Bóng tối thị trường thiết bị gian lận thi cử tiềm ẩn sau ánh sáng công nghệ

Công nghệ ngày càng đạt được nhiều tiến bộ, thì thị trường thiết bị gian lận thi cử tinh vi cũng tiến xa với những 'mánh khóe' gian lận ngày càng khó phát hiện hơn.

Thiết bị gian lận thi cử phát triển theo tiến bộ công nghệ thông tin. Ảnh: Nhóm PV

Thiết bị gian lận thi cử phát triển theo tiến bộ công nghệ thông tin. Ảnh: Nhóm PV

Cao điểm thi cử đến gần cũng là lúc thị trường các sản phẩm tai nghe, ghi hình siêu nhỏ vào mùa nhộn nhịp. Áp lực điểm số, thành tích, thiếu động lực học tập, lười ôn tập,… đã khiến nhiều học sinh bất chấp tìm mua các thiết bị gian lận thi cử dù việc kinh doanh, mua bán các thiết bị này là bất hợp pháp.

Kinh doanh "phao thi công nghệ" bùng nổ trên mạng xã hội

Chỉ mất vài phút khảo sát trên các nền tảng mạng xã hội, không khó để bắt gặp những bài viết quảng cáo rầm rộ về tính tiện lợi, tinh vi, mức giá hấp dẫn với lời cam kết "không thể phát hiện bằng mắt thường".

Các hội nhóm bán và cho thuê tai nghe siêu nhỏ trên Facebook. Ảnh chụp màn hình

Truy cập vào các hội nhóm Facebook "Bán và cho thuê tai nghe siêu nhỏ" với hơn hơn 2 nghìn thành viên, nhóm phóng viên bắt gặp vô vàn các bài viết tìm thuê và mua các thiết bị siêu nhỏ với cái tên "thiết bị hỗ trợ thi cử".

Chủ các tài khoản liên tục đăng bài giới thiệu các sản phẩm, từ đủ mọi mẫu mã, giá cả, kích cỡ, có cả chú thích đi kèm rằng loại nào tốt hơn, loại nào dễ bị phát hiện. Không những mời gọi hấp dẫn về chất lượng sản phẩm, các bài đăng còn nhấn mạnh vào dịch vụ khuyến mãi "giá sốc mùa thi".

Sau khi nghiên cứu một số bài đăng trong nhóm, nhóm phóng viên nhận thấy các thiết bị siêu nhỏ thông dụng hiện nay gồm: Camera cúc áo ATM, camera wifi ngụy trang, tai nghe hạt đậu, tai nghe dạng móc chìa khóa, tai nghe dạng dây cắm sim,… với đủ các mức giá từ 350.000-1.700.000 đồng. Trong đó, hai loại được yêu thích và tìm thuê nhiều nhất là tai nghe hạt đậu và camera cúc áo, bởi theo như người bán, hai loại này có tính năng ưu việt "micro siêu nhạy, nghe được cả tiếng thì thầm" và "chất lượng hình ảnh full HD sắc nét, cam kết mờ hoàn tiền".

Hội nhóm không chỉ nhộn nhịp bởi tài khoản đầu mối chuyên cung ứng các thiết bị trên, không ít các bạn trẻ đã từng mua và sử dụng qua cũng có ý định cho thuê hoặc bán lại do không còn nhu cầu.

Chọn ra một tài khoản có lượt tương tác khá cao trong nhóm, chúng tôi ngỏ ý muốn thuê camera siêu nhỏ để tham gia kỳ thi cuối kỳ. Chỉ sau vài phút, chủ tài khoản đã phản hồi và giới thiệu đủ loại mẫu mã từ thường đến "siêu vip". Tuy nhiên, để đánh giá cụ thể hơn, chúng tôi được chủ tài khoản hẹn đến nhà riêng để trao đổi.

Một bộ đầy đủ các thiết bị "đảm bảo điểm số" cho việc thi cử. Ảnh: Nhóm PV

Một bộ đầy đủ các thiết bị "đảm bảo điểm số" cho việc thi cử. Ảnh: Nhóm PV

Bên trong "thiên đường" thiết bị gian lận thi cử

Qua tin nhắn, nhóm PV được hướng dẫn tới một chung cư mini nằm sâu trong con ngõ nhỏ trên phố Đại Linh, quận Nam Từ Liêm, cách xa trung tâm Hà Nội. Đón tiếp chúng tôi là T. - người đã trò chuyện qua tin nhắn.

Ngay trong căn bếp nhỏ ở tầng một, T. mang ra bộ "tai nghe hạt đậu" và giới thiệu đây là sản phẩm cho thuê chạy nhất. Bộ sản phẩm này bao gồm: 1 thiết bị phát sóng (điện thoại Nokia 105), 1 tai nghe siêu nhỏ, 1 viên pin 128 và 1 sạc. Trong đó, chiếc tai nghe siêu nhỏ có độ dài chỉ khoảng 5mm.

