Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng: Nhiều cách làm hay giúp bộ đội xuất ngũ
Quận Thanh Khê (TP Đà Nẵng) có nhiều cách làm hay thực hiện chính sách hậu phương Quân đội, trong đó có tìm kiếm, giới thiệu việc làm cho bộ đội xuất ngũ (BĐXN). Không chỉ giúp BĐXN sớm có việc làm, ổn định cuộc sống mà việc này còn mang lại hiệu ứng tích cực khi tạo thêm động lực để thanh niên địa phương hăng hái thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Trong khuôn khổ Ngày hội việc làm cho quân nhân xuất ngũ và người lao động tại quận Thanh Khê năm 2024 do Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP Đà Nẵng phối hợp với UBND quận Thanh Khê tổ chức vào đầu tháng 4 vừa qua, có 125 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng với gần 7.900 vị trí việc làm.
Chỉ sau ít ngày, ngày hội đã kết nối, giới thiệu việc làm cho hàng nghìn trường hợp, trong đó có hàng trăm lao động là BĐXN với mức lương khởi điểm từ 6 triệu đồng đến 15 triệu đồng/người/tháng, tùy theo trình độ chuyên môn, tay nghề, vị trí làm việc. Các doanh nghiệp, trung tâm đào tạo nghề, đơn vị có chức năng tuyển dụng và đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng... đều chuẩn bị sẵn tài liệu, thông báo rõ nhu cầu tuyển dụng, sử dụng lao động, số lượng lao động xuất khẩu, chế độ đãi ngộ... để mọi người chủ động tìm hiểu.
Được nhận vào làm nhân viên lái xe cho một công ty du lịch, chuyên đưa đón khách từ sân bay quốc tế Đà Nẵng đến các khách sạn, cơ sở lưu trú trên địa bàn TP Hội An (Quảng Nam), anh Nguyễn Quang Huy (25 tuổi, trú tại phường An Khê, quận Thanh Khê) cho biết: “Năm 2022, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, tôi đăng ký học nghề rồi đi lái xe thuê cho một công ty xây dựng. Công việc vất vả, độc hại, thường xuyên phải đi sớm về khuya mà thu nhập lại bấp bênh nên khi nghe Ban CHQS phường An Khê thông tin về ngày hội việc làm trên, tôi đã thu xếp công việc để tham gia. Có hàng trăm ngành nghề, lĩnh vực để chúng tôi lựa chọn. Chính quyền địa phương và đại diện các công ty, doanh nghiệp đã hỗ trợ, tư vấn cho chúng tôi rất nhiệt tình, chu đáo”.
Cựu chiến binh, doanh nhân Mai Văn Soạn (trú tại phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê), Giám đốc Công ty TNHH Cường Thịnh chuyên sản xuất bao bì phục vụ ngành dược, từng công tác tại Ban Dân y Khu 5 trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Với tình cảm đặc biệt dành cho Bộ đội Cụ Hồ, những năm qua, công ty của ông thường xuyên tiếp nhận, tuyển dụng, dạy nghề, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho BĐXN và con em của các thương binh, bệnh binh có hoàn cảnh khó khăn với mức lương từ 7 triệu đồng đến 12 triệu đồng/người/tháng.
Ông đánh giá, người lao động là BĐXN có sức khỏe, tinh thần đoàn kết, quyết tâm, trách nhiệm cao và luôn tự giác chấp hành nghiêm các chế độ, nội quy... nên rất muốn tuyển BĐXN về làm việc. “Từ kinh nghiệm, vốn sống và sự hiểu biết của mình, tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ, tư vấn giúp các cháu thuận lợi hơn trong quá trình tìm việc. Vừa qua có 4 cháu là BĐXN nộp hồ sơ xin vào công ty tôi làm việc”, cựu chiến binh Mai Văn Soạn chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Thành Nam, Phó giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP Đà Nẵng, hằng năm, đơn vị chủ động liên hệ, phối hợp với Bộ CHQS TP Đà Nẵng và ban CHQS các quận, huyện tiến hành khảo sát nhu cầu học nghề của các quân nhân chuẩn bị xuất ngũ để xây dựng kế hoạch đào tạo nghề. Trong các đợt đón tiếp quân nhân xuất ngũ, các quận, huyện đều phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố tổ chức tiếp đón, tuyên truyền, tư vấn, định hướng nghề nghiệp.
Các sở, ngành, địa phương cũng chú trọng kết nối, giới thiệu việc làm cho quân nhân xuất ngũ thông qua các “Chợ việc làm”, “Ngày hội việc làm”. Đây là cầu nối để doanh nghiệp và người lao động trực tiếp gặp gỡ, trao đổi, phỏng vấn, thỏa thuận về vị trí việc làm và các chế độ, chính sách liên quan, qua đó góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình “Có việc làm” trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025.
Ngoài phối hợp với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP Đà Nẵng trong công tác tư vấn đào tạo nghề, tìm kiếm, giới thiệu việc làm thì hiện nay, các đơn vị, địa phương trên địa bàn quận Thanh Khê đều có chính sách ưu tiên, thu hút BĐXN có năng lực, trình độ, sức khỏe, phẩm chất chính trị tốt, là đảng viên để bố trí vào làm việc tại hệ thống chính trị ở cơ sở. Quận cũng đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ tín dụng cho BĐXN, ưu tiên cho vay vốn ưu đãi để lập nghiệp, phát triển kinh tế.
Như trường hợp anh Đặng Nguyên Quang ở tổ 46, phường Chính Gián, trước khi nhập ngũ được cấp ủy, chính quyền địa phương hỗ trợ 15 triệu đồng để sửa nhà. Khi anh hoàn thành nghĩa vụ quân sự, địa phương tiếp tục quan tâm, tặng anh một chiếc xe máy làm phương tiện đi lại và tiếp nhận vào lực lượng dân quân thường trực với thu nhập ổn định 7,5 triệu đồng/tháng.
Thượng tá Lê Tất Quảng, Chính trị viên Ban CHQS quận Thanh Khê cho biết: “Chúng tôi luôn quan tâm làm tốt công tác hướng nghiệp, dạy nghề, giải quyết việc làm cho BĐXN. Những đồng chí từng là cán bộ, nhân viên, công nhân của Tổng công ty Cổ phần Dệt may Hòa Thọ, Cảng Đà Nẵng, Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng, Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng... đều được công ty cũ tiếp nhận lại với mức lương, vị trí việc làm tốt hơn so với trước khi nhập ngũ.
Những đồng chí có hoàn cảnh khó khăn, thuộc hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, phải giải tỏa đền bù mặt bằng... sẽ được vay vốn ưu đãi để làm ăn, đi xuất khẩu lao động; được hỗ trợ chi phí đào tạo nghề lái xe ô tô hạng B2 (14,5 triệu đồng/người/khóa học), hạng C (16,5 triệu đồng/người/khóa học). Tuy nhiên, thẻ học nghề của BĐXN chỉ có thời hạn trong 12 tháng nên còn bất cập. Chúng tôi mong những khó khăn, bất cập này sẽ được tháo gỡ trong thời gian tới...”.