Bom chùm của Mỹ cho Ukraine: Vũ khí thay đổi cán cân lực lượng hay một sai lầm?

Các quan chức Mỹ đã chuẩn bị sẵn các luận điểm và phản biện cho quyết định gửi bom, đạn chùm gây tranh cãi cho Ukraine, rơi vào 4 nhóm chính.

Mỹ gây tranh cãi với quyết định gửi bom, đạn chùm cho Ukraine. Ảnh: Reuters

Mỹ gây tranh cãi với quyết định gửi bom, đạn chùm cho Ukraine. Ảnh: Reuters

Quyết định của Tổng thống Mỹ Joe Biden gần đây về việc gửi bom chùm cho Ukraine đã không đến một cách dễ dàng. Phải mất 42 gói viện trợ của Mỹ, một đề nghị từ Ukraine, một yêu cầu khác từ 4 nghị sĩ hàng đầu của Đảng Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ và một khuyến nghị nhất trí từ Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ trước khi Tổng thống Biden bị thuyết phục.

“Tôi đã mất một thời gian để bị thuyết phục làm điều đó”, Tổng thống Biden nói trong một cuộc phỏng vấn với CNN.

Bom chùm có thể được coi là một phản ứng tạm thời trong một cuộc xung đột hiện đang thiếu giải pháp hoàn hảo. Cuộc phản công của Ukraine đạt được ít tiến bộ sau hơn 1 tháng phát động. Các chuyên gia quân sự cho rằng điều này cần "một cú hích" và bổ sung đạn dược để duy trì trong thời gian dài. Họ nói thêm rằng bom chùm sẽ giúp giải quyết cả hai vấn đề.

Nhưng loại vũ khí này cũng gây ra những rủi ro, như ảnh hưởng đến sự thống của phương Tây khi một số đồng minh phản đối động thái của Mỹ. Nhiều quốc gia quan trọng hỗ trợ Ukraine - chẳng hạn như Anh và Đức - là thành viên của Công ước Oslo về bom, đạn chùm, một hiệp ước cấm sử dụng chúng. Loại vũ khí gây tranh cãi này có thể rất nguy hiểm đối với dân thường và các tổ chức nhân đạo đã phản đối thông báo của Washington.

Đặc biệt, quyết định gửi bom chùm tới Ukraine có thể được coi là một sự bế tắc. Mark Cancian, một cựu sĩ quan Mỹ, hiện là nhà phân tích tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, một nhóm chuyên gia cố vấn của Washington, cho biết: “Không có câu trả lời hay ở đây. Hoặc là ông ấy (Tổng thống Biden) cung cấp những vũ khí này với những lo ngại về nhân đạo, hoặc ông ấy không cung cấp và cuộc phản công của Ukraine sẽ kém hiệu quả hơn”.

Thiếu đạn dược

Phát biểu tại các cuộc họp báo ở Nhà Trắng và Lầu Năm Góc vào tuần trước, các quan chức Mỹ đã chuẩn bị sẵn các luận điểm và phản biện.

Lập luận của họ rơi vào 4 nhóm chính. Thứ nhất, trong suốt cuộc xung đột, Nga đã sử dụng bom, đạn chùm để tấn công Ukraine và hiện sử dụng những vũ khí này để phòng thủ. Thứ hai là Ukraine đã cam kết bằng văn bản chỉ sử dụng bom, đạn chùm trên lãnh thổ của mình và không tấn công vào các khu vực đô thị hoặc đông dân cư.

Ngoài ra, họ lập luận rằng bom chùm của Mỹ có tỷ lệ hư hỏng thấp hơn nhiều - điều quan trọng vì đạn không nổ lúc đầu có thể gây thương vong cho thường dân sau đó. Colin Kahl, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phụ trách chính sách Mỹ cho biết bom, đạn chùm mà Ukraine sẽ nhận được có tỷ lệ hư hỏng dưới 2,35%.

