'Bóng ma' chiến tranh thương mại nhấn chìm chứng khoán Á - Âu
Một cuộc tháo chạy lớn đã và đang diễn ra trên thị trường chứng khoán châu Á và châu Âu trong phiên giao dịch đầu tuần hôm nay (7/4)...

Một bảng điện tử chứng khoán ở Hồng Kông ngày 7/4 - Ảnh: Reuters.
Nhà đầu tư xả cổ phiếu ồ ạt trong nỗi bất an cao độ vì kế hoạch thuế đối ứng của Tổng thống Mỹ Donald Trump có khả năng đã châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại sâu rộng trên toàn cầu.
Thị trường châu Á ghi nhận phiên giảm tồi tệ nhất kể từ khủng hoảng tài chính 2008, và thị trường Mỹ dù chưa mở cửa cũng đã có dấu hiệu tiếp tục bán tháo.
Các bảng điện tử trên các sàn giao dịch chứng khoán châu Âu chìm trong sắc đỏ ngay khi vừa mở cửa tuần mới. Lúc hơn 17h theo giờ Việt Nam, chỉ số Stoxx 600 của chứng khoán châu Âu giảm 5,3%, chỉ số Dax của chứng khoán Đức giảm 9,4%, FTSE của Anh giảm gần 4%, và CAC của Pháp mất hơn 4%.
Trước đó, cơn bão màu đỏ đã càn quét khắp các thị trường chủ chốt ở khu vực châu Á. Chỉ số Hang Seng của chứng khoán Hồng Kông chốt phiên với mức giảm hơn 13%, Nikkei 225 của Nhật giảm hơn 7,8%, ASX 200 của Australia giảm hơn 4,2%, Shanghai Composite Index của Trung Quốc đại lục trượt hơn 7,3%.
Mức giảm hơn 13% của Hang Seng trong phiên này là mạnh nhất kể từ giai đoạn đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. Tại Trung Quốc đại lục, mức giảm được hãm lại ở ngưỡng hơn 7% sau khi truyền thông nhà nước đưa tin quỹ đầu tư quốc gia Central Huijin mua vào cổ phiếu.
Với phiên giảm này, chứng khoán Nhật Bản trượt về mức thấp nhất kể từ cuối năm 2023. Chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản giảm 7,8%, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất kể từ năm 2008.
Một phiên bán tháo nữa cũng có khả năng sẽ diễn ra trên thị trường Mỹ vào đêm nay theo giờ Việt Nam. Các chỉ số chứng khoán tương lai của Mỹ đều đang ghi nhận mức giảm mạnh ở thời điểm hơn 17h: Dow Jones tương lai giảm 1,9%, S&P 500 tương lai giảm 1,7%, và Nasdaq tương lai giảm 2%.
Hôm thứ Sáu, S&P 500 giảm 6%, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất kể từ khi Covid-19 mới trở thành đại dịch toàn cầu vào đầu năm 2020. Trong vòng 2 ngày, thước đo rộng nhất của chứng khoán Mỹ đã giảm khoảng 10%. Hiện S&P 500 đã giảm hơn 17% so với mức kỷ lục ghi nhận vào tháng 2, tiến gần tới trạng thái thị trường “gấu” (bear market), hay còn gọi là thị trường đầu cơ giá xuống - được định nghĩa là mức giảm từ 20% trở lên so với đỉnh gần nhất.
Cơn hoảng loạn này của giới đầu tư chứng khoản toàn cầu diễn ra sau khi ông Trump ngày Chủ nhật tuyên bố sẽ không thoái lui khỏi kế hoạch thuế quan đối ứng mà ông công bố hôm thứ Tư vừa rồi trừ phi các quốc gia cân bằng quan hệ thương mại với Mỹ. Đây là kế hoạch đánh thuế từ 10% trở lên đối với hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Theo tin từ hãng thông tấn Reuters, trong cuộc trao đổi với các nhà báo đi cùng trên chuyên cơ Không lực 1, ông Trump nói ông không muốn thị trường tài chính toàn cầu sụt giảm, nhưng ông cũng không lo lắng về cuộc bán tháo đang diễn ra. “Đôi khi, cần phải uống thuốc để giải quyết một vấn đề”, ông nói.
