Bóng đá Việt Nam và Malaysia bổ sung ngoại binh nhập tịch cho giải châu Á

Sự phát triển của làng bóng nữ Đông Nam Á đang bước vào một giai đoạn chuyển mình quan trọng khi cả bóng đá Việt Nam và Malaysia đều tận dụng tối đa những nguồn lực tiềm năng từ các cầu thủ sinh ra hoặc đang thi đấu ở nước ngoài.

Bóng đá Việt Nam vừa chào đón sự xuất hiện của Linda Phạm, một cầu thủ trẻ Việt kiều đến từ Hà Lan, thì Malaysia đang tích cực triệu tập ba gương mặt tài năng từ các nền bóng đá phát triển như Anh, Mỹ và Úc cho vòng loại U-20 châu Á sắp tới.

Hy vọng mới của U-20 Việt Nam

Trong quá trình chuẩn bị cho vòng loại U-20 nữ châu Á 2026, đội tuyển U-20 nữ Việt Nam đã đón nhận sự gia nhập của một gương mặt đầy triển vọng: Linda Phạm, cầu thủ sinh năm 2006, mang quốc tịch Việt Nam nhưng sinh ra và lớn lên tại Hà Lan. Đây là một phần trong chiến lược mở rộng tuyển chọn nhân sự mang yếu tố quốc tế, được sự hỗ trợ của Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) và HLV trưởng Okiyama Masahiko.

Theo hồ sơ từ VFF, Linda có cả cha và mẹ là người Việt, dù cô sinh ra tại Hà Lan. Cô bắt đầu làm quen với bóng đá từ năm 6 tuổi, và đang thi đấu cho một CLB địa phương với sở trường là tiền vệ công và tiền đạo. Điểm mạnh của Linda là tốc độ, khả năng xử lý bóng linh hoạt và tư duy chiến thuật hiện đại, những yếu tố rất cần thiết cho lối chơi tấn công đa dạng mà HLV Okiyama đang xây dựng.

 Linda Phạm đang tập luyện cùng đội tuyển U-20 nữ Việt Nam. Ảnh: CCT.

Linda Phạm đang tập luyện cùng đội tuyển U-20 nữ Việt Nam. Ảnh: CCT.

Dù vốn tiếng Việt còn hạn chế, Linda Phạm nhanh chóng hòa nhập nhờ vào sự cởi mở, thân thiện và hỗ trợ từ các đồng đội. Sự xuất hiện của cô được kỳ vọng sẽ mang đến sự cạnh tranh tích cực, góp phần nâng cao chất lượng đội hình trước những trận đấu quan trọng với Kyrgyzstan, Singapore và Hong Kong.

HLV Okiyama chia sẻ: “Chúng tôi đang trong giai đoạn hoàn thiện đội hình cho vòng loại. Bóng đá Việt Nam có thêm những nhân tố mới như Linda là điều rất đáng hoan nghênh. Cô ấy trẻ, có tiềm năng và sẵn sàng thử thách bản thân vì màu cờ sắc áo”.

Đội tuyển U-20 nữ Việt Nam đã sang Nhật tập huấn và trong thời gian tới sẽ tiếp tục bước vào các buổi tập nâng cao thể lực, rèn luyện chiến thuật và chơi 5 trận giao hữu giúp HLV Okiyama đánh giá phong độ từng vị trí. Mục tiêu của U-20 nữ Việt Nam là giành vé vào vòng chung kết U-20 nữ châu Á 2026.

 Bóng đá Việt Nam cả nam và nữ đang có những chọn lọc cầu thủ ở nước ngoài về quê nhà cống hiến. Ảnh: CCT.

Bóng đá Việt Nam cả nam và nữ đang có những chọn lọc cầu thủ ở nước ngoài về quê nhà cống hiến. Ảnh: CCT.