Vấn đề cuối cùng: Nếu không cung cấp vũ khí này, Ukraine có thể phải đối mặt với tình trạng thiếu đạn dược, điều này sẽ cản trở cuộc phản công của họ. Bom chùm sẽ giúp Kiev vượt qua giai đoạn khó khăn đó.

Bom, đạn chùm gây nhiều rủi ro đối với dân thường. Ảnh: Reuters

Bom, đạn chùm gây nhiều rủi ro đối với dân thường. Ảnh: Reuters

Các ngành công nghiệp quốc phòng của Mỹ và châu Âu – vốn không được chuẩn bị cho một cuộc chiến khốc liệt và kéo dài như cuộc xung đột ở Ukraine - đã tăng cường để đáp ứng nhu cầu của nước này kể từ tháng 2 năm ngoái. Mỹ đã cam kết cung cấp 2 triệu quả đạn pháo 155 mm, ngoài hàng trăm nghìn quả đạn từ các đối tác khác, nhưng vẫn không đủ.

Bom, đạn chùm gồm hàng chục quả đạn nhỏ bên trong một quả đạn pháo lớn. Những quả đạn pháo này tiêu diệt sinh lực đối phương nhiều hơn so với các viên đạn riêng lẻ, cho phép bắn ít đạn hơn về tổng thể và giúp duy trì nỗ lực phản công trong khi cơ sở công nghiệp của Mỹ tìm cách đáp ứng.

Những người ủng hộ nói thêm rằng đây chính xác là những loại vũ khí Ukraine cần trong giai đoạn hiện tại của cuộc xung đột. Tuyến phòng thủ của Nga có chiều sâu phòng ngự hơn 20km ở hầu hết các khu vực và có nhiều lớp bãi mìn, chiến hào và chướng ngại vật chống tăng, chưa nói đến các lực lượng phòng thủ của Nga. Những vũ khí này sẽ cho phép Ukraine tấn công mục tiêu ở phạm vi rộng hơn và với độ chính xác tương đối cao, theo Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ, Tiến sĩ Colin Kahl.

Nguy cơ đối với dân thường

Tiến sĩ Kahl nói rằng tỷ lệ hư hỏng thấp (2,35%) của bom chùm Mỹ dựa trên 5 nghiên cứu của Bộ Quốc phòng Mỹ từ năm 1998 đến năm 2020. Nhưng các nghiên cứu này là bí mật và Bộ Quốc phòng Mỹ không có kế hoạch công bố chúng.

Tất cả những điều này làm tăng thêm sự hoài nghi của các tổ chức nhân đạo, những người cảnh báo rằng bom chùm nguy cơ gây thương vong cho nhiều thường dân hơn trong cuộc xung đột này.

Một báo cáo từ Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, được công bố ngay trước thông báo của chính quyền Mỹ, cho biết việc Ukraine sử dụng bom chùm trong cuộc bao vây Izium vào mùa thu năm ngoái đã khiến 8 dân thường thiệt mạng và 15 người khác bị thương. Chính phủ Ukraine, trước đây đã nhận được bom chùm từ Thổ Nhĩ Kỳ, đã phủ nhận những thông tin này.

Mary Wareham thuộc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cũng không đồng tình với tuyên bố của Tiến sĩ Kahl rằng “có bom chùm tốt và có bom chùm kém". Trong quá khứ, tỷ lệ gây thương đối với bom, đạn chùm của Mỹ hóa ra cao hơn dự kiến, gây ra thiệt hại cho dân thường và binh lính. Trong Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất vào năm 1991, khoảng 10% tổng số binh sĩ Mỹ thiệt mạng do bom mìn chưa nổ. Tỷ lệ hư hỏng của bom, đạn chùm M42 của Mỹ - được cho là đã được gửi đến Ukraine - ở mức trên 14%.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo csmonitor.com)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/bom-chum-cua-my-cho-ukraine-vu-khi-thay-doi-can-can-luc-luong-hay-mot-sai-lam-20230720153407968.htm