Bốn lần gặp gỡ - một mối thân tình

Trong dòng chảy không ngừng của ngoại giao khu vực và thế giới, một sự kiện vừa diễn ra đã để lại ấn tượng sâu sắc: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình đã lần thứ tư thăm Việt Nam trên cương vị người đứng đầu Đảng và Nhà nước Trung Quốc. Trong quan hệ quốc tế, hiếm có mối bang giao nào lại được đánh dấu bằng nhiều cuộc gặp cấp cao như vậy trong cùng một giai đoạn lãnh đạo.

Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường cùng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tham quan trưng bày ảnh “75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc”

Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường cùng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tham quan trưng bày ảnh “75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc”

Chuyến thăm lần này diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt – Trung đang đứng trước yêu cầu phát triển mạnh mẽ và thực chất hơn, đồng thời cũng trong thời điểm chuyển giao thế hệ lãnh đạo cao nhất của Việt Nam. Với ý nghĩa đó, cuộc gặp giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình là sự nối dài của một mối thân tình chính trị đặc biệt giữa hai Đảng, hai Nhà nước – được vun đắp bằng truyền thống lịch sử, bằng lý tưởng và bằng những cam kết có trách nhiệm cho tương lai.

Bốn lần thăm Việt Nam – một thông điệp về lòng tin và tầm nhìn

Việc Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình bốn lần tới thăm Việt Nam phản ánh một cách nhìn nhất quán, lâu dài và đầy thiện chí của Trung Quốc trong chính sách láng giềng đối với Việt Nam. Trong bài viết nhân chuyến thăm, Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định Trung Quốc và Việt Nam là "cộng đồng có chung tương lai mang ý nghĩa chiến lược" – một cách nói thể hiện rõ mong muốn đồng hành lâu dài, chia sẻ trách nhiệm và phối hợp phát triển giữa hai quốc gia xã hội chủ nghĩa láng giềng.

Về phía Việt Nam, sự đón tiếp trọng thị và thân tình dành cho Chủ tịch Tập Cận Bình cũng là lời khẳng định cho một truyền thống hữu nghị lâu đời, đồng thời cho thấy sự chủ động và thiện chí trong việc đưa quan hệ song phương tiến xa hơn, sâu hơn và thực chất hơn. Hai bên đã thể hiện quyết tâm biến những điểm tương đồng thành sức mạnh gắn kết, biến khác biệt thành cơ hội đối thoại, hướng tới một quan hệ ổn định, cùng có lợi, và không ngừng được nâng tầm.

Một cách tiếp đón thể hiện bản sắc và sự tự tin

Cách Việt Nam đón tiếp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc đã thể hiện tấm lòng hiếu khách, sự trọng thị và thái độ chân thành đối với người bạn láng giềng.

Nhưng điều đáng nói hơn nằm ở phong cách riêng của ngoại giao Việt Nam – nơi lễ nghi đi cùng sự chân tình, nơi hình thức được kết hợp hài hòa với thông điệp. Từ nội dung hội đàm đến cách thức truyền thông, Việt Nam đã khéo léo gửi đi thông điệp rõ ràng: chúng ta sẵn sàng làm bạn, làm đối tác chiến lược lâu dài, nhưng trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, bảo đảm độc lập, chủ quyền, bình đẳng và hiểu biết.

Chính sự cân bằng giữa nghi thức và nội dung, giữa hình thức và chiều sâu chính trị, đã làm nên bản sắc cho cuộc tiếp đón lần này – một bản sắc mang đậm phong thái của một quốc gia đủ bản lĩnh để không bị cuốn theo, nhưng cũng đủ mềm mại để giữ vững đối thoại và hợp tác.

Mối thân tình trong thế giới đầy biến động

Trong bối cảnh thế giới đang chứng kiến sự phân cực, cạnh tranh chiến lược và nhiều rạn nứt địa chính trị, mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Trung Quốc càng có ý nghĩa đặc biệt. Nó không chỉ là sự gắn bó giữa hai quốc gia gần gũi về địa lý, tương đồng về lý tưởng và hệ thống chính trị, mà còn là một biểu hiện sinh động của tư duy đối ngoại khôn khéo và nhân văn: lấy thiện chí hóa giải khác biệt, lấy đối thoại vượt qua thử thách.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng hiểu rõ rằng trong một thế giới nhiều biến động, giữ được sự thân tình là điều quý, nhưng giữ được thế chủ động mới là điều cốt lõi. Chính vì thế, Việt Nam không ngừng củng cố nội lực, kiên trì thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa và luôn sẵn sàng là bạn tốt, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Một vị thế – Một thử thách – Một cơ hội

Không gian chiến lược của Việt Nam đang ngày càng được mở rộng. Các chuyến thăm liên tục từ nhiều trung tâm quyền lực trên thế giới – từ Trung Quốc, Hoa Kỳ, đến Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu – cho thấy Việt Nam đang ở vào tâm điểm của sự quan tâm chiến lược toàn cầu.

Thế nhưng, chính vị thế ấy cũng đặt ra yêu cầu rất cao về bản lĩnh ứng xử, về cách đón nhận các cơ hội và xử lý các thách thức. Cơ hội luôn đi liền với thách thức. Bài toán đặt ra là: làm sao để vị thế địa chính trị không trở thành gánh nặng, mà là lợi thế cạnh tranh chiến lược? Câu trả lời nằm ở sự tỉnh táo, sự tự cường và một tầm nhìn dài hạn đặt lợi ích dân tộc lên trên hết.

Mối thân tình và niềm tin chiến lược

Bốn lần gặp gỡ là bằng chứng sống động của một mối thân tình chính trị - ngoại giao bền chặt – nhưng điều làm nên giá trị lâu dài chính là niềm tin chiến lược giữa hai bên: tin vào thiện chí, tin vào tiềm năng hợp tác và tin vào khả năng xử lý thỏa đáng những khác biệt, vì lợi ích chung của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới.

Trong tinh thần đó, chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình đã thành công tốt đẹp. Đây không chỉ là dịp để khẳng định quan hệ Việt – Trung, mà còn là thời khắc để Việt Nam một lần nữa thể hiện bản lĩnh: giữ bạn bè, giữ độclập, giữ thế chủ động, để không ngừng vươn mình lên trong một thế giới nhiều biến động, nhiều rủi ro, nhưng cũng đầy cơ hội nếu biết tận dụng đúng lúc và đúng cách.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/bon-lan-gap-go-mot-moi-than-tinh-102250416080615613.htm