Bolivia đàm phán với Nga triển khai các dự án dầu và khí đốt tự nhiên
Ngày 21/2, Bolivia xác nhận đang đàm phán một thỏa thuận với Nga để triển khai các dự án dầu và khí đốt tự nhiên tại quốc gia Nam Mỹ này.
Trong một tuyên bố cùng ngày, Bộ Năng lượng Bolivia cho hay hai nước dự kiến sẽ hoàn thiện thỏa thuận nói trên tại cuộc họp sắp tới giữa Ủy ban liên chính phủ về hợp tác kinh tế và thương mại song phương.
Sự hợp tác này “sẽ cho phép phát triển các dự án chung về thăm dò địa chất, sản xuất, vận chuyển, chế biến, tinh chế, lưu trữ và bán dầu và khí đốt ở Bolivia”. Nga cũng mời Bolivia tham dự Hội nghị Năng lượng Thế giới tại Saint Petersburg từ ngày 24 đến 27/10 năm nay.
Thông báo chính thức được đưa ra vài giờ sau khi Bộ trưởng Bộ Năng lượng Nga Nikolai Shulguinov tiết lộ kết quả cuộc họp với người đồng cấp Bolivia Franklin Molina trong phần mở đầu cho Hội nghị thượng đỉnh lần thứ sáu của Diễn đàn các nước xuất khẩu khí đốt (GECF) tại Doha, Qatar.
Gần đây, Nga đã bày tỏ quan tâm đến việc hợp tác phát triển năng lượng với Bolivia, thậm chí cam kết đầu tư hàng triệu USD từ tập đoàn Gazprom trong cuộc họp năm 2018 tại Moskva giữa Tổng thống Bolivia lúc bấy giờ là Evo Morales (2006-2019) và nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin.
Ngoài ra, Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Nga (ROSATOM) hiện đang xây dựng một trung tâm nghiên cứu công nghệ hạt nhân ở thành phố El Alto. Một khi hoàn thành, đây sẽ là trung tâm nghiên cứu công nghệ hạt nhân cao nhất so với mực nước biển trên thế giới.
GECF là tổ chức liên chính phủ gồm 11 quốc gia thành viên là các nhà sản xuất khí đốt tự nhiên hàng đầu thế giới: Algeria, Bolivia, Ai Cập, Guinea Xích đạo, Iran, Libya, Nigeria, Qatar, Nga, Trinidad & Tobago, Venezuela, cùng 7 nước quan sát viên là Angola, Azerbaijan, Iraq, Kazakhstan, Malaysia, Na Uy, Peru và Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE).
Các thành viên GECF cùng nhau kiểm soát hơn 71% trữ lượng khí đốt tự nhiên đã được kiểm chứng của thế giới, 44% sản lượng được đưa ra thị trường, 53% đường ống và 57% lượng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) xuất khẩu trên toàn cầu./.