Bỗng dưng hết sốt, coi chừng sốt xuất huyết chuyển nặng!

Em Trần Nhật P., 14 tuổi, xã Tân Mỹ Chánh, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang bị sốt cao liên tục 3 ngày liền. Ba của em P. mua thuốc cho P. uống, rồi em bỗng nhiên hết sốt, cả nhà chưa kịp mừng, thì P. lại than mệt, muốn ói, nên ba của P. vội đưa em đi khám bác sĩ.

Bác sĩ khám, nhìn thấy da toàn thân của P. đỏ sẫm vì sung huyết. Bác sĩ bắt mạch cổ tay P. thấy mạch nhanh nhẹ, lấy tay ra khỏi nơi bắt mạch, mà da nơi đó vẫn còn dấu trắng bệch, hơn ba giây sau mới trở lại bình thường. Bác sĩ nhanh chóng chuyển em P. vào phòng cấp cứu, và thông báo với ba em P. là em bị sốt xuất huyết nặng.

Ba của P. ngạc nhiên hỏi bác sĩ: “Tôi thấy con tôi đã giảm sốt rồi, sao là bệnh sốt xuất huyết chuyển nặng được?”. Bác sĩ nói: “P. giảm sốt, tưởng là em đã khỏe hơn, nhưng thật ra em đang chuyển sang giai đoạn nặng, nhưng vẫn còn mừng là P. đã được đưa đến bệnh viện cấp cứa kịp thời".

Về chuyên môn, sốt xuất huyết có ba giai đoạn, giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn phục hồi. Giai đoạn sốt từ 1 - 3 ngày đầu, người bệnh sốt cao liên tục, uống thuốc vào thì hạ sốt nhưng vài tiếng sau tiếp tục sốt cao trở lại.

Giai đoạn nguy hiểm, thường vào ngày thứ 3 đến thứ 7, thường người bệnh bỗng nhiên hết sốt lại chuyển sang giai đoạn nặng. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có 80% - 90% bệnh nhân sốt xuất huyết có diễn biến nhẹ tự khỏi, không có biến chứng. Có khoảng 10% - 20% có thể xuất hiện biến chứng nặng như tăng tính thấm thành mạch gây thoát dịch, cô đặc máu, sốc. Trước khi sốt xuất huyết chuyển nặng thì bao giờ bệnh nhân cũng có dấu hiệu báo trước. Đây là một điều may mắn cho người bệnh, vì nhờ có dấu hiệu báo trước mà người thân và nhân viên y tế mới kịp thời nhận biết và điều trị đúng ngay từ sớm.

Đó là các dấu hiệu bứt rứt hoặc li bì, nôn ói nhiều, đau bụng ngày càng tăng, chảy máu nhiều nơi như chảy máu mũi, máu răng, ói máu, tiêu phân đen, chảy máu âm đạo, tay chân lạnh. Nếu điều trị kịp thời, điều trị đúng, theo dõi sát thì tỷ lệ thành công rất cao, trên 99% được cứu sống, ở nước ta tỷ lệ tử vong/mắc hiện là 0,046% so với chỉ tiêu của chương trình mục tiêu quốc gia là 0,09%, trong khi thế giới là dưới 1%.

Đừng để trẻ đã có dấu hiệu cảnh báo kéo dài quá 6 giờ mới đưa đi bệnh viện là rất trễ, vì lúc đó người bệnh bước vào giai đoạn sốc sâu, huyết áp bằng 0, tỷ lệ tử vong 50-50, mà mọi người thường nói với nhau là “hên xui”, tức là không biết chắc chắn giữa sự sống và cái chết như thế nào.

Vì sao bệnh nhân hạ sốt lại là bệnh sốt xuất huyết nặng? Chúng ta biết sốt xuất huyết có ba lý do nặng là thất thoát huyết tương, xuất huyết và tổn thương các tạng như gan, não, tim, thận, phổi.

Trước tiên, chúng ta tìm hiểu tại sao trẻ bị sốt khi mắc bệnh sốt xuất huyết. Khi vi rút sốt xuất huyết xâm nhập vào cơ thể qua muỗi vằn truyền sang, vi rút sẽ sinh sôi nảy nở trong tế bào bạch cầu của cơ thể, khi đủ số lượng, nó phá vỡ bạch cầu rồi tràn vào máu để tiếp tục tấn công cơ thể bằng cách xâm nhập tế bào khác trong hệ miễn dịch.

Khi có vi rút hiện diện và lưu hành trong máu cùng với các chất từ bạch cầu phóng thích ra sẽ tác động lên chất gây sốt nội sinh. Chất gây sốt nội sinh kích thích trung tâm điều nhiệt ở vùng dưới đồi của não, làm thay đổi điểm điều nhiệt của cơ thể, nó nâng điểm điều nhiệt từ 370C, tăng lên 39 - 400C. Điểm điều nhiệt tăng gây ra sự co thắt mạch máu và giảm máu ra ngoại vi để giảm sự mất nhiệt; đôi khi xuất hiện run rẩy để làm tăng sản xuất nhiệt. Các quá trình này tiếp tục cho đến khi nhiệt độ máu đạt tới điểm đặt nhiệt mới của vùng dưới đồi, lúc đó bệnh nhân bị sốt cao.

Sau 2 ngày, bước sang ngày thứ 3, khi chất gây sốt nội sinh giảm, do vi rút lưu hành trong máu đã giảm một phần, điểm điều nhiệt không còn bị kích thích nữa nên cơ thể trở về bình thường, sốt lui dần và thân nhiệt bình thường như cũ. Thời điểm đó vi rút và kháng thể đã kết hợp với nhau tạo nên phức hợp kháng nguyên - kháng thể lưu hành trong máu, phức hợp này hoạt hóa hệ thống bổ thể và giải phóng các chất hoạt mạch có thể gây nên tăng tính thấm mao mạch, làm thất thoát huyết tương, rối loạn đông máu, xuất huyết. Cuối cùng là bệnh nhân vào sốc, trụy tim mạch, nếu không điều trị kịp thời, bệnh nhân sẽ tử vong. Do đó, hạ sốt ở một số người bệnh có thể là bệnh đang chuyển sang giai đoạn nặng.

Tóm lại, bệnh sốt xuất huyết đa số là nhẹ và tự khỏi, tuy nhiên có từ 10% - 20% là chuyển sang bệnh nặng, trong đó có một tỷ lệ rất nhỏ, dưới một phần ngàn sẽ tử vong, mà thời gian qua là do chẩn đoán và điều trị trễ. Vì vậy, khi thấy trẻ hết sốt, mọi người cần cảnh giác. Nếu hết sốt mà trẻ khỏe, ăn uống, chơi giỡn bình thường thì an tâm. Nếu hết sốt mà trẻ mệt, đừ, đau bụng, nôn ói, xuất huyết, tay chân lạnh thì phải đưa đến bệnh viện ngay lập tức.

BS NGUYỄN THÀNH ÚC

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/suc-khoe-y-te/202207/bong-dung-het-sot-coi-chung-sot-xuat-huyet-chuyen-nang-955343/