Bồi đắp đam mê văn chương cho thế hệ trẻ

Tổ chức trại sáng tác văn học cho các cây bút trẻ đã là truyền thống của nhiều hội văn học nghệ thuật trong cả nước. Những năm gần đây, một số địa phương ở miền xa, như: Đắk Lắk, Bắc Kạn, Hà Giang... đang triển khai rất sôi động mô hình này, góp phần bồi đắp tâm hồn thế hệ trẻ, hướng các em đến giá trị chân-thiện-mỹ.

Các cây bút nhí thực tế ở Rừng Quốc gia Yok Đôn.

Các cây bút nhí thực tế ở Rừng Quốc gia Yok Đôn.

Tính đến nay, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức hàng chục trại sáng tác văn học nghệ thuật bồi dưỡng cho học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông có năng khiếu, đam mê sáng tác văn chương và được đánh giá là một trong những địa phương tích cực nhất.

Nhà văn Niê Thanh Mai, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk cho biết: Hội đã lên kế hoạch chi tiết, chủ động kết nối các đơn vị để thực hiện nhiều chuyến đi thực tế sáng tác, giúp các em tích lũy kỹ năng, trải nghiệm thực tế để đưa vào tác phẩm.

Đội ngũ làm công tác tổ chức cũng phải đổi mới, nỗ lực và tâm huyết thật sự để mỗi năm sẽ thiết kế nội dung, chương trình nhằm tăng tính kết nối, hấp dẫn. Điểm mới ở trại sáng tác năm nay của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk là có thêm lĩnh vực mỹ thuật.

Khi tham gia trại sáng tác, các em được văn nghệ sĩ của Đắk Lắk và Thành phố Hồ Chí Minh hướng dẫn sáng tác những thể loại văn xuôi, thơ, truyện ngắn, truyện đồng thoại, mỹ thuật... Bên cạnh đó là nhiều chuyến thực tế, giao lưu với các chiến sĩ Đồn Biên phòng Bo Heng, Sêrêpốk; tìm hiểu văn hóa rừng, văn hóa voi tại Vườn quốc gia Yok Đôn; giao lưu với thiếu nhi buôn Đrang Phốk (huyện Buôn Đôn); trải nghiệm thực tế tại Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh Đắk Lắk)…

Đồng hành cùng Ban tổ chức, nhà văn Trần Gia Bảo, Phó Tổng Biên tập báo Khăn Quàng Đỏ đánh giá cao công tác tổ chức của địa phương và tinh thần, niềm đam mê sáng tác của các cây bút trẻ. Nét đặc trưng văn hóa vùng đất là những tư liệu quý để các em có nhiều cảm hứng sáng tác. Từ đó, nhiều cây bút sẽ trở thành cộng tác viên tích cực với báo Khăn Quàng Đỏ, báo Mực Tím và các báo, tạp chí văn học nghệ thuật khác trong cả nước.

Trải nghiệm tại hai đồn biên phòng của tỉnh, các em học sinh đã hòa mình vào những khó khăn, thiếu thốn khi cùng ăn, cùng ở, cùng lao động và giao lưu với cán bộ, chiến sĩ nơi đây. “Em rất khâm phục ý chí, nghị lực của các chú bộ đội. Chúng em đã có những trải nghiệm quý giá, thấu hiểu hơn bài học về tinh thần hy sinh, yêu quê hương đất nước. Đây là những kỷ niệm đẹp sẽ theo mãi trong em”- em Nông Nữ Du Lam chia sẻ.

Nơi dòng suối Ốp Phlây và Đắk Đam giao nhau, tạo thành ngã ba rộng lớn với dòng chảy mạnh mẽ, các trại sinh rất xúc động, tự hào khi nghe thuyết minh về lịch sử hình thành mốc “ba 46”, nơi có ba vị trí mốc được xác định ban đầu, gồm: 46 (1) trên lãnh thổ Việt Nam, 46 (2) ở giữa cồn hai suối và 46 (3) trên lãnh thổ nước bạn Campuchia.

Để đặt được vị trí mốc, bằng mọi cách, các lực lượng phải tìm được điểm trung tuyến, nằm giữa hợp lưu hai dòng chảy. Giữa màu xanh bất tận của núi rừng Tây Nguyên là những bài học đơn sơ giản dị giữa bao la đất trời đã bồi đắp cho các em một tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống, yêu vẻ đẹp bình dị... để từ đó làm phong phú hơn từng trang viết bằng sự chân thực, gần gũi và lay động.

Những năm qua, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bắc Kạn cũng tích cực tổ chức Trại sáng tác Văn học-Mỹ thuật thiếu nhi khi mùa hè đến. Mỗi đợt có khoảng 20 học sinh tham dự và được truyền đạt kỹ năng, phương pháp, định hướng sáng tác; đi thực tế sáng tác tại ATK Định Hóa (Thái Nguyên) và Cây đa Tân Trào (Tuyên Quang); sau đó quay trở về địa phương tự nghiên cứu sáng tác, mỗi học viên nộp tác phẩm. Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc Việt Nam cũng thường xuyên tổ chức các trại sáng tác trẻ, tạo cơ hội giao lưu cho các tác giả đến từ mọi miền Tổ quốc, như: Lào Cai, Lạng Sơn, Sơn La, Cao Bằng, Gia Lai, Đắk Lắk, Thanh Hóa, Hà Giang...

Mới đây nhất, Hội Nhà văn Việt Nam đã khai mạc Trại sáng tác Văn học thiếu nhi năm 2024 tại Phú Yên. Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Bình Phương nhấn mạnh: “Thiếu nhi là tương lai của dân tộc nhưng thiếu nhi cũng là ký ức của mỗi người. Sáng tác văn học cho và về thiếu nhi không chỉ là nghĩa vụ mà còn là nhu cầu, là lương tri của mỗi nhà văn”...

Thành viên tham dự trại sáng tác này đến từ nhiều tỉnh, thành phố khác nhau với sự tiếp nối giữa nhiều thế hệ, trong đó có các nhà văn trẻ: Nguyễn Thị Kim Hòa, Võ Thu Hương, Cao Vĩ Nhánh... Trong khuôn khổ Trại sáng tác Văn học thiếu nhi năm 2024 cũng diễn ra cuộc tọa đàm “Văn học thiếu nhi hiện nay: Thực trạng và giải pháp” do Hội đồng Văn học thiếu nhi, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức.

Qua các trại bồi dưỡng sáng tác văn học nghệ thuật, nhiều cây bút có năng lực văn chương sớm được phát hiện, bồi đắp và sẽ sớm trưởng thành, yêu văn học nghệ thuật hơn. Thành công của mỗi hoạt động trở thành động lực và nhiệm vụ để các hội văn học nghệ thuật địa phương tìm ra hướng đào tạo, định hướng phù hợp cho các em.

MAI LỮ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/boi-dap-dam-me-van-chuong-cho-the-he-tre-post823433.html