Bóng đá Bình Phước: Nảy mầm từ sỏi đá

Bình Phước từng là “vùng trũng” của bóng đá Việt Nam. Sau hơn 15 năm tách tỉnh, Bình Phước mới có đội bóng tham dự các sân chơi thuộc sự quản lý của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF). Thời điểm đó, đội trải qua rất nhiều gian khó nhưng dần thích nghi với dòng chảy bóng đá chuyên nghiệp để có tên trên bản đồ bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.

BÀI 1
TỪ "VÙNG TRẮNG" ĐẾN CỘT MỐC LỊCH SỬ

BPO - Xuất phát điểm thấp, cơ sở vật chất khó khăn, con người “vá víu” nhưng Câu lạc bộ (CLB) bóng đá Bình Phước có sự chuyển mình để vươn lên. Từ đội bóng yếu, Bình Phước từng là hiện tượng và gặt hái những kết quả ngoài sự mong đợi ở giải hạng Nhất quốc gia.

Thi đấu ở giải hạng Nhất quốc gia 2022 là năm thứ 8 liên tiếp, đội bóng Bình Phước góp mặt trên bản đồ các sân chơi bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Đó là sự nỗ lực lớn, vượt qua những thời điểm khó khăn không tưởng trong quá trình hình thành và phát triển.

Đụng đâu cũng thấy... khó

CLB Bình Phước thành lập từ năm 2014 trên cơ sở nâng cấp từ đội bóng đá tỉnh Bình Phước (đội bóng trước đây thi đấu các giải trẻ U15, U17 quốc gia, hạng Ba quốc gia 2008, 2009; hạng Nhì quốc gia 2010, 2011, 2012, rớt hạng Ba quốc gia 2013 và lên hạng Nhì quốc gia 2014).

Với lực lượng không được đánh giá quá cao nhưng dưới thời HLV Lê Thanh Xuân, CLB Bình Phước gặt hái nhiều kết quả ấn tượng. Trong ảnh: Đội Bình Phước đoạt ngôi vô địch giải bóng đá quốc tế lực lượng vũ trang năm 2014. Cũng trong năm này, đội đã lần đầu tiên thăng hạng Nhất quốc gia

Với lực lượng không được đánh giá quá cao nhưng dưới thời HLV Lê Thanh Xuân, CLB Bình Phước gặt hái nhiều kết quả ấn tượng. Trong ảnh: Đội Bình Phước đoạt ngôi vô địch giải bóng đá quốc tế lực lượng vũ trang năm 2014. Cũng trong năm này, đội đã lần đầu tiên thăng hạng Nhất quốc gia

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao tỉnh nhớ lại: “Cơ sở vật chất thời gian đầu chưa có khu phòng ở riêng biệt cho cầu thủ. Các cầu thủ phải ở trên khán đài B của sân vận động. Về công tác quản lý, được sự quan tâm của lãnh đạo sở, Ban giám đốc trung tâm đã thành lập các bộ phận liên quan nhưng chủ yếu là kiêm nhiệm. Cán bộ, nhân viên của trung tâm kiêm nhiệm công tác tài chính, văn phòng, truyền thông, điều phối viên… Huấn luyện viên chỉ có 3 người và phải kiêm nhiệm. Ngoài huấn luyện viên trưởng, trợ lý huấn luyện viên và huấn luyện viên thủ môn kiêm săn sóc viên đội bóng”.

Đây là thực trạng hiếm thấy ở các đội bóng tại Việt Nam. Thông thường, các cầu thủ có "đại bản doanh" riêng. Một số ở ngay trung tâm riêng biệt dành cho đội bóng như PVF, Khánh Hòa… Có đội xây dựng khu nhà ở cạnh sân vận động như Quảng Nam hay có đội chọn “đóng quân” ở khách sạn như Huế.

