Bồi hồi gặp tuổi thơ xưa trong 'Bé bỏng à, bé bỏng ơi!'
Đọc 'Bé bỏng à, bé bỏng ơi!', bỗng xúc động như khi gặp lại những trang sách giáo khoa xưa, từ tranh vẽ minh họa tới những vần thơ tràn ngập cảm xúc yêu thương, trong trẻo, như đến từ ký ức.
Một sáng đến cơ quan, tôi bỗng được dúi vào tay một tập thơ xinh xẻo. Tác giả cười cười đứng bên cạnh: “Thơ của em đấy, vừa xuất bản, sắp phát hành”. Không thể diễn tả sự ngạc nhiên của tôi. Làm sao tôi có thể tưởng tượng cô bạn ngay cạnh, mỗi ngày chỉ thấy bù đầu bài vở, chưa bao giờ công khai một bài thơ nào một ngày lại xuất bản cả một tập thơ.
Và rồi, tôi còn ngạc nhiên hơn nữa, khi lật từng trang, từng trang, tôi bị cuốn hút . Một cảm giác trong trẻo, bồi hồi ùa tới. Xúc động. Ngỡ như được gặp lại tuổi thơ của chính mình, trong những vần thơ tràn ngập khung cảnh quê, mùi quê và tình cảm gia đình xiết bao thân thương, ấm áp.
“Bé bỏng sinh ra ở phố
Không được hít hà mùi quê
Suốt ngày nghe tiếng còi xe
Ở trong căn nhà bé tí
Khoảng trời bé bỏng nhìn thấy
Chỉ là một khoảng bé xinh
Qua ô cửa nhỏ màu xanh
Mặt trăng cũng thường đi trốn” (Bé bỏng à,bé bỏng ơi!)
"Bé bỏng à, bé bỏng ơi!" của tác giả Nguyệt Cát gồm 20 bài thơ, đã mở đầu với chuyện kể về một em bé sinh ra ở phố, tuổi thơ chật chội trong căn nhà bé tí suốt ngày nghe tiếng còi xe, thiên nhiên chỉ là một khoảng trời bé xinh qua ô cửa nhỏ, còn Mặt Trăng cũng thường đi trốn.
Ấy thế nhưng, do mẹ đi công tác, bố bận bịu, bé được gửi về quê ở với ông bà nội, bé bỏng đã được trải nghiệm một tuổi thơ hoàn toàn khác. Cả một thế giới kỳ diệu mở ra với sắc màu, âm thanh, hương thơm, ánh sáng từ thiên nhiên và vạn vật. Tất cả đều sinh động, gần gũi, từ cỏ cây, hoa lá, ánh nắng, chim muông, chó, mèo, gà lợn… cũng biết lao động, nghỉ ngơi, nghịch ngợm… giống như con người, như bé vậy.
Ngôi nhà của ông bà nội với sân gạch thật rộng, khác hẳn nhà bé trên thành phố. Trăng không đi trốn nữa, mà có thể trải chiếu ngồi đợi trăng lên:
“Nhà nội có sân rộng lắm
Màu gạch đỏ đẹp làm sao
Bé chạy lon ton trước sau
Mấy vòng cũng chưa thấy chán
Cái sân sớm mai đón nắng
Buổi tối ngồi đợi trăng lên
Mảnh chiếu bà trải bên hiên
Ông ngồi uống trà trông cháu” (Sân nhà)
Thiên nhiên thì tràn ngập sắc màu, nắng, cây cỏ cũng tinh nghịch, chơi đùa giống y như bé:
“Nắng nhảy trên giàn mướp
Chạy trên những luống cà
Lăn trên những bông hoa
Long lanh cười đậu biếc” (Nắng sớm)
Còn cảnh bình minh thì mới nhộn nhịp làm sao, thay vì tiếng còi xe suốt ngày bé nghe như trên thành phố, ở đây chỉ có tiếng gà gáy sáng, các con vật bước vào ngày mới theo cách riêng của mình:
“Chú heo nái ụt ịt
Ngủ cả đêm đói rồi
Vác chiếc bụng đang sôi
Đợi tới giờ ăn sáng
Mèo cũng dậy rất sớm
Ngồi rửa mặt, vuốt râu
Chú ong bay qua chào
Vội vàng đi lấy mật
Bác trâu già đủng đỉnh
Mùa màng đã xong rồi
Giờ bác nằm nghỉ thôi
Nhai rơm và ăn cỏ
Chó lim rim nằm đó
Coi chừng đã mệt rồi
Gác cổng cả đêm trời
Nên sáng còn ngủ rốn” (Bình minh)
Viết cho thiếu nhi có khó không? Nhiều người thừa nhận là rất khó. Bởi nhìn thế giới bằng con mắt trẻ thơ thật không hề đơn giản. Cô bé con hàng xóm 5 tuổi một lần sang vườn tôi chơi, nhìn thấy cây táo bèn hỏi: “Đây là cây gì?”. Khi nhận được câu trả lời: “Là cây táo dại”, bé đã hỏi tiếp: “Thế cây táo khôn đâu”, một lối tư duy trẻ thơ thật bất ngờ, thú vị không thể bắt chước hay nghĩ ra được.
