Bốn mục tiêu chiến lược dữ liệu quốc gia đến năm 2030

Chiến lược dữ liệu quốc gia đến năm 2030 đặt ra mục tiêu biến dữ liệu thành động lực thúc đẩy sự phát triển của Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Dữ liệu không chỉ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia mà còn góp phần đưa Việt Nam trở thành một quốc gia số an toàn, bền vững.

Theo chiến lược này, dữ liệu sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế, giúp Việt Nam vượt qua mức thu nhập trung bình thấp, đạt mức thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của chiến lược là xây dựng thể chế, chính sách nhằm định hình môi trường pháp lý cho dữ liệu. Việt Nam sẽ tập trung nghiên cứu và xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số, trong đó quy định các hình thức sở hữu dữ liệu, quyền tài sản dữ liệu và cơ chế mua bán dữ liệu, đưa dữ liệu trở thành một loại tài sản được pháp luật bảo vệ. Đồng thời, chiến lược cũng hướng đến việc thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dữ liệu, xây dựng chính sách ưu đãi nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp cung cấp nền tảng, dịch vụ quản trị dữ liệu.

Ngoài ra, Chính phủ sẽ có biện pháp kiểm soát để ngăn chặn sự chi phối, thao túng thị trường của các tổ chức, doanh nghiệp nắm giữ khối lượng dữ liệu lớn, đảm bảo một môi trường cạnh tranh lành mạnh. Cùng với đó, Việt Nam cũng sẽ ban hành các nguyên tắc sử dụng dữ liệu có trách nhiệm, đồng thời đưa ra quy định hướng dẫn về an toàn trong ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), đảm bảo con người vẫn đóng vai trò chủ đạo, hài hòa lợi ích phát triển với các tiêu chuẩn đạo đức.

Song song với việc hoàn thiện thể chế, chiến lược cũng đặt mục tiêu phát triển hạ tầng dữ liệu quốc gia. Cụ thể, Việt Nam sẽ xây dựng các Trung tâm dữ liệu quốc gia và Trung tâm dữ liệu vùng với quy mô lớn, đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn xanh và bền vững.

Các trung tâm này sẽ được kết nối với Trạm trung chuyển Internet quốc gia (VNIX) theo lộ trình phù hợp với Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông quốc gia, đảm bảo dữ liệu được kết nối đồng bộ, liên thông và có khả năng dự phòng. Việc phát triển hạ tầng dữ liệu sẽ giúp tối ưu hóa quá trình cập nhật và khai thác dữ liệu, đảm bảo sự ổn định trong vận hành ngay cả khi kết nối Internet quốc tế bị gián đoạn.

Bên cạnh đó, một nhiệm vụ trọng tâm khác của chiến lược là phát triển và mở rộng các cơ sở dữ liệu quốc gia. Chính phủ sẽ tập trung hoàn thiện các cơ sở dữ liệu trọng yếu như dân cư, đất đai, đăng ký doanh nghiệp, tài chính, bảo hiểm, cán bộ công chức, viên chức, tạo nền tảng vững chắc cho chính phủ điện tử và nền kinh tế số.

Việc xây dựng và tích hợp các cơ sở dữ liệu này không chỉ nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước mà còn giúp doanh nghiệp và người dân tiếp cận thông tin nhanh chóng, minh bạch hơn, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Ngoài ra, chiến lược cũng nhấn mạnh vai trò của việc kết nối và chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước, tổ chức và doanh nghiệp. Việt Nam sẽ đẩy mạnh ứng dụng các nền tảng số như Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP), nền tảng thiết bị IoT và Trục liên thông văn bản quốc gia để kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin trên quy mô toàn quốc. Mục tiêu là tạo ra một hệ sinh thái dữ liệu mở, thúc đẩy việc khai thác và sử dụng dữ liệu một cách hiệu quả, đồng bộ, giúp tối ưu hóa hoạt động quản lý và cung cấp dịch vụ công.

Riêng với Bộ Khoa học và Công nghệ, chiến lược đặt ra các nhiệm vụ cụ thể như xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học và công nghệ, kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác. Đồng thời, Bộ sẽ chịu trách nhiệm phát triển nền tảng chia sẻ dữ liệu nghiên cứu khoa học và công nghệ, tạo điều kiện cho cộng đồng khoa học khai thác, phân tích và chia sẻ dữ liệu nghiên cứu. Ngoài ra, việc thực hiện số hóa dữ liệu ngành khoa học và công nghệ theo từng giai đoạn cũng được ưu tiên, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho ứng dụng AI, khai phá dữ liệu, đưa ra các báo cáo phân tích, đánh giá tác động đến ngành.

Với bốn mục tiêu trọng tâm nêu trên, chiến lược dữ liệu quốc gia đến năm 2030 sẽ giúp Việt Nam tạo lập một nền tảng vững chắc cho sự phát triển của chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Việc hoàn thiện thể chế, phát triển hạ tầng, mở rộng cơ sở dữ liệu và thúc đẩy kết nối dữ liệu sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo động lực để Việt Nam trở thành một quốc gia số tiên tiến, hiện đại và an toàn trong tương lai.

Chiến lược dữ liệu quốc gia đến năm 2030 được Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã ký quyết định phê duyệt vào ngày 2/2/2024. Chiến lược đưa ra tầm nhìn: Dữ liệu của Việt Nam mở ra không gian hoạt động và phát triển mới cho Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số; phản ánh đầy đủ mọi mặt hoạt động kinh tế - xã hội trên môi trường số và là nhân tố thúc đẩy tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, đảm bảo cho tiến trình chuyển đổi số thành công, đưa Việt Nam trở thành quốc gia số an toàn.

Dữ liệu góp phần chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế, đưa Việt Nam vượt qua mức thu nhập trung bình thấp, đạt mức thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và đạt mức thu nhập cao vào năm 2045.

Văn Hùng

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/bon-muc-tieu-chien-luoc-du-lieu-quoc-gia-den-nam-2030-316200.html