"Điện thoại bên mình đã lắp sẵn sim cho bạn rồi, lúc dùng chỉ cần bật nguồn lên là được. Còn cái tai nghe này, sau khi lắp pin, em phải nhét sâu vào trong tai. Pin "trâu" dùng liên tục được tận 8 tiếng nên cứ yên tâm!", T. giải thích và hứa hẹn.

T. hướng dẫn thêm, trước khi vào phòng thi, phải dán chiếc điện thoại ở trước ngực, hoặc bỏ trong túi áo sao cho kín để đảm bảo an toàn. Người hỗ trợ bên ngoài sẽ gọi điện đến và máy sẽ tự động kết nối. Khi kết nối thành công, âm thanh từ cuộc gọi sẽ được truyền đến tai nghe siêu nhỏ đã gắn sẵn trong tai từ trước. Lúc này, chỉ cần giả vờ nhẩm đề, âm thanh ghi lại câu hỏi sẽ được truyền ra ngoài cho người hỗ trợ giải đề một cách mượt mà.

Đặc biệt, người này nhấn mạnh: "Điện thoại này cực nhạy nên dù nói rất nhỏ, chỉ thì thầm thôi nhưng bên ngoài vẫn nghe được. Khi có bài giải, bên ngoài sẽ đọc vào cho chép, cứ ngồi thi như bình thường thì giám thị nào phát hiện được".

Khi chúng tôi bày tỏ sự lo lắng thiết bị này có thể ảnh hưởng tới thính lực, T. bật cười: "Chắc chưa dùng đồ này bao giờ hả? Dùng đũa nam châm là hút được ra ngay, không phải lo. Phải nhét sâu, sát màng nhĩ thì mới nghe rõ và không làm rơi tai nghe ra ngoài".

Thấy chúng tôi vẫn còn băn khoăn về tính hiệu quả của thiết bị, người bán lập tức giới thiệu thêm một sản phẩm khác với tên gọi "camera cúc áo": "Tai nghe thì chỉ có nghe và nói được thôi. Còn nếu em muốn xem được cả đề thì phải dùng thêm loại camera cúc áo nữa!".

Theo lời giới thiệu của T., sản phẩm này bao gồm: 1 chiếc điện thoại thông minh (Iphone 6) kèm sạc, một chiếc camera siêu nhỏ được ngụy trang dưới dạng cúc áo. Người bán còn "tâm lý" đến mức chuẩn bị sẵn một chiếc áo khuyết khuy để chúng tôi có thể dễ dàng sử dụng.

"Loại này thì bạn chỉ cần đăng kí mạng ở sim rồi dán vào người là dùng được. Còn người muốn xem camera chỉ cần đăng nhập vào ứng dụng là xem trực tiếp thoải mái", người bán cho biết.

Khi chúng tôi bày tỏ sự lo lắng rằng chất lượng hình ảnh truyền ra có thể không đảm bảo, T. ngay lập tức "thị phạm" và khẳng định: "Cam chất lượng HD, nét thoải mái nhé. Xem qua ứng dụng thì có thể thu phóng tùy ý, chữ nhỏ mấy cũng đọc được".

Bày tỏ ý định muốn mua trọn bộ 2 sản phẩm sau những lời mời chào của T., ngoài dự đoán của chúng tôi, T. từ chối: "Bên mình chỉ cho thuê thôi, công an bây giờ làm gắt nên giờ đây là hàng hiếm. Camera giá thuê 1 ngày là 350.000 đồng còn tai nghe là 200.000 đồng. Thuê cả bộ mình giảm giá còn 500.000 đồng. Bạn cọc bằng lái xe, thi xong thì quay lại đây đưa tiền và lấy lại bằng!".

Đối với những hành vi buôn bán trái phép các thiết bị gian lận thi cử, Luật Giáo dục 2019 và Nghị định 86/2019/NĐ-CP về quy chế thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ quy định rõ: "Người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính bằng hình thức phạt tiền, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo tính chất, mức độ vi phạm".

Kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2021 với vụ gian lận thi cử tại Hội đồng thi Trường Trung học phổ thông Đồi Ngô (Bắc Giang) được xem là vụ gian lận thi cử nghiêm trọng nhất được ghi nhận trong kỳ thi này. Thí sinh sử dụng thiết bị công nghệ cao để quay chụp đề thi và truyền phát ra ngoài, khiến cho 347 bài thi bị can thiệp điểm số. Hậu quả, 11 cán bộ ngành giáo dục bị bắt tạm giam, 42 cán bộ, giáo viên, nhân viên bị kỷ luật.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn rất nhiều học sinh, sinh viên lựa chọn sử dụng các thiết bị gian lận trong các kỳ thi, mặc kệ những hậu quả có thể xảy đến.