Vậy nhưng, trong “Bé bỏng à, bé bỏng ơi!”, ta gặp rất nhiều sự thú vị ấy. Mỗi bài thơ giống như một lời cưng nựng, chuyện trò của các thành viên trong gia đình với “bé bỏng” thường ngày, ghi lại hành trình lớn lên cùng những kỷ niệm của bé. Mọi sự vật, sự việc được nhìn, được kể qua lăng kính yêu thương của ông bà, cha mẹ... đối với bé. Nhưng đồng thời, cũng lấp lánh con mắt trẻ thơ trong từng cảm nhận.
Người đọc được dẫn dắt bước vào thế giới tuổi thơ một cách tự nhiên, với những cái nhìn trong trẻo, đầy những mới mẻ, bất ngờ, háo hức. Đây cũng là điều đã làm nên sự đặc biệt của cuốn sách: có sức hấp dẫn với cả hai đối tượng độc giả, trẻ em và người lớn.
Với các em nhỏ, các em sẽ được cảm nhận một thế giới tuổi thơ thật kỳ diệu mà gần gũi, vạn vật giống như những người bạn dễ thương quanh mình. Các em được mở rộng tâm hồn, cảm nhận được vẻ đẹp của thiên nhiên, của thế giới xung quanh và có thể thấy mình trong mỗi hình ảnh của bé bỏng, thật gần gũi.
Các em sẽ cũng sẽ cảm nhận được tình thương yêu của những người thân dành cho các em nhiều như thế nào, đó chính là gia đình. Ông nội chẳng biết ru bé, nhưng vẫn cố “ầu ơ hát ca/ru hoài bé vẫn thức”. Bàn tay bà thì ấp ủ “từng miếng cháo thìa cơm/bình sữa mùi thơm thơm/bà dỗ dành bé uống”. Bà đi cấy đồng xa, gặp cơn mưa rào, về nhà vẫn “có quà thích mê/chú cua bé xíu” cho bé. Còn mẹ, thì yêu từ đôi bàn tay thơm, cho đến mùi của bé...
Nhiều bài học cũng được lồng ghép khéo léo vào trong những bài thơ, đó là bàn tay thơm biết rửa trước mỗi bữa ăn, khi ăn cơm phải mời, lời mẹ dặn bé “chỉ thơm trán thôi”, “không được hôn môi/Vi khuẩn eo ôi/Thật là đáng sợ”...
Những câu thơ dễ nhớ, dễ thuộc, hình minh họa thật đẹp và sinh động chắc chắn sẽ khiến các em thích thú.
Với người lớn, những người làm cha, làm mẹ sẽ tìm thấy trong mỗi vần thơ sự đồng cảm về tình yêu vô hạn đối với con thơ, từng bước trưởng thành của con, từ lúc tập nói, tập đi, nhổ chiếc răng xinh, rồi đi học... Cùng với đó, là niềm xúc động, biết ơn đối với đấng sinh thành, đã vất vả nuôi mình khôn lớn, giờ vẫn hết lòng yêu thương, giúp đỡ cháu con. Có lẽ, rất nhiều người con đã bắt gặp cảm xúc của chính mình trong những câu thơ thế này:
“Ngày nào bé cũng ao ước
Được về quê ngoại thăm bà
Ông bé giờ đã đi xa
Một mình chắc bà buồn lắm
Bé thương tóc bà bạc trắng
Đôi tay giờ đã nhăn nheo
Thương bà đã từng ấp iu
Bế bồng bé ngày đỏ hỏn” (Bà ngoại).
Và một điều đặc biệt, với những thế hệ đã từng sinh ra ở quê, “Bé bỏng à, bé bỏng ơi!” còn khiến người đọc có cảm giác đã được sống lại tuổi thơ của mình. Từ những câu thơ mộc mạc, tới tranh vẽ minh họa chú gà trống gáy ò ó o, chú mèo nằm trên giàn mướp, ông quạt tay đưa võng cho bé ngủ, cây chuối đầu hồi... người đọc bỗng có thấy bồi hồi như khi gặp lại những trang sách giáo khoa xưa. Những hình ảnh thân thuộc gợi nhắc tình yêu với quê hương, làng mạc, nơi chôn nhau cắt rốn, trân quý tình cảm gia đình…
Tác giả Nguyệt Cát chia sẻ, chị viết "Bé bỏng à, bé bỏng ơi!" rất nhanh, cảm xúc ùa về trong quãng thời gian chị gửi con về quê. Tập thơ như một món quà chị dành tặng con yêu và những người thân của mình. Vì là tác phẩm đầu tay, nên có nhiều bỡ ngỡ.
Quả thực, khi đọc “Bé bỏng à, bé bỏng ơi!”, ta sẽ không gặp những kỹ xảo ngôn từ, hay dụng công cầu kỳ trong cách biểu đạt. Nhưng chính sự mộc mạc, cái chất hồn nhiên, trong sáng lại đem tới vẻ đẹp, sức hấp dẫn riêng cho mỗi bài thơ. Cùng với đó, những yêu thương chan chứa ẩn trong từng câu chữ, đã khiến mỗi bài thơ chạm được tới cảm xúc người đọc.
“Mỗi sớm mai thức dậy
Lũy tre xanh rì rào
Ngọn tre cong gọng vó
Kéo mặt trời lên cao”
Khi đọc “Bé bỏng à, bé bỏng ơi!”, trong tôi bỗng nhớ tới những vần thơ đã học từ ngày thơ ấu này với những ký ức đẹp đẽ. 20 bài thơ trong “Bé bỏng à, bé bỏng ơi” đem tới một cảm giác thật bình yên, hạnh phúc. Gấp sách lại, trong lòng bỗng như có đóa hoa tinh khôi mỉm cười.