HLV Lê Thanh Xuân (áo xanh) và trợ lý HLV thủ môn Khổng Thanh Tú (áo vàng) là những người đặt nền móng cho thành tích mang tính lịch sử của bóng đá tỉnh nhà

HLV Lê Thanh Xuân (áo xanh) và trợ lý HLV thủ môn Khổng Thanh Tú (áo vàng) là những người đặt nền móng cho thành tích mang tính lịch sử của bóng đá tỉnh nhà

Ở giải hạng Nhất năm nay, các đội bóng thường có 3 xu hướng về hoạt động tài chính. Đó là tự chủ 100% về tài chính của doanh nghiệp như CLB Phố Hiến, CLB Phù Đổng...; hoạt động bằng 100% ngân sách như CLB Huế, CLB Bình Phước...; hay vừa có doanh nghiệp kết hợp với ngân sách như CLB Quảng Nam...

CLB Quảng Nam thường nhận hỗ trợ khoảng 16 tỷ đồng/năm từ UBND tỉnh. Ngoài ra, Công ty cổ phần đầu tư QNK Quảng Nam là đơn vị chủ quản của đội bóng này cũng “bơm” hàng chục tỷ đồng mỗi năm vào đội bóng. Điều này giúp đội bóng xứ Quảng luôn có nguồn kinh phí lớn để hoạt động. Kể cả khi xuống hạng Nhất, Quảng Nam vẫn luôn là đội bóng có kinh phí ở mức cao tại giải đấu này.

Hồ Sỹ Giáp (áo vàng) là một trong những người con tiêu biểu của bóng đá Bình Phước

Hồ Sỹ Giáp (áo vàng) là một trong những người con tiêu biểu của bóng đá Bình Phước

Trong khi đó, CLB Phố Hiến là đội bóng xây dựng bóng đá hiện đại. Họ có cơ ngơi là Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ PVF với đội ngũ chuyên gia chất lượng. Đội bóng này có đội ngũ trợ lý chuyên nghiệp và là đội bóng hiếm hoi thuê các chuyên gia ngoại.

CLB Phố Hiến được xây dựng nền tảng từ các lứa đào tạo của PVF. Nguồn cung cấp cầu thủ của họ luôn dồi dào nên đây là một trong những đội bóng hiếm hoi ở sân chơi hạng Nhất bỏ rất ít tiền chiêu mộ và mượn cầu thủ khi chủ yếu sử dụng cầu thủ “cây nhà lá vườn”.

Bóng đá hiện đại luôn cần đến 2 yếu tố: tài chính và sự phát triển đồng bộ từ đội 1 đến các tuyến trẻ. Bóng đá Bình Phước chưa đủ tiềm lực để xây dựng vững chắc 2 nền móng này. Tuy vậy, bước phát triển của bóng đá tỉnh nhà trong thời gian qua là sự ghi nhận đáng kể, nhất là khi có xuất phát điểm khá thấp.

Bước đột phá lên chuyên nghiệp

Ông Tuấn cho biết thêm: “Sau khi thi đấu thăng hạng Nhì năm 2010, đội bóng Bình Phước thi đấu giải hạng Nhì năm 2011, đến năm 2012 xuống thi đấu giải hạng Ba năm 2013 và năm 2014 vô địch giải hạng Nhì, lên thi đấu chuyên nghiệp vào năm 2015. Quá trình diễn ra thăng hạng là kỳ tích đối với bóng đá Bình Phước bởi lực lượng thuộc dạng trung bình so với mặt bằng hạng Nhì năm 2014 (thi đấu vòng loại tại Bình Phước, đứng nhất bảng). Dù vậy, với sự quyết tâm đồng lòng của ban huấn luyện, cầu thủ đội đã giành vé thăng hạng tại Quảng Nam khi đá play-off với CLB Kon Tum và giành chiến thắng với tỷ số 2-0”.

CLB Bóng đá Bình Phước thời điểm năm 2015

CLB Bóng đá Bình Phước thời điểm năm 2015

Đội bóng tỉnh nhà đã viết nên trang sử mới khi lần đầu tiên thăng hạng giải hạng Nhất quốc gia và góp mặt trên bản đồ bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Thời điểm đó, lực lượng cầu thủ đa số là các cầu thủ trẻ, thi đấu từ hạng Nhì và mời gọi những cầu thủ có chất lượng chuyên môn trung bình của các CLB về tập luyện và thi đấu cho mùa giải 2015.

