Bong bóng AI đã và đang vỡ?

Khi nói đến trí tuệ nhân tạo (AI), cần nhìn nó từ hai khía cạnh: nhà đầu tư trông chờ lợi nhuận từ các công ty công nghệ và các cá nhân tìm cách khai thác những sản phẩm AI tạo sinh của các công ty này. Sự sôi động, phong phú trên thị trường ứng dụng AI vào nhiều hoạt động trong cuộc sống vẫn đang diễn ra; thế nhưng việc thương mại hóa các công cụ này để bù đắp vào hàng ngàn tỉ đô la đã đổ ra vẫn chưa thấy đâu – và từ đó, giới đầu tư đang e dè siết lại hầu bao, chọc nổ bong bóng AI đã phồng căng quá mức.

(KTSG) – Khi nói đến trí tuệ nhân tạo (AI), cần nhìn nó từ hai khía cạnh: nhà đầu tư trông chờ lợi nhuận từ các công ty công nghệ và các cá nhân tìm cách khai thác những sản phẩm AI tạo sinh của các công ty này. Sự sôi động, phong phú trên thị trường ứng dụng AI vào nhiều hoạt động trong cuộc sống vẫn đang diễn ra; thế nhưng việc thương mại hóa các công cụ này để bù đắp vào hàng ngàn tỉ đô la đã đổ ra vẫn chưa thấy đâu – và từ đó, giới đầu tư đang e dè siết lại hầu bao, chọc nổ bong bóng AI đã phồng căng quá mức.

Cuộc đua đầu tư vào AI tạo sinh rất tốn kém, chủ yếu vào các con chip đắt tiền, các trung tâm dữ liệu ngày càng lớn và nguồn năng lượng ngày càng tốn kém. Công ty mẹ của Google là Alphabet trong quí gần đây nhất đã chi đến 13 tỉ đô la vào hạ tầng AI, tăng so với 12 tỉ đô la cùng kỳ một năm trước đó. Microsoft chi đến 19 tỉ đô la cho cùng mục đích, tăng mạnh so với 10,7 tỉ đô la tập đoàn này đã đầu tư vào năm ngoái. Amazon trong nửa đầu năm nay chi đến 30 tỉ đô la tiền đầu tư liên quan đến nền tảng Amazon Web Services.

Đây là các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán; khai báo mức chi ngày càng tăng cho AI thì đã rõ nhưng doanh thu từ AI thì không thấy đâu cả. Nhà đầu tư, sở hữu cổ phiếu các công ty này và một khi đã thất vọng trước lời hứa hẹn tiềm năng AI, họ sẽ bỏ phiếu bằng chân – đó là lý do vì sao cổ phiếu của các công ty công nghệ bị bán tháo, giá liên tục sụt giảm trong thời gian qua.

Với sự phát triển của công nghệ AI tạo sinh hiện đã nảy sinh hai vấn đề lớn. Đầu tiên, các công ty công nghệ liên tục cho ra đời các mô hình AI, hết loại này đến loại khác trong khi người dùng chưa bắt kịp với thế hệ trước đã phải làm quen với thế hệ sau. Vấn đề thứ hai là công nghệ AI còn quá mới, sử dụng ở mức độ cá nhân có thể hữu ích, giúp tiết kiệm thời gian, nhưng ứng dụng ở tầm mức toàn công ty, toàn ngành thì chưa có.

Vì các thế hệ AI đua nhau ra đời, các công ty dù muốn cũng khó lòng đầu tư để ứng dụng vào hoạt động vì không biết có bị sớm lạc hậu hay không. Chính vì thế các chủ nhân mô hình AI xem như bó tay, không thể kiếm ra tiền từ các công cụ mình bỏ công sức, tiền bạc để xây dựng.

Kể từ khi OpenAI cho ra mắt ChatGPT vào cuối năm 2022, luồng thông tin chủ đạo đến tai người nghe là những lời ca tụng tiềm năng to lớn như một cuộc cách mạng thay đổi cuộc sống của con người. Thế nhưng cho đến nay, đối chiếu những gì AI làm được, cái tiềm năng ấy vẫn nằm ở đâu đó trong tương lai, các sản phẩm hiện có rất ấn tượng nhưng chỉ mới ở mức độ cá nhân như hỏi gì đáp nấy, tạo video, tạo ảnh theo lời nhắc. Ấn tượng thì mạnh nhưng dùng chúng vào việc gì thì chưa rõ, không lẽ cứ ngồi dùng ảnh tĩnh rồi tạo video động chỉ để giải trí! Đó là chưa kể các nỗ lực áp dụng AI vào xử lý công việc một cách chính thức bị tạt những gáo nước lạnh bởi thỉnh thoảng các AI tạo sinh cứ bịa chuyện y như thật.

OpenAI là một trong số công ty hiếm hoi có thể kiếm tiền từ AI bằng cách thu tiền từ người dùng, nhưng theo The Information, năm nay công ty này có thể lỗ đến 5 tỉ đô la, tăng gấp 10 lần so với mức lỗ năm 2022. Đó là bởi chi phí vận hành ChatGPT, theo nhiều nguồn tin, có thể lên đến 700.000 đô la mỗi ngày hay 36 xu để trả lời một câu hỏi, tính vào thời điểm tháng 4-2023 và nay có thể cao hơn. Dario Amodei, CEO của Anthropic, tiên đoán một mô hình AI trong tương lai, ví dụ GPT-6, có thể tốn đến 100 tỉ đô la để huấn luyện vào năm 2027.

Hiện nay AI làm tốt những công việc đã tồn tại trước đó như viết lách, thảo chương, dịch thuật, vẽ hình… nhanh hơn và rẻ hơn con người làm. Nhưng cải tiến mức độ hữu hiệu chỉ có thể đem lại một mức giá trị vừa phải nào đó chứ không phải là bước đột phá nhà đầu tư trông chờ để thu hồi vốn đã bỏ ra. Cùng lắm AI có thể thay các nhân viên trong các trung tâm dịch vụ khách hàng hay xử lý dữ liệu ban đầu – những bước tiến không thể bù đắp hàng ngàn tỉ đô la đã chi. Lỗi một phần cũng do các “chuyên gia” nổ quá đà trước đó, như chuyên gia của McKinsey từng tuyên bố AI tạo sinh có thể bổ sung cho nền kinh tế thế giới đến 8.000 tỉ đô la mỗi năm. Hay một chuyên gia khác của JPMorgan cho rằng AI sẽ có tác động còn lớn hơn Internet hay iPhone nữa.

Hiện nay, các nhà phân tích tài chính đã đưa ra những con số tỉnh táo hơn nhiều. Họ cho rằng so sánh mức độ đầu tư của các công ty công nghệ xây dựng các trung tâm dữ liệu AI, các công ty này phải tạo ra doanh thu cỡ 600 tỉ đô la mỗi năm để hòa vốn, tức so với hiện nay thì còn thiếu chừng 500 tỉ đô la – một con số khổng lồ. Đó là lý do vì sao họ tuyên bố bong bóng AI đã và đang vỡ.

Nguyễn Vũ

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/bong-bong-ai-da-va-dang-vo/