Bóc trần một trào lưu đầu độc giới trẻ

Ngoài lượng nicotine được 'chế' đa dạng, chất tạo màu, mùi hấp dẫn… các chuyên gia còn phát hiện trong một số mẫu thuốc lá điện tử có ma túy tổng hợp và các chất nguy hại khác. Song, điều đáng báo động là hiện nay, xu hướng sử dụng thuốc lá điện tử ngày càng phổ biến trong giới trẻ, 'len lỏi' vào học đường và trở thành một trào lưu độc hại. Loạt phóng sự: 'Đừng để thuốc lá điện tử 'đầu độc' giới trẻ' của nhóm phóng viên Đài PT&TH Phú Thọ đã bóc trần thực tế đáng báo động này. Tác phẩm vừa được trao giải B Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII.

Các trường học “gồng mình” ngăn cấm, thuốc lá điện tử vẫn “nhởn nhơ”

Mới tờ mờ sáng, một cửa hàng bán thuốc lá điện tử trên địa bàn phường Minh Nông, TP. Việt Trì đã tấp nập khách ra vào. Tất cả đều mặc đồng phục học sinh đang tranh thủ thời gian ít ỏi trước giờ vào lớp. Từ cách nhả khói thuốc đến các mẫu thuốc lá điện tử bắt mắt, cách chọn mùi hương tinh dầu… đã được các em học sinh thuộc nằm lòng và rủ bạn bè cùng thử.

“Chúng tôi bắt gặp hình ảnh các em học sinh tụ tập ở cổng trường vẫn mặc áo đồng phục trắng nhưng trên tay là tẩu thuốc lá điện tử, phì phèo nhả khói ở nơi công cộng tỏ vẻ rất sành điệu. Thậm chí chúng tôi còn bắt gặp những em ngồi sau xe bố mẹ chở trên đường đi học vẫn vô tư nhả khói mà bố mẹ các em không hề hay biết. Giới trẻ - đang tự “đầu độc” tương lai của chính mình bằng thứ được cho là “sành điệu” - phóng viên Huyền Trang chia sẻ.

 Cậu học trò trong bộ đồng phục học sinh “vô tư” ngậm tẩu thuốc, thả làn khói trắng nghi ngút từ chiếc vape, pod ở nơi công cộng.

Cậu học trò trong bộ đồng phục học sinh “vô tư” ngậm tẩu thuốc, thả làn khói trắng nghi ngút từ chiếc vape, pod ở nơi công cộng.

Hiện nay, các sản phẩm thuốc lá điện tử chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh và lưu hành tại thị trường trong nước. Tuy nhiên, mặt hàng này đang được rao bán công khai, tràn lan từ mạng xã hội cho đến các cửa hàng khiến cho việc mua bán trở nên dễ dàng. Theo khảo sát của nhóm phóng viên, mua thân máy một lần với giá vài trăm nghìn, và cứ một vài ngày lại phải mua tinh dầu hút với giá chỉ khoảng vài chục nghìn. Nhiều em học sinh vì thế đã trở thành “khách ruột” quen mặt của các cửa hàng kinh doanh thuốc lá điện tử.

Phải làm gì và lên tiếng như thế nào trước thực trạng này để có những cảnh báo kịp thời với cộng đồng? – đó là câu hỏi được đặt ra với nhóm phóng viên Phòng Thời sự, Đài PT&TH Phú Thọ. Ban Giám đốc Đài rất quan tâm, khuyến khích tạo điều kiện cho ê-kíp sáng tạo tác phẩm.

Khó khăn nhất khi thực hiện loạt bài là ghi hình, phỏng vấn được các nhân vật, nhân chứng là học sinh sử dụng thuốc lá điện tử. Nhóm phóng viên hoàn toàn bảo mật về danh tính, để không làm ảnh hưởng đến các em. Các em học sinh rất cảnh giác khi có người lạ hỏi han, mặt khác các em thường hút “lén” trong các không gian kín đáo, quen thuộc như những quán game, bida... việc ghi hình là thách thức lớn.

 Phóng viên Huyền Trang

Phóng viên Huyền Trang

Với thể loại phát thanh, phóng viên Huyền Trang và nhóm cộng sự đã cố gắng ghi được những âm thanh hiện trường sống động nhất phản ánh rõ bối cảnh thực tế, thói quen, tâm sinh lý của các em học sinh khi sử dụng thuốc lá điện tử.

“Vì vậy, chúng tôi đã mất nhiều thời gian để làm quen, hỏi chuyện. Đôi khi để có được một bằng chứng xác thực, nhóm tác giả phải mất cả tuần để “phục” tại các điểm xung quanh các khu vực mua bán thuốc lá điện tử “chui”. Cũng có lúc chúng tôi bị phát hiện, để ý. Các đối tượng ngay lập tức thu dọn hàng hóa và đóng cửa, tránh ống kính. Một vài trường hợp thậm chí các đối tượng vẻ ngoài dữ dằn tới hỏi thăm với ý đe dọa, xua đuổi” - chị Huyền Trang nói.

