Bồi dưỡng kỹ thuật trước khi bước vào trận chiến

Trong Chiến dịch Hòa Bình (cuối năm 1951 đầu 1952), Đại đội 209, Tiểu đoàn 23 làm nhiệm vụ 'mũi điểm' trên hướng tiến công thứ yếu của Trung đoàn 88 (Đại đoàn 308) vào khu B cứ điểm Tu Vũ, mở màn chiến dịch. Đây là cứ điểm then chốt của địch trên phòng tuyến sông Đà.

Đại tá, cựu chiến binh Đỗ Hạp, nguyên Đại đội trưởng Đại đội 209 trong Chiến dịch Hòa Bình kể lại: Sau khi trinh sát thực địa, xây dựng kế hoạch tác chiến, Đại đội 209 khẩn trương tiến hành bồi dưỡng kỹ thuật. Theo đó, đơn vị tổ chức các bãi tập nhỏ có hàng rào như ở đồn địch, lấy dây rừng làm giả dây thép gai, luyện tập thành thục động tác phối hợp giữa người cắt và người cuộn dây, cuộn lại gọn gàng, không ảnh hưởng tới động tác xung phong của các đội đột kích.

Ôn lại lý thuyết vô hiệu hóa các loại mìn địch thường dùng như mìn nhảy, mìn đạp nổ, đặc biệt luyện tập thành thạo gỡ các loại mìn kéo nổ mà địch bố trí phổ biến ở trong đồn. Cùng với việc luyện tập bí mật khắc phục chướng ngại vật, một bộ phận khác tiến hành luyện tập đánh bộc phá ống, đặc biệt coi trọng việc đánh liên tục, nối đuôi nhau thành một đường thẳng tiến liên phía trước; ôn luyện kỹ thuật nằm thấp đào công sự...

Cựu chiến binh Đỗ Hạp và vợ. Ảnh: TRANG ĐẶNG

Cựu chiến binh Đỗ Hạp và vợ. Ảnh: TRANG ĐẶNG

Đêm 10-12-1951, Đại đội 209 hành quân ra chiếm lĩnh trận địa, người nào cũng mang theo một số cành cây để khắc phục các bãi lầy trên đường tiến quân, tạo điều kiện thuận lợi cho pháo binh, hỏa khí nặng và cho các bộ phận mang vác nặng như tải đạn và tải thương hành quân. Đơn vị bí mật tiếp cận mục tiêu, trung đội bộc phá được lệnh bí mật cắt dây thép gai và gỡ mìn. Do được huấn luyện kỹ, các chiến sĩ lần lượt cắt được 3 lớp hàng rào và vô hiệu hóa được các bãi mìn trên cửa mở.

Đến lớp hàng rào cuối cùng, bộ đội được lệnh dừng lại để không lộ bí mật. Khi có lệnh nổ súng của Trung đoàn, Đại đội trưởng Đỗ Hạp hạ lệnh đánh quả bộc phá mở cửa mở; các lực lượng xung phong tiến công địch trong trận địa. Địch rút vào lô cốt giữa đồn chống trả quyết liệt nhưng bị bộ đội áp sát tiêu diệt. Đại đội 209 nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu. Sau trận đánh này, Đại đội trưởng Đỗ Hạp được tặng thưởng Huân chương Chiến công và được đề bạt Phó tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 23.

Bộ đội ta tiến công địch trong trận Tu Vũ. Ảnh tư liệu

Bộ đội ta tiến công địch trong trận Tu Vũ. Ảnh tư liệu

Theo Đại tá, cựu chiến binh Đỗ Hạp, sở dĩ trận đánh diễn ra nhanh chóng, quân ta ít thương vong chính là nhờ công tác chuẩn bị chu đáo; nhất là trinh sát nắm địch kỹ, huấn luyện bộ đội sát tình huống, xây dựng kế hoạch chiến đấu khoa học, xử trí tình huống linh hoạt; bảo đảm tốt thông tin liên lạc, giữ vững kỷ luật chiến trường và hiệp đồng chặt chẽ giữa các mũi, các hướng trong tiến công.

“Qua chiến đấu, bản thân tôi có bước trưởng thành, được cấp trên tin tưởng giao trách nhiệm cao hơn và tôi đã cùng đơn vị tiêu diệt đồn Nghĩa Lộ Phố, góp phần vào thắng lợi trong Chiến dịch Tây Bắc. Mãi mãi trong tôi niềm tự hào về những tháng năm tuổi trẻ, đã tham gia và góp phần công sức nhỏ bé của mình vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc chống thực dân Pháp xâm lược”, Đại tá, cựu chiến binh Đỗ Hạp tự hào.

SƠN BÌNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/boi-duong-ky-thuat-truoc-khi-buoc-vao-tran-chien-791912