Trước đó, giới chức chính quyền ông Trump đã tìm cách trấn an nỗi lo ngại của thị trường khi cho biết đã có hơn 50 quốc gia đề nghị mở đàm phán với Mỹ về nới thuế quan đối ứng.
Hôm thứ Bảy, Trung Quốc nói rằng “thị trường đã lên tiếng” phản đối thuế quan của ông Trump, đồng thời kêu gọi Washington “tham vấn trên cơ sở bình đẳng”. Trước đó, vào hôm thứ Sáu, Bắc Kinh trả đũa thuế đối ứng của ông Trump bằng cách áp thuế quan 34% lên hàng hóa Mỹ.
“Ông Trump đang không có dấu hiệu gì cho thấy sự bán tháo trên thị trường khiến ông ấy lo lắng tới mức xem xét lại lập trường chính sách mà ông ấy đã đặt niềm tin trong suốt nhiều thập kỷ”, nhà phân tích cấp cao Sean Callow thuộc công ty ITC Markets nhận định với hãng tin Reuters.
Việc thị trường “bốc hơi” hàng nghìn tỷ USD vốn hóa và khả năng suy thoái kinh tế đã khiến một số nhà đầu tư hy vọng ông Trump sẽ nghĩ lại. Tuy nhiên, tuyên bố ngày Chủ nhật của ông Trump một lần nữa khiến họ thất vọng.
“Mức độ nghiêm trọng và ảnh hưởng tiêu cực của chính sách thương mại Mỹ, nếu duy trì, sẽ đủ để đẩy nền kinh tế Mỹ và toàn cầu rơi vào suy thoái”, nhà kinh tế trưởng Bruce Kasman của JPMorgan Chase nhận định, cho rằng rủi ro suy thoái kinh tế hiện đã lên đến 60%.
Triển vọng kinh tế Mỹ xấu đi đang làm gia tăng kỳ vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất trong năm 2025. Theo Reuters, bình quân đặt cược của các nhà giao dịch trên thị trường lãi suất tương lai đang là Fed phải giảm lãi suất 1,16 điểm phần trăm trong năm nay, bắt đầu vào tháng 6. Mức giảm lãi suất như vậy tương đương ít nhất 4 đợt giảm, mỗi đợt 0,25 điểm phần trăm. Khả năng Fed giảm lãi suất vào tháng 5 đang là 54%.
“Chúng tôi tiếp tục quan điểm Fed sẽ nối lại việc giảm lãi suất vào tháng 6. Nhưng bây giờ, chúng tôi tin là Fed sẽ làm lãi suất liên tục trong các cuộc họp từ đó đến tháng 1/2026, đưa lãi suất về ngưỡng 3%”, ông Kasman nói.
Triển vọng kinh tế ảm đạm đang gây áp lực giảm mạnh lên giá dầu. Giá dầu Brent giao sau tại thị trường London có lúc giảm 2,2 USD/thùng, còn 63,4 USD/thùng. Giá dầu WTI có lúc giảm 2,75 USD/thùng còn 59,23 USD/thùng.
Những tài sản đang phát huy mạnh vai trò “hầm trú ẩn” ở thời điểm này có trái phiếu kho bạc Mỹ, đồng yên Nhật và đồng franc Thụy Sỹ. Giá trái phiếu tăng khiến lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm về ngưỡng 3,9%, lợi suất của kỳ hạn 2 năm giảm dưới 3,6% - mức lợi suất thấp nhất của kỳ hạn này kể từ tháng 9/2022.
Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/bong-ma-chien-tranh-thuong-mai-nhan-chim-chung-khoan-a-au.htm