'Bom nợ' trái phiếu bất động sản sắp được gỡ?
Đang có nhiều nỗ lực nhằm khơi thông điểm nghẽn thị trường trái phiếu, tuy nhiên, hơn 207 nghìn tỷ đồng trái phiếu đáo hạn trong hai năm tới vẫn đang tạo sức ép rất lớn, khiến không ít doanh nghiệp bất động sản phải 'thở bình oxy'.
Trả lời chất vấn trên nghị trường Quốc hội ngày 8/6, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết hiện thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là bởi công tác quản lý, dòng tiền biến động, các doanh nghiệp gặp khó khăn tài chính sau đại dịch…
Áp lực vẫn bủa vây
Dù còn nhiều khó khăn, song theo Phó Thủ tướng, việc phát hành, thanh toán, gia hạn, đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp nói chung, trái phiếu doanh nghiệp bất động sản nói riêng đã dần ổn định, từng bước tháo gỡ khó khăn trên tinh thần thực hiện trách nhiệm trên hợp đồng dân sự.
Cụ thể, Chính phủ đã ban hành, sửa đổi nhiều Nghị định, chỉ đạo trực tiếp các dự án bất động sản. Đơn cử, Chính phủ gần đây đã nới lỏng các hạn chế tiếp cận tín dụng đối với các doanh nghiệp bất động sản bằng việc ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP hồi đầu tháng 3.
Nghị định 08 cho phép các doanh nghiệp cơ cấu lại nợ trái phiếu với việc kéo dài thời gian đáo hạn tối đa 2 năm. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã ghi nhận hàng loạt thỏa thuận thành công. Tuy nhiên, lĩnh vực bất động sản vẫn đang đối diện với những áp lực khổng lồ.
Minh chứng, từ tháng 3 đến nay, số lượng trái phiếu bất động sản phát hành mới giảm dần đều. Cụ thể, trong tháng 3, chỉ một tuần sau khi Nghị định 08 được ban hành (từ ngày 6 - 13/3), có tới 6 lô trái phiếu được phát hành, tổng giá trị hơn 11.930 tỷ đồng, trong đó doanh nghiệp bất động sản chiếm số lượng áp đảo.
Bước sang tháng 4, chỉ có 1 doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu với giá trị khoảng 670 tỷ đồng. Còn trong tháng 5, dữ liệu tổng hợp của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), thị trường chưa có đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp nào được ghi nhận.
Theo VBMA, hiện có rất ít doanh nghiệp công bố kế hoạch phát hành trái phiếu doanh nghiệp năm 2023. Tiêu biểu là CTCP Thuận Đức đã thông qua nghị quyết chào bán trái phiếu ra công chúng với giá trị tối đa 300 tỷ đồng nhằm cơ cấu lại các khoản nợ, thanh toán lãi, gốc và các nghĩa vụ đến hạn.
Ngoài ra, Công ty TNHH Khai thác Chế biến Khoáng sản Núi Pháo thông qua chào bán tối đa 1.000 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có bảo đảm với kỳ hạn tối đa 60 tháng kể từ ngày phát hành ra công chúng trong quý II/2023.
Cách nào giảm tải?
Bên cạnh khả năng phát hành mới, lượng trái phiếu đáo hạn khổng lồ cũng đang tạo áp lực rất lớn đến “sức khỏe” tài chính của nhiều doanh nghiệp địa ốc. Kể từ đầu tháng 5, đã có hàng chục công ty thông báo chậm trả gốc, lãi trái phiếu hoặc gia tăng thêm kỳ hạn trái phiếu.
Trong đó có những tên tuổi hàng đầu như Hưng Thịnh Land, Novaland, Hưng Phát, Đất Xanh miền Nam, Hưng Thịnh Investment… thông báo chậm trả gốc lãi trái phiếu. Ngoài ra, một loạt doanh nghiệp như Kita Invest, Phát Đạt… thông báo kéo dài kỳ hạn trái phiếu
Theo thống kê, áp lực đáo hạn trái phiếu trong nửa cuối năm 2023 là rất lớn. Chỉ riêng trong 4 tháng tới (6, 7, 8, 9), lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn lần lượt là: 35.274 tỷ đồng, 26.564 tỷ đồng, 33.746 tỷ đồng và gần 41.000 tỷ đồng… Trong đó, lượng trái phiếu bất động sản đáo hạn lên tới gần 82.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, theo số liệu của Bộ Tài chính, năm 2023 và 2024, khối lượng trái phiếu đến hạn tăng vọt, lần lượt ở mức 271.400 tỷ đồng và 329.500 tỷ đồng. Riêng khối lượng trái phiếu bất động sản đến hạn là 207.800 tỷ đồng, trái phiếu của các tổ chức tín dụng đến hạn là 207.500 tỷ đồng.
Trước những áp lực của thị trường trái phiếu, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho hay Chính phủ đã ban hành, sửa đổi nhiều Nghị định như Nghị định 65, Nghị định 08 liên quan đến thị trường trái phiếu, còn tại thị trường bất động sản đã chỉ đạo tháo gỡ trực tiếp từng dự án.
“Chính phủ đã chỉ đạo hoàn thiện căn cứ pháp lý để nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc, giúp thị trường hoạt động một cách thông suốt và hiệu quả. Cùng với đó, công tác kiểm tra, giám sát cũng được tăng cường để đảm bảo công khai, minh bạch, nâng cao nhận thức, pháp luật, ổn định tâm lý”, Phó Thủ tướng cho hay.
Bên cạnh chính sách vĩ mô, theo chuyên gia, trước mắt gia hạn trái phiếu là cách tốt nhất doanh nghiệp có thể làm để giảm áp lực. Bởi nếu tính đến phương án hoán đổi tài sản sẽ không dễ dàng khi chính tài sản lại đang bị chôn chặt tại các ngân hàng.
Trong một bài viết vào giữa tuần trước, Vnbusiness dẫn lời ông Đỗ Bảo Ngọc, Tổng giám đốc nền tảng hỗ trợ đầu tư Fstock, khẳng định: "Gia hạn trái phiếu sẽ là xu hướng trong thời gian tới. Trái chủ sẽ phải chấp nhận rủi ro vốn bị chiếm dụng lâu hơn, trong khi doanh nghiệp sẽ có thời gian để xoay xở về mặt tài chính, còn nếu không sẽ đối mặt nguy cơ vỡ nợ. Nếu gia hạn mà không phải tăng lãi suất thì sẽ là phương án tốt đẹp nhất".
Bên cạnh đó, theo chuyên gia, việc xem xét giãn nợ là yếu tố quan trọng hàng đầu hiện nay, giúp doanh nghiệp giải quyết vướng mắc lớn nhất là có thêm thời gian để chuẩn bị, còn lại những quy định khác có tác động nhưng không quá nhiều.
Tuy nhiên, theo chuyên gia của Fiingroup, điểm mấu chốt để tái cấu trúc nợ là các doanh nghiệp cần tăng niềm tin của khách hàng bằng cách minh bạch thông tin về mục đích sử dụng vốn trái phiếu cho hoạt động tái cơ cấu nợ, ở các chương trình dự án cụ thể theo yêu cầu của Nghị định 65.