Quân đội Mỹ vừa công bố kế hoạch phát triển bom hạt nhân B61-13 thế hệ mới, với lý do loại B61-12 hiện có đang tỏ ra không đủ sức mạnh để tấn công một loạt các mục tiêu lớn hoặc được bảo vệ tốt dưới lòng đất.
Thông cáo báo chí của Lầu Năm Góc về vấn đề này giải thích rằng bom hạt nhân B61-13 sẽ có công suất đầu ra tương tự phiên bản B61-7 thế hệ cũ đang được thay thế.
"Các biến thể hiện đại của bom hạt nhân B61 cho phép người điều khiển cài đặt lực nổ trước khi sử dụng và mức tối đa cho phiên bản B61-12 hiện chỉ dừng lại ở mức 50 kiloton".
"Mặc dù con số này lớn hơn khoảng 3 lần so với 15 kiloton được sử dụng để tấn công thành phố Hiroshima vào năm 1945, nhưng nó nhỏ hơn nhiều so với một số mẫu B61 trước đây".
"Đương lượng nổ của biến thể B61-7 cũ vào khoảng 350 kiloton, đây là một trong những công suất bom cao nhất từng được trang bị trên máy bay tiêm kích chiến thuật", ấn phẩm quân sự phương Tây Military Watch (MW) làm rõ.
Bom B61 dự kiến sẽ được sử dụng rộng rãi nhất trên máy bay chiến đấu tàng hình F-35 Lightning II khi nó hiện là loại tiêm kích hệ hệ thứ năm duy nhất của phương Tây có khả năng mang vũ khí hạt nhân.
Tạp chí Military Watch viết thêm: "Mỹ hiện đã có thỏa thuận chia sẻ vũ khí hạt nhân với 5 quốc gia châu Âu, 4 trong số đó là khách hàng mua tiêm kích tàng hình F-35 Lightning II".
"Có những dấu hiệu cho thấy Ba Lan và Nhật Bản - hai nước đã đặt mua máy bay chiến đấu tàng hình tương tự, cũng có thể đạt được thỏa thuận nhằm cung cấp khả năng tiếp cận bom hạt nhân của Mỹ trong trường hợp nổ ra chiến tranh".
Các nhà phân tích đến từ ấn phẩm MW nhấn mạnh rằng mối lo ngại của Quân đội Mỹ về việc nâng cao sức mạnh kho vũ khí hạt nhân của họ xuất hiện khi căng thẳng gia tăng giữa Washington và các đối thủ hàng đầu.
"Trung Quốc, Triều Tiên, Nga và Iran đã củng cố nghiêm ngặt các cơ sở quân sự quan trọng nằm sâu dưới lòng đất. Đặc biệt, Triều Tiên là quốc gia đi đầu trong việc phổ biến các công nghệ này".
"Các sân bay, nhà máy, kho vũ khí, nơi trú ẩn dân sự cũng như toàn bộ căn cứ và doanh trại được xây dựng sâu dưới lòng đất trên khắp Triều Tiên, thường ở độ sâu hơn 100 mét. Hệ thống đường sắt ngầm của thủ đô Bình Nhưỡng được củng cố và nằm sâu", tờ MW nói thêm.
Tuy nhiên một số chuyên gia quân sự tin rằng không có biến thể nào của bom hạt nhân B61, kể cả sản phẩm mới trong tương lai, có thể xuyên thủng tới các vật thể nằm sâu như vậy.
Tuy nhiên hệ thống dẫn đường chính xác hơn ứng dụng trên phiên bản hiện đại của loại bom này giúp có thể sử dụng hiệu quả trong một đợt tấn công lớn vào cùng địa điểm, khi một phi đội F-35 có thể mang nhiều hơn 1 quả bom trong mỗi chuyến bay.
"Nhưng vì là một trong những loại đạn đắt nhất thế giới, có giá trị hơn trọng lượng của nó bằng vàng, nên số lượng mục tiêu cứng quan trọng vẫn lớn hơn gấp nhiều lần so với số lượng B61 hiện có", ấn phẩm Military Watch kết luận.