Bóng đá phủi cần một hướng phát triển bền vững: Siết chất lượng, chế tài nghiêm

Bất kỳ giải đấu phong trào nào cũng đều có sự tham gia của cơ quan có chức năng, nhưng thẳng thắn nhìn nhận, các chế tài xử lý cầu thủ vi phạm chưa đủ tính răn đe. Để bóng đá phong trào phát triển bền vững, đảm bảo an ninh - an toàn thì cơ quan chức năng cần có động thái chấn chỉnh, thường xuyên kiểm tra các giải đấu, địa điểm tổ chức...

Bóng đá phủi luôn cần có một hành lang pháp lý để giám sát, bảo vệ. Ảnh: P.MINH

Bóng đá phủi luôn cần có một hành lang pháp lý để giám sát, bảo vệ. Ảnh: P.MINH

Sàng lọc chất lượng tổ chức từ đầu

Theo ông Hoàng Ngọc Tuấn, Phó Tổng thư ký Liên đoàn Bóng đá TPHCM (HFF), những giải đấu phong trào muốn tổ chức phải xin giấy phép của Sở VH-TT TPHCM. Để một giải đấu được cấp phép cần phải có kế hoạch tổ chức rõ ràng, nhà tài trợ cho giải phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam, có sự phối hợp cùng các cơ quan chức năng tại địa phương để đảm bảo công tác an ninh và y tế. Giấy phép là cơ sở để các thành viên chuyên môn của HFF lẫn Ban Trọng tài HFF cử người điều hành, làm nhiệm vụ, quản lý và kiểm soát trực tiếp.

Với những cầu thủ đang nhận án kỷ luật cấm thi đấu từ HFF, họ không được tham dự những sân chơi khác nếu có HFF bảo trợ về mặt chuyên môn. “Do đó, thanh tra của Sở VH-TT TPHCM cần sàng lọc, kiểm tra công tác tổ chức, an ninh - an toàn của các giải đấu. Chúng ta thấy các giải phong trào thì quá nhiều, nhưng giải có xin phép còn hạn chế. Nếu ban tổ chức không có giấy phép thì đình chỉ giải đấu, thậm chí phải lập văn bản xử phạt hành chính”, ông Hoàng Ngọc Tuấn kiến nghị.

Chế tài xử phạt là thật sự cần thiết và cần đủ sức răn đe. Đơn cử, tại Cúp bóng đá 7 người quốc gia 2021, đội bóng Kardiachain Sài Gòn đã bị phạt 10 triệu đồng và cấm tham gia các hoạt động bóng đá do VietFootball tổ chức trong 4 năm khi trợ lý HLV Đào Duy Vương có hành vi xâm phạm thân thể, kích động bạo lực, làm gián đoạn trận đấu... Cũng ở giải đấu này, cầu thủ Nguyễn Hồng Kông của đội Kardiachain Sài Gòn bị cấm 2 năm và phạt 6 triệu đồng, nhưng sau đó được giảm án. Bóng đá phủi khác chuyên nghiệp ở tính tự phát nhưng cách quản lý của VietFootball đã cho thấy sự nghiêm khắc, đúng mực để người chơi yên tâm cống hiến và thỏa sức đam mê.

Cần sự chung tay

Việc các giải bóng đá phong trào “mọc lên như nấm” đang vượt quá tầm kiểm soát, quản lý của các cơ quan chức năng. Đặc biệt với những giải đấu có nhà tài trợ liên quan đến hoạt động cá cược nước ngoài thì ban tổ chức thường chọn cách tổ chức “chui”, trong khi việc kiểm soát hay đưa vào những điều luật ràng buộc là rất khó, vì mỗi giải đấu tổ chức theo từng đơn vị khác nhau, từ những ngành nghề khác nhau. Vì vậy, để khống chế cầu thủ đang bị cấm tại giải đấu này sang thi đấu giải khác khó mà được thực hiện đồng bộ.

Do đó, các chủ sân bóng đá khi kinh doanh lẫn phối hợp cùng các đơn vị tư nhân đứng ra tổ chức giải đấu bắt buộc có văn bản ký xác nhận đảm bảo công tác an ninh - an toàn và chịu trách nhiệm nếu để xảy ra sự cố bạo lực trong bóng đá. Đồng thời, giữa các bên cần thắt chặt sự liên kết, như cấm CLB hay cầu thủ từng để xảy ra bạo lực tham gia các giải đấu, tuyên truyền về hậu quả nghiêm trọng của những hành vi côn đồ, với mục đích răn đe những người khác.

Về phía các CLB, cầu thủ phải thể hiện được nghĩa vụ của người chơi, chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu có hành vi bạo lực gây thương tích cho nạn nhân. Bản thân mỗi người phải nâng cao ý thức và đúc rút kinh nghiệm, để giữ được “cái đầu nóng, trái tim lạnh” khi đến với cuộc chơi.

Ông Hoàng Ngọc Tuấn, Trưởng ban Trọng tài HFF: Nghiệp vụ tốt sẽ bảo vệ được trọng tài

Để đáp ứng nhu cầu phát triển của bóng đá trong trào ở TPHCM, hàng năm, Ban Trọng tài HFF mở hai lớp đào tạo trọng tài sơ cấp và nâng cao dành cho Futsal và sân 11. Trải qua hai lớp học này, chúng tôi sẽ tuyển chọn những học viên có tố chất, năng khiếu để mời vào tập sự ít nhất từ 6 tháng đến 1 năm.