Malaysia chờ đón 3 ngoại binh nhập tịch

Không chỉ có bóng đá Việt Nam bổ sung cầu thủ từ nước ngoài, đội tuyển U-20 nữ Malaysia cũng đang mạnh dạn tích hợp các cầu thủ sinh ra ở nước ngoài để tăng cường sức mạnh đội hình. Điều này trở nên khả thi hơn sau khi Đạo luật Hiến pháp (Sửa đổi) năm 2024 của nước này chính thức được thông qua.

Chia sẻ với báo chí, Chủ tịch Ủy ban bóng đá nữ Malaysia, bà Datuk Suraya Yaacob xác nhận rằng ba cầu thủ có gốc Malaysia nhưng sinh ra ở nước ngoài sẽ tham gia đội tuyển trong vòng loại U-20 châu Á diễn ra vào đầu tháng 8.

Theo đó, Luật sửa đổi cho phép những trẻ em sinh ra ở nước ngoài có mẹ là người Malaysia và cha là người không phải công dân được tự động nhận quốc tịch Malaysia, mở ra cánh cửa lớn cho hàng loạt cầu thủ gốc Malaysia đang thi đấu tại Anh, Mỹ, Úc và nhiều nơi khác.

 Bóng đá nữ Malaysia mở rộng cửa chào đón cầu thủ ở nước ngoài. Ảnh: CCT.

Bóng đá nữ Malaysia mở rộng cửa chào đón cầu thủ ở nước ngoài. Ảnh: CCT.

Bà Suraya cho biết: “Thành công của đội tuyển nam gần đây, trong đó có nhiều cầu thủ gốc Malaysia ở nước ngoài, đã tạo cảm hứng lớn. Giờ đây, chúng tôi đang nhận được rất nhiều hồ sơ xin gia nhập đội nữ từ châu Á và các nước có nền bóng đá phát triển”.

Tuy nhiên, làng bóng Malaysia không trao cơ hội cho cầu thủ chỉ dựa trên lý lịch. Mỗi cầu thủ được mời đều phải trải qua quá trình kiểm tra năng lực chuyên môn, cũng như sự hòa nhập vào môi trường tập trung đội tuyển. “Chúng tôi chào đón họ, nhưng họ vẫn cần chứng minh đủ sức cạnh tranh. Đó là nguyên tắc để xây dựng một tập thể mạnh, không có sự ưu tiên nào về xuất thân”, bà Suraya nhấn mạnh.

 Theo sau sự thành công của nam, làng bóng nữ Malaysia muốn "lột xác" thành một thế lực mới ở Đông Nam Á. Ảnh: CCT.

Theo sau sự thành công của nam, làng bóng nữ Malaysia muốn "lột xác" thành một thế lực mới ở Đông Nam Á. Ảnh: CCT.

Tuần trước, đội tuyển nữ quốc gia Malaysia đã phải dừng bước tại vòng loại Cúp bóng đá nữ châu Á 2026 dù có hai trận thắng trước Palestine và chủ nhà Tajikistan. Trận thua 0-6 trước CHDCND Triều Tiên – đội vô địch bảng – cho thấy khoảng cách đẳng cấp mà Malaysia cần phải rút ngắn nếu muốn có mặt ở các sân chơi lớn của châu Á.

Việc tích hợp cầu thủ Việt kiều hay cầu thủ gốc nước ngoài không còn là điều xa lạ trong bóng đá hiện đại. Với những chính sách mở, tinh thần cầu tiến và sự sẵn sàng đổi mới, bóng đá Việt Nam và Malaysia đều đang từng bước tiệm cận với những chuẩn mực mới trong công tác đào tạo và xây dựng đội tuyển quốc gia.

Sự xuất hiện của các gương mặt quốc tế truyền cảm hứng cho lớp cầu thủ trẻ trong nước, hướng đến một nền bóng đá nữ Đông Nam Á vươn tầm mạnh mẽ hơn trong tương lai gần.

NGỌC ANH

Nguồn PLO: https://plo.vn/bong-da-viet-nam-va-malaysia-bo-sung-ngoai-binh-nhap-tich-cho-giai-chau-a-post859900.html