Bộ GD-ĐT khẳng định, việc sửa đổi, bổ sung như trên sẽ giúp cho công tác bổ nhiệm, xếp lương được thực hiện đơn giản hơn, tránh phát sinh việc yêu cầu giáo viên cung cấp nhiều minh chứng không cần thiết.

Đồng thời, khắc phục được vướng mắc trong việc xếp lương giáo viên mầm non và không có trường hợp giáo viên tiểu học, THCS mới tuyển dụng đang giữ hệ số lương 2,34, 2,67, 3,00 được bổ nhiệm hạng II mới và chuyển xếp vào hệ số lương 4,00. Bảo đảm thống nhất về quy định thời gian giữ hạng giữa các cấp học và quy định của Bộ Nội vụ về thời gian giữ ngạch cán sự, chuyên viên, chuyên viên chính.

Điều chỉnh thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng III xuống còn 3 năm

Bộ GD-ĐT cho biết, quy định về thời gian giữ chức danh nghề nghiệpgiáo viên mầm non hạng III là 9 năm tại Thông tư 02 đảm bảo tuân thủ quy định về thời gian tối thiểu làm việc trong ngạch.

Tuy nhiên, chênh lệch hệ số lương giữa hạng III (theo bảng lương của viên chức loại A0 với hệ số lương khởi điểm là 2,10) và hạng II (theo bảng lương của viên chức loại A1 với hệ số lương khởi điểm là 2,34) không nhiều, nếu yêu cầu thời gian giữ hạng 9 năm sẽ làm giảm động lực phấn đấu của giáo viên mầm non.

Do đó, tại Thông tư 08, Bộ GD-ĐT đã quyết định điều chỉnh thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng III từ 9 năm xuống còn 3 năm để thống nhất với các ngành, lĩnh vực khác.

Bên cạnh đó, tăng thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng II từ 6 năm lên 9 năm để đảm bảo tuân thủ quy định của Nghị định 204/2004/NĐ-CP. Đồng thời, thống nhất với quy định thời gian giữ hạng III đối với giáo viên phổ thông và quy định thời gian giữ ngạch/hạng đối với các chức danh cùng được áp dụng bảng lương của công chức/viên chức loại A1 khác.

Cũng theo Bộ GD-ĐT, các Thông tư 01-04 quy định nhiệm vụ theo từng hạng là để sau khi giáo viên được bổ nhiệm vào hạng sẽ thực hiện nếu được hiệu trưởng phân công. Tuy nhiên, khi thực hiện bổ nhiệm từ hạng chức danh nghề nghiệp cũ sang hạng chức danh nghề nghiệp mới, một số địa phương yêu cầu giáo viên phải có đủ minh chứng đã thực hiện nhiệm vụ của hạng. Điều này dẫn đến việc giáo viên không thể cung cấp đủ minh chứng nên chưa được bổ nhiệm hạng tương ứng.

Để khắc phục tình trạng này, tại Thông tư mới, Bộ GD-ĐT đã bổ sung một số nội dung. Cụ thể, làm rõ quy định nhiệm vụ đối với từng hạng chức danh nghề nghiệp: là những công việc giáo viên thực hiện sau khi được bổ nhiệm vào hạng và trong suốt thời gian giữ hạng nếu được hiệu trưởng phân công và hiệu trưởng có thể phân công giáo viên thực hiện nhiệm vụ của hạng cao hơn nếu giáo viên có khả năng.

Khi bổ nhiệm sang hạng tương ứng, không yêu cầu giáo viên phải có minh chứng về việc đã thực hiện được nhiệm vụ của hạng.

“Bên cạnh đó cần lưu ý, tại Thông tư 01-04, Bộ GD-ĐT đã quy định đối với những nhiệm vụ theo hạng chức danh nghề nghiệp mà trường mầm non, phổ thông công lập không được giao hoặc không đủ điều kiện thực hiện thì có thể quy đổi sang các nhiệm vụ khác có liên quan để làm căn cứ đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ của giáo viên.

Như vậy, quy định về nhiệm vụ của giáo viên không phải là quy định cứng, bắt buộc đối với tất cả các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và không phải là công việc bắt buộc tất cả các giáo viên phải thực hiện”, Bộ GD-ĐT thông tin.

Nguyễn Liên

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/giao-duc--y-te1/bo-yeu-cau-giao-vien-tieu-hoc-thcs-hang-i-phai-co-trinh-do-thac-si--i324065/