Các trọng tài tập sự được quan sát, phân công điều hành tại các giải phong trào TPHCM. Cụ thể, trong 1-2 tuần đầu sẽ ngồi cạnh trọng tài bàn để học việc, theo dõi các đồng nghiệp có kinh nghiệm hơn làm nhiệm vụ. Sau đó, họ sẽ tham gia làm trọng tài bàn trước khi được giao cầm còi chính. Nếu quá trình thực tập tốt, Ban Trọng tài HFF sẽ giới thiệu các trọng tài tập sự đến lớp trọng tài quốc gia của VFF tổ chức để định hướng trở thành trọng tài quốc gia sau này.

Chế độ cho trọng tài bắt giải phong trào, dưới nhìn nhận của tôi, là tạm trang trải được cuộc sống so với tình hình khó khăn chung hiện nay. Nếu một ngày, trọng tài điều hành 2 trận đấu có thể kiếm được 400.000-500.000 đồng.

Trong những buổi sinh hoạt, Ban Trọng tài HFF luôn nhắc nhở các trọng tài quốc gia lẫn tập sự rằng, cầu thủ các giải phong trào thường không nắm rõ và hiểu sâu luật, chưa kể luật cập nhật. Khi xử lý thẻ phạt, đặc biệt với thẻ đỏ thì trọng tài cần lưu ý đối phương dễ bị kích động. Khi đó rất cần các biện pháp về nghiệp vụ để trọng tài xử lý tình huống. Ví dụ, trọng tài có thể lùi ra, không có đứng gần với cầu thủ mình nhận thẻ. Sự mất kiểm soát, bộc phát từ người chơi có thể khiến trọng tài không kịp trở tay.

Tuy nhiên, biện pháp nghiệp vụ sẽ phần nào bảo vệ được trọng tài với điều kiện giải đấu đảm bảo công tác an ninh - an toàn và Ban tổ chức có kinh nghiệm xử lý vấn đề khẩn cấp. Ban Trọng tài HFF sẽ không cử trọng tài điều hành trận đấu nếu thấy không đảm bảo an ninh - an toàn.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hoàng Phúc, Trường Đại học TDTT TPHCM: Đừng cố ép phong trào theo hướng chuyên nghiệp

Trên bình diện chung, bóng đá phong trào là hoạt động thể thao giải trí dành cho mọi người, nơi những người yêu thích môn thể thao vua có thể tập hợp, giao lưu, thi đấu với nhau vì niềm vui và đam mê.

Tuy nhiên trong thời gian gần đây, có xu hướng “chuyên nghiệp hóa” bóng đá phong trào, khiến cho hoạt động này dần mất đi bản chất vốn có và tạo ra nhiều hệ lụy tiêu cực - nguy hiểm. Điều này dễ nhận thấy yếu tố cạnh tranh được đề cao quá mức, dẫn đến việc các cầu thủ thi đấu với tâm lý nặng nề, áp lực và mất đi niềm vui vốn có.

Chuyên nghiệp hóa bóng đá phong trào đồng nghĩa với việc tăng chi phí tổ chức, thi đấu, khiến cho hoạt động này trở nên xa rời với nhiều người, đặc biệt là những người có thu nhập thấp. Nếu các CLB phong trào hoạt động quá chuyên nghiệp thì sẽ đánh mất đi tính ngẫu hứng, sự thoải mái của bóng đá phủi. Khi áp lực thi đấu cao, cộng với việc thiếu kiểm soát tốt, có thể dẫn đến những hành vi bạo lực trên sân cỏ, ảnh hưởng đến an ninh trật tự và uy tín của giải.

Hiện một số ông bầu đang “thương mại hóa” bóng đá phong trào, thị trường chuyển nhượng tạo ra những giá trị tương đối “ảo”. Ở một trận đấu có cầu thủ được nhận 1-2 triệu đồng, nhưng không ít người lãnh số tiền cao gấp nhiều lần cùng với tiền thưởng. Thậm chí, có đội chi cả tiền lót tay đến vài trăm triệu đồng để “trói chân” cầu thủ 2-3 mùa giải. Nhưng điều này có thể tạo ra nhiều cản trở cho định hướng phát triển lâu dài của các đội bóng, vì không có ông bầu nào có thể chắc chắn đảm bảo họ đủ tiềm lực tài chính để trả mãi thù lao như vậy. Đã có rất nhiều đội bóng hoạt động quy củ trên cả nước “gắn mác” đại gia, nhưng chỉ tồn tại được vài năm và sau đó mất tích. Còn số lượng CLB phát triển bền vững thì chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Tôi nghĩ nên phát triển CLB phong trào theo hướng bán chuyên nghiệp, cần xây dựng mô hình phù hợp, đảm bảo cân bằng giữa tính chuyên nghiệp và tính phong trào của CLB và phù hợp với đặc điểm thực tế của từng CLB. Để xây dựng CLB có tính tổ chức và bản sắc thì phải cần tiếng nói chung giữa ông bầu và những người làm công tác chuyên môn. Chơi “phủi” ai cũng muốn thắng, muốn vô địch, nhưng phải có văn hóa của CLB, đó chính là yếu tố cốt lõi.

Chúng ta tính toán, lên kế hoạch lộ trình phát triển cho 2-5 năm thì mới gặt hái được “quả ngọt”. Phải hướng đến việc đào tạo trẻ, xây dựng con người mang phong cách của CLB. Nhưng điều quan trọng hơn phải nâng cao nhận thức cho cầu thủ hiểu về cuộc chơi, giá trị của họ lẫn giá trị của đội bóng.

ĐỖ HOÀNG - HỮU THÀNH ghi

HỮU THÀNH - ĐỖ HOÀNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/bong-da-phui-can-mot-huong-phat-trien-ben-vung-siet-chat-luong-che-tai-nghiem-post740423.html