Từ việc phản ánh thực trạng sử dụng thuốc lá điện tử ngày càng nhiều trong giới trẻ, phóng viên Huyền Trang đã tìm đến những chuyên gia y tế để phân tích về tác hại của thuốc lá điện tử; đồng thời nêu lên lỗ hổng trong quản lý thuốc lá điện tử tại Việt Nam hiện nay, từ đó kêu gọi sự vào cuộc, trách nhiệm của gia đình, xã hội, các ngành chức năng và tính cấp thiết để Quốc hội ban hành khung pháp lý rõ ràng quản lý mặt hàng thuốc lá điện tử.

Mỗi lát cắt của vấn đề được ekip sắp xếp trong một kỳ của loạt bài, với mục đích nâng cao tính thuyết phục của tác phẩm, khắc họa được rõ nét mối nguy hại mà thuốc lá điện tử mang lại với thế hệ tương lai của đất nước và thúc đẩy cộng đồng có những hành động để ngăn chặn hiểm họa này.

Cuộc gặp gỡ hai bị cáo còn rất trẻ tại Trại trạm giam

Đối với phóng viên Huyền Trang, câu chuyện để lại cảm xúc nhất chính là cuộc gặp gỡ hai bị cáo còn rất trẻ tại Trại tạm giam. Hai bị cáo này bị cáo buộc hành vi buôn bán ma túy thông qua sản phẩm là thuốc lá điện tử có tên thường gọi “pod chill”.

Tuổi đời còn trẻ nhưng bản án phải đối mặt dài dằng dặc, chỉ từ vài hơi hút thuốc lá điện tử thấy thơm ngon, thú vị để rồi đi vào con đường nghiện ngập và buôn bán chất cấm. Thanh xuân của một cuộc đời đã bị hủy hoại.

“Điều này khiến chúng tôi cảm thấy lo sợ, nguy cơ trà trộn ma túy vào thuốc lá điện tử quá lớn. Đối với các em học sinh còn đang ngồi trên ghế nhà trường, thậm chí mới học cấp 1, cấp 2… nếu các em bị dụ dỗ tiếp xúc với những loại ma túy trá hình trong những hơi thuốc lá ngập mùi hoa quả, hiểm họa nào sẽ ở phía trước? Đó là điều khiến chúng tôi thực sự trăn trở, sợ hãi” - phóng viên Huyền Trang xúc động.

 Phóng viên gặp gỡ bác sĩ Nguyên - Bệnh viện Bạch Mai.

Phóng viên gặp gỡ bác sĩ Nguyên - Bệnh viện Bạch Mai.

Với cấu tạo gồm bộ phận chứa tinh dầu và hệ thống đốt tách rời, thuốc lá điện tử có thể dễ dàng được chế lại theo nhu cầu. Người dùng có thể trộn hương liệu, ma túy vào ống tinh dầu và thêm dây mai xo ở hệ thống đốt để tăng nhiệt độ, làm tăng độ phê khi hít ma túy. Vì chất ma túy này không màu, không mùi, lại lẫn mùi của tinh dầu nên bằng cảm quan thông thường khó có thể nhận biết được.

17 tuổi, thay vì đến trường học tập như bạn bè đồng trang lứa thì một nam sinh quê ở huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ lại đang nằm điều trị tại Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai. Bệnh nhân đã sử dụng thuốc lá điện tử được 2 năm và mua từ trên mạng. Thời điểm nhập viện, em luôn trong tình trạng bị mất ngủ nhiều đêm, luôn xuất hiện ảo giác có người lạ bên cạnh mình, hoang tưởng, lo lắng, bồn chồn, người chậm chạp và có nhiều hành động bất thường như bật, tắt điện liên tục.

Đó là những câu chuyện đau lòng, đáng báo động, đáng lên án của thực trạng sử dụng thuốc lá điện tử của giới trẻ trong xã hội hiện nay.

Điều tâm đắc nhất đối với chị Huyền Trang và cộng sự ở tác phẩm này là sự lan tỏa thông điệp về nâng cao trách nhiệm của gia đình, xã hội và hiệu ứng của loạt bài sau khi phát sóng.

Phóng viên Huyền Trang chia sẻ: “Với việc dày công phân tích lớp hành lang vấn đề, ê-kip thực hiện tác phẩm mong muốn gửi thông điệp trước hết đến các bậc phụ huynh hãy sát sao quản lý con em mình trước những cám dỗ gây hại cho tương lai. Ngoài ra là vấn đề mang tính chính sách, Việt Nam cần sớm ban hành khung pháp lý quản lý chặt chẽ mặt hàng thuốc lá điện tử trước khi quá muộn”.

Loạt bài “Đừng để thuốc lá điện tử “đầu độc” giới trẻ” của Đài PT&TH Phú Thọ sau khi phát sóng đã nhận được hiệu ứng tích cực. Tại Phú Thọ, ngành giáo dục đã phối hợp với ngành công an, ngành y tế tăng cường các cuộc truyền thông về tác hại của thuốc lá điện tử trong học đường. Ngành quản lý thị trường ngay lập tức có những cuộc kiểm tra thu giữ nhiều sản phẩm thuốc lá điện tử không rõ nguồn gốc.

“Không điều gì quý giá hơn một tác phẩm báo chí đi vào đời sống và tạo ra những thay đổi tích cực cho cộng đồng” - phóng viên Huyền Trang bày tỏ.

Hòa Giang

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/boc-tran-mot-trao-luu-dau-doc-gioi-tre-post299598.html