Chia sẻ với phóng viên, T.A. (20 tuổi, Hà Nội) tự hào cho biết đã có vô số kinh nghiệm trong việc gian lận với những thiết bị siêu nhỏ mà đến giáo viên trông thi cũng khó lòng phát hiện.

"Trong đợt thi thử vào Trung học phổ thông quốc gia môn Ngữ Văn, em có sử dụng tai nghe "hạt đậu" và có một bạn ở bên ngoài phụ trách tra đáp án. Khi phát đề xong, lúc cô quay lên bục giảng, em nhanh tay sử dụng điện thoại giấu trong áo khoác để chụp lại đề và gửi cho bạn". - T.A. cho biết.

Tuy sợ và nắm rõ những hậu quả khi bị phát hiện, nhưng T.A. vẫn lựa chọn gian lận vì "lười", học mãi không vào và vì còn nhiều điều khác phải quan tâm hơn là việc học.

Đây không chỉ câu chuyện của một người mà còn là thực trạng chung của một bộ phận không nhỏ các bạn học sinh, sinh viên hiện nay.

"Lần gần nhất mình thuê tai nghe siêu nhỏ là để thi chia phòng một môn học khó mà mình học mãi không hiểu. Lúc đó, mình đã thuê cùng một bạn nữa". Q.T. nói.

Chia sẻ thêm về việc không lựa chọn các thiết bị sẵn có như tai nghe airpod, Q.T mách nhỏ với vẻ đầy kinh nghiệm: "Tại vì airpod to, kể cả đeo lên rồi xõa tóc ra che thì giám thị vẫn phát hiện ra được. Mình từng dùng một lần rồi, suýt nữa bị lập biên bản, nhưng do giám thị bắt ngay đầu giờ thi nên được tha cho".

Q.T. cũng cho biết thêm, hiện tại các thiết bị gian lận tinh vi này được rao bán tràn lan trên các trang mạng xã hội, thậm chí còn có hội nhóm với hàng chục nghìn thành viên.

Với áp lực học tập vô cùng lớn, cạnh tranh gay gắt, Đ.H (19 tuổi, Hà Nội) đã từng có ý định "liều một phen": "Đợt thi Đại học, em có đặt nguyện vọng hơi quá tầm với nên cảm thấy rất áp lực với điểm số. Có lần, em lướt facebook thì vô tình xem được video giới thiệu tai nghe với cam siêu nhỏ".

Qua lời mời chào, Đ.H. còn được hướng dẫn tận tình cách sử dụng, từ việc chụp đề bằng camera siêu nhỏ, tuồn đề ra nhờ người làm hộ, nhận đáp án qua tai nghe chỉ bé bằng hạt đậu. Tuy nhiên, vì sợ không gánh vác được hậu quả, làm bố mẹ, thầy cô, bạn bè thất vọng, Đ.H đã gạt đi ý định này.

Để việc thi cử phản ánh đúng quá trình học

PGS.TS Phạm Thị Thu Hoa. Ảnh NVCC

PGS.TS Phạm Thị Thu Hoa. Ảnh NVCC

PGS.TS Phạm Thị Thu Hoa, giảng viên Khoa Tâm lý học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho rằng, việc học sinh, sinh viên sử dụng những thiết bị gian lận trong thi cử xuất phát từ sự thiếu tự tin vào kiến thức và kỹ năng của bản thân, sợ thất bại.

Bên cạnh đó, áp lực từ gia đình, bạn bè và chính bản thân học sinh thúc đẩy họ tìm đến việc gian lận.

Những hành vi gian lận sẽ gây hại đến cái sự phát triển toàn diện của của người học, khiến họ nhận những hậu quả vô cùng nghiêm trọng như đình chỉ thi, bị kỷ luật và thậm chí là đuổi học.

"Đôi khi học sinh, sinh viên không nghĩ đến hậu quả lại kinh khủng như vậy". PGS.TS Phạm Thị Thu Hoa chia sẻ.

Tuy nhiên, PGS.TS Phạm Thị Thu Hoa cho rằng, học sinh, sinh viên nên xây dựng cho mình một kế hoạch học tập rõ ràng trước những kỳ thi quan trọng để đảm bảo việc nắm vững kiến thức và ôn tập kỹ càng, tránh tình trạng trì hoãn. Ngoài ra, nhà trường cần tạo ra môi trường học tập trung thực, nâng cao kỹ năng coi thi cho giám thị, tăng cường sự nghiêm túc trong việc giám sát thi cử.

Nhóm Phóng viên

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/bong-toi-thi-truong-thiet-bi-gian-lan-thi-cu-tiem-an-sau-anh-sang-cong-nghe-179240619165554957.htm