Bông súng mùa nước nổi
Mùa nước nổi ở miền tây thường bắt đầu từ tháng 8 đến tháng 11 hằng năm. Vào thời gian này nước từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về ngập trắng đồng ruộng, không biết đâu là bến bờ. Nước nổi về mang theo phù sa bồi đắp ruộng đồng màu mỡ, cùng các sản vật mùa nước như cá linh, bông điên điển, năn, hẹ nước, bông súng... các loại hoa, rau 'nổi tiếng' của ẩm thực vùng đồng bằng sông Cửu Long, được dùng để chế biến nhiều món ngon dân dã.
Bông súng là loại hoa rau “đặc sản” phổ biến nhất ở miền tây, mọc hoang dại khắp nơi, từ sông rạch, đồng ruộng đến bàu nước trũng. Có nơi người dân nuôi trồng bông súng để khai thác như rau, phần lớn loài hoa này mọc, phát triển hoang dại. Mùa nước nổi, những cánh đồng mênh mông ở An Giang, Đồng Tháp, Long An... xuất hiện nhiều loại bông súng đủ sắc mầu: tím, trắng, hồng. Người dân miệt vườn đã quen với những đồng nước đầy bông súng (vốn là đồng lúa đã thu hoạch) khoe sắc. Chen giữa sắc hoa tím biếc, bông lớn là loài “súng ma” trắng, hồng, bông nhỏ. Mùa khô, gốc rễ “súng ma” ẩn sâu, “ngủ vùi” dưới đất chờ con nước về mới “sống lại”.
Bông súng thường nở, khoe sắc rực rỡ vào buổi sáng, quá trưa chúng thường khép cánh. Vài loại bông súng lại nở ban đêm. “Súng ma” thường vươn lên theo con nước lớn, cọng dài có khi đến vài mét. Người dân miền Tây, phần lớn là phụ nữ thường thức dậy từ tinh mơ để chèo xuồng ra đồng ngắt bông súng về đem ra chợ bán hay chế biến món ăn như gỏi bông súng, canh chua, lẩu mắm, hay chẻ mỏng ăn sống với một số loại rau chấm mắm kho. Cọng súng thuôn dài, mọng nước, giòn, sần sật, làm món gì cũng “bắt”. Lẩu hay canh chua miệt vườn không thể thiếu bông súng. Đài hoa súng xào tỏi cũng rất ngon.
Mùa nước nổi, đến vùng Đồng Tháp Mười, dọc các tỉnh lộ qua Hồng Ngự (Đồng Tháp) hay Mộc Hóa (Long An) dễ bắt gặp cảnh người dân bày bán nhiều cuộn bông súng tươi rói vừa vớt dưới đồng lên còn vương mùi bùn. Giá một ký bông súng khoảng 10.000 đồng/kg.
Những năm gần đây, Mộc Hóa trở thành điểm đến thu hút các nhà nhiếp ảnh đến sáng tác, du khách tham gia những chuyến “tour hoa súng” đầy mầu sắc. Du khách ngồi xuồng máy, xuồng chèo tay theo các cô thôn nữ nón lá, khăn rằn, áo bà ba đi tham quan đồng súng mênh mông nước hay những vạt hoa súng mọc len lỏi trong rừng tràm, khoe sắc trong những con kênh xanh in bóng mây trời.
Điều thú vị là du khách vừa ngắm cảnh đẹp đồng hoa mùa nước nổi, vừa có thể cùng các cô thôn nữ vớt/kéo bông súng chất lên xuồng, hay nhảy xuống nước cùng họ phân loại, rửa sạch những bó bông súng vừa hái. Bông súng chỉ nở đẹp vài ngày rồi tàn, “dành phần” cho những nụ mầm trổ bông lần lượt suốt mùa cho đến khi nước đồng dần cạn, mầm/rễ bông súng lại “ngủ vùi”, chỉ thức dậy vào mùa nước năm sau, nhường đất cho nông dân cày ải, sạ, cấy lúa vụ mới.
Không có gì thú vị hơn sau tour tham quan, chụp ảnh trên đồng hoa súng thơ mộng, dân phượt được thưởng thức những món ngon mùa nước nổi, ngon nhất vẫn là: gỏi bông súng trộn tôm, thịt gà; bông điên điển xào tép đồng, canh chua cá linh bông súng, bông điên điển, rau rút nấu me; lẩu mắm cá linh với hàng chục loại rau, bông nhưng không thể thiếu bông súng... Thực khách vừa thưởng thức vừa tấm tắc khen món ăn dân dã miền Tây đã ngon, mùa nước nổi lại càng ngon. Có mua đầy đủ nguyên liệu về thành phố chế biến cũng không ngon bằng bà má đội khăn rằn đang bận rộn nấu, một mình ba chảo trong bếp với những món ăn chỉ hít hà thôi cũng thèm và nhớ mãi.
Một chiều nào đó, lướt xuồng trên đồng súng lúc hoàng hôn, nghe tiếng mái chèo khua nước, ngắm ánh nắng cuối cùng của ngày loang mầu tím bạc trên đồng nước mênh mông, xa xa vọng lại tiếng bìm bịp kêu... Bạn sẽ lặng đi trước vẻ đẹp yên ả, thanh bình của đồng nước phương nam. Và nhớ, muốn trở lại nơi này...
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/vanhoa-nghethuat/bong-sung-mua-nuoc-noi-683748/