Khi lên hạng Nhất, CLB Bình Phước hoạt động theo quy chế của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Theo quy chế bóng đá chuyên nghiệp sửa đổi, CLB lên chơi giải hạng Nhất đảm bảo kinh phí tối đa 15 tỷ đồng/mùa (bao gồm tiền lương, thưởng, chuyển nhượng, tổ chức và thi đấu của các đội bóng), nhưng CLB Bình Phước sử dụng 100% ngân sách với kinh phí hoạt động khoảng 12 tỷ đồng/mùa.

Để đáp ứng các tiêu chí một đội bóng chuyên nghiệp, Bình Phước cũng đang dần hoàn thiện các tiêu chí của VFF, Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đưa ra như xây dựng thêm dàn đèn, khán đài A, các phòng chức năng phục vụ công tác tổ chức thi đấu, phòng báo chí, phòng thay đồ của giám sát trận đấu, trọng tài, phòng thay đồ cầu thủ và đặc biệt đưa các huấn luyện viên tham dự các khóa học C, B, A. Huấn luyện viên thủ môn, huấn luyện viên thể lực đáp ứng các tiêu chí về bằng cấp do VFF đưa ra.

Cổ động viên Bình Phước đến cổ vũ cho đội nhà năm 2015

Cổ động viên Bình Phước đến cổ vũ cho đội nhà năm 2015

Đối với lực lượng, ông Tuấn cho biết: “Đội bóng tiếp tục tuyển chọn đào tạo các lứa U13, U15, U17 làm lớp kế cận cho đội bóng”. Từ đây, không chỉ xây dựng lực lượng cho bóng đá tỉnh nhà, Bình Phước đã giới thiệu các gương mặt sáng giá, đủ sức chơi ở giải vô địch quốc gia (V.League) như thủ môn Phạm Hữu Nghĩa, từng thi đấu cho CLB Hoàng Anh Gia Lai và đang đầu quân cho CLB Phố Hiến; tiền đạo Hồ Sỹ Giáp đang khoác áo CLB Bình Dương; hậu vệ Ngô Viết Phú từng thi đấu cho CLB SHB Đà Nẵng hay CLB TP. Hồ Chí Minh; và đặc biệt là Dương Văn Trung, từng được gọi lên đội tuyển U23 quốc gia. CLB bóng đá Bình Phước ngày càng phát triển quy củ, dần đáp ứng các tiêu chí của một đội bóng chuyên nghiệp.

Không chỉ tạo dựng thương hiệu, CLB Bình Phước còn gặt hái những dấu ấn đậm nét về chuyên môn. Năm 2017, huấn luyện viên Lê Thanh Xuân đã đưa đội bóng về đích vị trí thứ ba giải hạng Nhất quốc gia trong sự ngỡ ngàng của giới chuyên môn. Đây là kết quả ngoài sức mong đợi nhưng cho thấy hướng đi đúng đắn trong việc phát triển bóng đá tỉnh nhà. Đó là bệ phóng để CLB Bình Phước tái lập thành tích này ở năm 2019.

Tuy nhiên, CLB Bình Phước có sự chững lại và đứng trước nguy cơ rớt hạng ở mùa giải 2022.

THÀNH TÍCH THI ĐẤU CỦA CLB BÌNH PHƯỚC

Năm 2007, 2008 thi đấu hạng Ba quốc gia không vượt qua vòng bảng. Năm 2009 thi đấu hạng Ba quốc gia. Năm 2010 thăng hạng Nhì quốc gia. Năm 2011 thi đấu hạng Nhì quốc gia và trụ hạng. Năm 2012 thi đấu hạng Nhì quốc gia và xuống hạng. Năm 2013 thi đấu hạng Ba quốc gia và thăng hạng. Năm 2014 thi đấu hạng Nhì quốc gia, vô địch và thăng hạng.

Thi đấu giải hạng Nhất quốc gia, CLB đứng vị trí thứ 7 (năm 2015), thứ 8 (năm 2016), đoạt huy chương đồng (năm 2017), thứ 8 (năm 2018), đoạt huy chương đồng (năm 2019), thứ 5 (năm 2020). Năm 2021 giải bị hủy vì dịch Covid-19.

Vũ Thuyên - Ngọc Hân

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/74/136949/bong-da-binh-phuoc-nay-mam-tu-soi-da